| Hotline: 0983.970.780

Điện gió ken đặc đất lửa Quảng Trị

Thứ Hai 02/08/2021 , 14:58 (GMT+7)

Giấc mơ 'thủ phủ điện gió' được tỉnh Quảng Trị vẽ lên hết sức hào nhoáng và đang dồn toàn lực để thực hiện. Nhưng hướng đi, cách làm vẫn còn nhiều bất cập...

[Bài 1] Giấc mơ trở thành thủ phủ năng lượng điện gió?

Phát triển điện gió là chủ trương lớn của tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Việt Khánh.

Phát triển điện gió là chủ trương lớn của tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Việt Khánh.

Dồn sức cho giấc mơ lớn

Trên 30 dự án được triển khai cùng hàng chục dự án khác đang gấp rút nghiên cứu bổ sung vào quy hoạch chung, Quảng Trị cho thấy khát vọng vươn mình mạnh mẽ trở thành “thủ phủ” năng lượng điện gió của dải đất miền Trung này.

Được biết, chỉ tiêu phát triển năng lượng tái tạo có trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Nhiều diện tích rừng bị ảnh hưởng khi dự án tràn qua. Ảnh: Công Điền.

Nhiều diện tích rừng bị ảnh hưởng khi dự án tràn qua. Ảnh: Công Điền.

Nghị quyết nêu rõ "tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Phấn đấu xây dựng Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030…".

Từ lộ trình vạch sẵn, chính quyền các cấp cùng các cơ quan chuyên ngành tỉnh Quảng Trị đã ra sức “trải thảm đỏ” thông qua những chính sách kích cầu nhằm tạo đột phá về thu hút đầu tư.

Lập tức, hàng loạt doanh nghiệp sẵn sàng đổ tiền đầu tư vào lĩnh vực điện gió: Công ty CP Tổng Công ty Tân Hoàn Cầu, Công ty TNHH MTV Đầu tư Năng lượng Hoàng Hải Quảng Trị, Công ty CP SCI, Công ty TNHH MTV ĐT Năng lượng Tài Tâm Quảng Trị, Tổng Công ty CP Thiết bị điện Việt Nam, Công ty CP điện gió Khe Sanh, Công ty CP Năng lượng Gelex Quảng Trị…  biến vùng đất gió Lào vốn tĩnh lặng trở nên huyên náo, nhộn nhịp lạ thường.

Các Doanh nghiệp điện gió đã nhanh chóng nhập cuộc. Ảnh: Việt Khánh.

Các Doanh nghiệp điện gió đã nhanh chóng nhập cuộc. Ảnh: Việt Khánh.

Chủ trương phát triển điện gió của tỉnh Quảng Trị đang xuất hiện 2 luồng quan điểm trái chiều, bên cạnh sự đồng thuận là những ý kiến lo ngại hệ lụy kéo theo. Lo lắng này không thừa, bởi dự án đồng loạt tràn về trực tiếp lấy đi cả trăm ha đất và rừng, kéo theo tầng địa chất bị tác động trầm trọng, đời sống của số đông đồng bào vùng cao bị ảnh hưởng từng ngày từng giờ.

Rắc rối nảy sinh 

Bàn về lĩnh vực điện gió nhất thiết phải nhấn mạnh đến tinh thần của Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 về việc “Sửa đổi, bổ sung cơ chế phát triển điện gió tại Việt Nam” của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, Điểm a của Điều 14, áp dụng đối với các dự án triển khai trong đất liền nêu rõ: Giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.928 đồng/kWh. Giá sẽ được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD, được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy điện gió nối lưới có vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021. Mức ưu đãi áp dụng trong thời gian 20 năm.

Quy định này, khiến các doanh nghiệp điện gió ký cam kết về đích đúng thời hạn luôn trong thế “vắt chân lên cổ”, bằng mọi giá quyết kịp vận hành thương mại trước cột mốc "1/11/2021" nhằm tạo đà kinh doanh bền vững về sau.

Có điều đi nhanh ắt dễ ngã, hàng loạt vấn đề cho thấy các dự án điện gió tại Quảng Trị đang tồn tại nhiều bất cập.

Các dự án lớn nhỏ đều được dồn về Hướng Hóa, huyện miền núi phía Tây Quảng Trị. Ảnh: Công Điền.

Các dự án lớn nhỏ đều được dồn về Hướng Hóa, huyện miền núi phía Tây Quảng Trị. Ảnh: Công Điền.

Thấm hơn cả là huyện miền núi Hướng Hóa, nơi được “ưu tiên” phân bổ đến 29/31 dự án. Dù rất khẩn trương nhưng khả năng chỉ 18 dự án với quy mô công suất trên 693 MW có thể cán đích như mong đợi, điều đó cho thấy bức tranh tổng thể không hoàn toàn là những gam màu tươi sáng.

Thời gian càng cận kề áp lực càng tăng lên, tuy nhiên do thiếu sự chủ động cần thiết ngay từ ban đầu thành thử tình hình chung đang hết sức rối.

Quảng Trị đang rà soát tổng thể và tiến tới thu hồi các dự án chậm tiến độ hoặc không triển khai, đó là việc làm bắt buộc trong bối cảnh quỹ đất không mấy dư thừa. Để tránh lặp lại vết xe đổ, nhất thiết địa phương này cần nghiêm túc đánh giá, xem xét kỹ lượng mức độ khả thi của các dự án điện gió trước khi xuống bút.

Lấy một dẫn chứng cụ thể, ngày 14/5/2021, chủ trì buổi làm việc giải quyết các vấn đề vướng mắc trong công tác GPMB đối với các dự án điện gió tại huyện Hướng Hóa, sau khi nghe ý kiến từ chính các chủ đầu tư gồm Công ty TNHH MTV Đầu tư Năng lượng Tài Tâm Quảng Trị, Công ty CP Điện gió Khe Sanh, Công ty CP Năng lượng Gelex Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu  UBND huyện Hướng Hóa phải tiến hành phân nhóm các vấn đề khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tuyên truyền, vận động phù hợp để người dân đồng thuận, chấp hành đúng chính sách của Nhà nước. Phải giải quyết dứt điểm các tranh chấp, thực hiện quy chủ sử dụng đất rõ ràng, tránh tình trạng khiếu kiện, cản trở thi công.

Về phía chủ đầu tư, phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để thống nhất thực hiện phương án GPMB, không được tự ý thỏa thuận nâng giá đền bù khi chưa được sự đồng ý của cơ quan cấp huyện; hoàn thành các hồ sơ pháp lý về đền bù, hỗ trợ, chuyển đổi, thu hồi đất theo đúng quy định trước ngày 30/6/2021…

Có nhiều nguyên do dẫn đến vướng mắc của các dự án điện gió, đầu tiên phải đề cập đến trách nhiệm của cấp chính quyền. Trước sau tỉnh Quảng Trị khẳng định không đánh đổi môi trường lấy kinh tế bằng mọi giá, nhưng việc triển khai ồ ạt, dàn trải, “tạo điều kiện” một cách thái quá cho các chủ đầu tư dường như đang đi ngược lại với chủ trương chung.

Hai nữa là động thái “giơ cao đánh khẽ”. Thực tế qua quá trình kiểm tra, giám sát các dự án điện gió tại Hướng Hóa, cơ quan chức năng phát hiện hàng loạt vấn đề sai phạm liên quan đến công tác chuyên môn (chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất, chậm trễ GPMB, tác động môi trường…), dù vậy việc xử lý cơ bản chỉ như muối bỏ bể khi tất cả chỉ gói gọn trong 2 chữ: Nhắc nhở.

Thái độ nửa vời từ cấp chính quyền đã khiến hàng loạt công trình “điểm” như Dự án điện gió Tài Tâm của Công ty TNHH MTV đầu tư năng lượng Tài Tâm Quảng Trị; Dự án điện gió Hoàng Hải của Công ty TNHH MTV đầu tư năng lượng Hoàng Hải Quảng Trị; Dự án điện gió Amaccao Quảng Trị 1 của Công ty CP điện gió Khe Sanh ngày ngày vẫn ngang nhiên thi công bất chấp cả núi dư luận đang vây quanh...

Các doanh nghiệp đang đẩy nhanh tiến độ bởi thời điểm chính thức vận hành thương mại để hưởng ưu đãi không còn bao lâu. Ảnh: Công Điền.

Các doanh nghiệp đang đẩy nhanh tiến độ bởi thời điểm chính thức vận hành thương mại để hưởng ưu đãi không còn bao lâu. Ảnh: Công Điền.

Triển khai bất chấp đồng nghĩa với nguy cơ luôn rình rập, thật đáng lo ngại khi tổng quan bức tranh điện gió Quảng Trị nhìn đâu cũng thấy vấn đề. Rõ nhất là vướng mắc triền miên liên quan đến hành lang tuyến của các đường dây 110kv, 22kV, 35kV, một số điểm không tài nào thu hồi được đất để tiến tới đền bù. Bất chấp chủ đầu tư đã có động thái xuống nước bằng cách đẩy mức hỗ trợ cao hơn so với quy định, tuy nhiên mâu thuẫn vẫn không ngừng leo thang. Doanh nghiệp và người dân không tìm được tiếng nói chung, dĩ nhiên tiến độ dự án khó đạt được như kế hoạch đặt ra.

Lo ngại điều này, ngày 21/7/2021 UBND huyện Hướng Hóa đã phát công văn yêu cầu các Chủ đầu tư báo cáo tình hình, tiến độ chung. Ghi nhận sơ bộ, có đến chục dự án điện gió chưa thể giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc về GPMB, bao gồm Gelex 1, 2, 3; Hướng Phùng 2, 3; Liên Lập; Hướng Linh 3, 4; Amaccao Quảng Trị 1; Tài Tâm, Hoàng Hải, Phong Liệu.

"Cột mốc vàng" 1/11/2021 chỉ cách chừng 3 tháng ngắn ngủi nữa, sau thời khắc này sẽ có người hân hoan, thở phào nhẹ nhõm, ngược lại không ít kẻ sẽ rối như tơ vò. Dồn toàn lực suốt thời gian dài cốt hoàn thành mục tiêu đặt ra, khi con tính chệch đường ray ắt hẳn sẽ dẫn đến nhiều xáo trộn, lúc đó liệu rằng giấc mơ “trung tâm năng lượng của miền Trung” mà Quảng Trị ngày đêm ấp ủ có thành hiện thực?

Xem thêm
Trung Quốc vẫn sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của sắn Việt Nam

Tuy nhiên, tại thị trường này, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh với Thái Lan, Lào và Campuchia.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Bảo vệ sức khỏe trái tim: Chìa khóa cho cuộc sống khỏe mạnh

Hiện nay, nhiều người chưa thật sự quan tâm đúng mực đến sức khỏe của trái tim, dẫn đến nhiều hệ lụy từ các bệnh lý tim mạch.  

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.