“Ô cửa vẫn sáng đèn ” tiếp nối mạch cảm xúc mà tác giả trẻ Lữ Hồng dành cho phố núi Gia Lai, sau tập thơ “Một mai thức dậy” và tập tản văn “Đợi sương mù giữa phố”.
Tập thơ “Ô cửa vẫn sáng đèn” gồm 50 bài thơ chất chứa tâm tư và hy vọng. Chất trữ tình đã được Lữ Hồng chọn là tiêu ngữ cho bìa thi tập: “Không ai rót mời một ly rượu trắng trong/ đốt cho dữ dội hóa lành yên/ cho đắng cay thành dịu ngọt/ thôi thì viết một câu thơ làm chứng/ rằng ta đã tự mềm môi”.
Không khó để bắt gặp chất trữ tình nói chung và niềm đôi lứa nói riêng trong thơ một ai đó, nhưng để chất trữ tình riêng tư ấy thi vị hóa đời mình thì không dễ. Tác giả trẻ Lữ Hồng đã làm điều đó cùng “Ô cửa vẫn sáng đèn” bằng cách nhen lên những ngõ ngách rung động lãng mạn.
Tác giả Lữ Hồng bắt đầu hành trình tìm chính mình trong sự hỗn độn của xúc cảm. Chính những yếu đuối đã hơn lần làm cô loay hoay, đã soi rọi lại và định nghĩa lại tất cả thương nhớ âm thầm.
Nhà thơ Lữ Hồng đã đi sâu vào bản ngã, đặt tên cho những hồ hởi vui và nằng nặng buồn của thời thanh xuân: “Hơn ba mươi năm tôi chẳng dám khổ đau/ cứ cười như chim rừng đã ăn vừa quả ngọt”. Ở ngưỡng 30 mùa hoa thạch thảo tím buồn, cô từng ân cần: “Em sẽ tiễn anh như thơ tiễn mùa thu/ như thể mình chưa có ngày nào vì nhau mà thở// ngày vén tóc thương anh là ngày nổi gió/ trời có xanh đâu mà bắt cỏ phải mềm”.
Sự tận cùng là thứ Lữ Hồng tìm kiếm trong suốt quãng thở của con tim. Như bao người thơ khác, không chấp nhận sự nửa vời cho bất cứ điều gì, cô đã đi tìm về ý nghĩa sống của bản thân, cô tách mình ra để chuyện trò, chất vấn. Cô tìm về nụ cười áo trắng, chưa kịp nhặt niềm vui đã gặp cành phượng chớm buồn: “Xa nhau cao nguyên nửa chiều bỗng nhạt/ Về đi anh dẫu một lần như khách”.
Lắm lúc tác giả Lữ Hồng lật tung kỷ niệm để tìm kiếm một xao xuyến mong manh, nhưng phải bẽ bàng trở về thực tại: “Tìm đâu một tiếng chuông ngân/ vô biên và vô vọng/ lặng lẽ đức tin cuối cùng/ không thể cúi xuống hôn mắt mình”.
“Ô cửa vẫn sáng đèn” làm đậm thêm thi pháp thơ trữ tình của tác giả Lữ Hồng. Có những câu thơ đọc lên buộc ta phải chiêm nghiệm, dù tác giả không cố tình triết lý “Nửa đêm muốn đặt lên bia mộ bạn mình một lý cà phê/ uống bù những lần lỗi hẹn” hoặc “Bây giờ ta còn ta/ như một căn nhà không cần treo số”.
Khi “ô cửa vẫn sáng đèn” trên phố núi Gia Lai, tác giả Lữ Hồng giúp độc giả nhận ra nhiều nỗi dịu dàng xen lẫn đắng đót: “Em như có như không/ như cuộc đời sắp ngửa/ giữa thật giả buồn vui ngọt nhạt/ em rồi có rồi không”.