Anh Vũ Văn K. trước đây có một cửa hàng bán quần áo tại phường Hồng Hà - TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), đã đăng ký hộ kinh doanh từ tháng 12/2018. Anh K. cho biết, theo hướng dẫn của cơ quan thuế, hàng tháng anh phải đóng 100.000 đồng tiền thuế giá trị gia tăng, 50.000 đồng tiền thuế thu nhập cá nhân và anh đã hoàn thành nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước đến hết quý 1/2019.
Tháng 2/2019, cửa hàng của anh K. không may bị mất trộm gây thiệt hại đến kinh tế (hiện hồ sơ vẫn thụ lý bên công an phường Hồng Hà). Do không có khả năng chi trả tiền thuê mặt bằng nên anh K. cũng dừng kinh doanh luôn. Từ đó đến nay chủ nhà tại địa điểm anh K. thuê kinh doanh đã cho 2 hộ khác thuê để buôn bán.
Mới đây, để làm thủ tục quyết toán thuế năm 2019, anh K. đến trung tâm hành chính công thành phố Hạ Long hỏi thủ tục hướng dẫn thay đổi lại số chứng minh thư sang thẻ căn cước trên mã số thuế anh đã được cấp. “Sau khi tra cứu thì cán bộ hành chính công hỏi về cửa hàng kinh doanh còn hoạt động không sao không thấy đóng thuế? lúc đó tôi mới giật mình, vì từ khi mất trộm thiệt hại kinh tế tôi cũng không có tâm trạng để ý đến các việc liên quan đến cửa hàng. Sau đó tôi đến đội thuế số 4 (trước đó anh K. kê khai thuế - PV) để hỏi xem mình đang nợ thuế gì thì được thông báo còn nợ gần 1,3 triệu tiền thuế. Tôi thắc mắc là những khoản gì và tại sao không được thông báo thì cán bộ thuế bảo tôi lên Cục thuế Hạ Long để hỏi”, anh K. cho hay.
Tại chi cục thuế Hạ Long, khi hỏi về những khoản thuế được thu thì một cán bộ ở phòng tuyên truyền - hỗ trợ bảo anh K. lên phòng xử lý nợ để họ in giúp bảng kê rồi quay lại. Sau khi in bảng nợ thuế, anh K. hỏi số tiền nợ thuế trên tờ khai 01/CNKD là gì thì cán bộ này nói “muốn hiểu kỹ thì về đội thuế các anh ấy giải thích cho”.
Chiều cùng ngày, anh K. quay lại đội thuế số 4 đề nghị cán bộ thuế giải thích về các khoản phải đóng. Theo phản ánh của anh K., tại đây, các nhân viên đội thuế không đeo thẻ khi làm việc, xưng hô mày tao và thể hiện thái độ khó chịu vì trước đó anh K. có gọi điện cho trưởng phòng tổ chức cán bộ Cục thuế Quảng Ninh để phản ánh.
“Tôi thừa nhận là mình có một phần lỗi trong việc không lên báo cơ quan thuế khi ngừng kinh doanh nhưng đây là trường hợp bị thiệt hại do mất trộm và không có khả năng tiếp tục kinh doanh. Tôi thắc mắc là tại sao đến kỳ nợ thuế của Quý, cán bộ ủy nhiệm thu thuế lại không phát thông báo thuế hoặc gọi điện cho tôi mặc dù tờ khai theo mẫu 01/CNKD tôi đã khai đầy đủ thông tin địa chỉ nhận thông báo và số điện thoại khi cần”, anh K. ấm ức nói.
Trước những thắc mắc của anh K., cán bộ đội thuế trả lời là “không hơi đâu đi nhớ số điện thoại của từng hộ”. Anh K. cho rằng cán bộ đội thuế và cán bộ ủy nhiệm thu như vậy là chưa làm hết trách nhiệm trong quy định chức năng nhiệm vụ của mình. “Nếu bảo việc cung cấp số điện thoại là không có giá trị và không cần thiết trên tờ khai mẫu 01/CNKD thì nên bỏ dòng đó đi. Họ còn nói thế trưởng phòng tổ chức cán bộ tỉnh không giải thích cho mày hiểu à”, anh K. bức xúc, nhớ lại.
Qua sự việc trên, anh K. đề nghị chi cục thuế Hạ Long cần nhìn nhận lại cung cách làm việc của một số cán bộ. Nếu “máy móc” như vậy thì người kinh doanh bị thiệt hại kinh tế trong tình huống không còn khả năng kinh doanh vẫn sẽ bị áp thuế thu nhập cá nhân và dĩ nhiên trong lòng không phục.
Báo NNVN sẽ tiếp tục thông tin về trường hợp này…