| Hotline: 0983.970.780

Oái oăm chuyện 'xé rào' nuôi tôm ở Mỹ Thành

Thứ Năm 05/08/2021 , 09:00 (GMT+7)

Bất chấp khuyến cáo, ngăn chặn của chính quyền, người dân xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ, Bình Định) ào ạt múc ruộng, vườn làm ao nuôi tôm. Và hệ lụy bây giờ đã tới...

Nửa đêm đào vườn làm ao nuôi tôm

Cách đây hơn 10 năm, ở xã Mỹ Thành, địa phương ven biển của huyện Phù Mỹ (Bình Định) rầm rộ nổi lên nạn nuôi tôm “vượt rào” quy hoạch, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng và chính quyền địa phương.

Khi ấy, môi trường chưa bị ô nhiễm, nên những hộ nuôi tôm tại những vùng được chính quyền xã Mỹ Thành quy hoạch, chủ yếu ở thôn Xuân Bình Nam, thôn Hưng Lạc và 1 ít diện tích ở thôn Hưng Tân đều ăn nên làm ra.

Những khoảnh sân trước mặt nhà của nhiều hộ dân ở xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) biến thành những hồ nuôi tôm. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Những khoảnh sân trước mặt nhà của nhiều hộ dân ở xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) biến thành những hồ nuôi tôm. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Vậy là những hộ có đất vườn, đất nông nghiệp có chức năng sản xuất cây trồng cạn lập tức thuê phương tiện đến đào vườn, đào đất nông nghiệp làm hồ nuôi tôm. Thậm chí, có nhiều khoảnh sân đất trước mặt nhà cũng bị băm nát để rồi hóa thành hồ nuôi tôm.

Chính quyền địa phương phát hiện liền có biện pháp ngăn chặn, khuyến cáo người dân làm như vậy là vi phạm pháp luật, vì sử dụng đất sai mục đích. Thế nhưng sự ăn nên làm ra của những hộ nuôi tôm trong địa phương đã khiến họ bất chấp sự chăn chặn của chính quyền địa phương, bằng mọi cách phải sở hữu cho được một hồ nuôi tôm để nhanh kiếm tiền cho “bằng bạn bằng bè”.

Theo trí nhớ của một cựu lãnh đạo xã Mỹ Thành, giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2016, nạn đào vườn và đào đất nông nghiệp làm hồ nuôi tôm nổi lên rộ nhất. Do chính quyền địa phương ngăn chặn nên họ không đào hồ tôm vào ban ngày, mà khoán cho những chủ phương tiện xe múc thâu đêm, sáng ra là đã xong cái lỗ to đùng, sâu hoắm, khi ấy chính quyền địa phương có phát hiện thì cũng là “chuyện đã rồi”. Phạt vi phạm hành chính thì họ chấp nhận, rồi sau đó gia cố thêm cho thành hồ rồi thả tôm nuôi.

“Giai đoạn đầu, UBND xã Mỹ Thành chỉ quy hoạch vùng nuôi tôm ở thôn Xuân Bình Nam, thôn Hưng Lạc và 1 ít diện tích ở thôn Hưng Tân với khoảng hơn 70 ha. Thế nhưng từ năm 2010 trở đi, diện tích nuôi tôm tự phát ngoài quy hoạch ngày càng nhiều. Hồ nuôi tôm xuất hiện nhan nhản xuống đến thôn Vĩnh Lợi. Hiện nay, diện tích nuôi tôm ở Mỹ Thành và cả những vùng nuôi trong quy hoạch và diện tích nuôi tự phát phải có đến 150 ha”, vị cựu lãnh đạo xã Mỹ Thành, nhớ lại.

Nạn đào ao nuôi tôm trên đất nông nghiệp từ xã Mỹ Thành hiện đã 'lây' sang đến xã Cát Khánh (huyện huyện Phù Cát). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nạn đào ao nuôi tôm trên đất nông nghiệp từ xã Mỹ Thành hiện đã “lây” sang đến xã Cát Khánh (huyện huyện Phù Cát). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Hồ Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành xác nhận thông tin, nạn nuôi tôm trong vườn nhà và trên đất nông nghiệp từng là nỗi nhức nhối của địa phương này. Bởi, khi diện tích nuôi tôm trên địa bàn tăng cao, ao hồ nuôi tôm mọc dày đặc sẽ kéo theo nạn ô nhiễm môi trường.

Khi môi trường bị ô nhiễm thì dịch bệnh sẽ phát sinh. “Nhiều năm gần đây, dịch bệnh phát sinh liên tục, tôm nuôi chưa kịp lớn đã chết, khiến người nuôi tôm ở địa phương thua lỗ liên hoàn”, ông Hồ Văn Vinh cho hay.

Lại lấp ao tôm trồng hoa màu

Nói về hệ lụy của nạn nuôi tôm “vượt rào” quy hoạch, ông Hồ Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành, chua xót: Những hộ nuôi tôm tự phát thường là mạnh ai nấy nuôi, không nghĩ gì đến môi trường xung quanh, nên xảy ra tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng.

Khi nguồn nước nuôi đã ô nhiễm, thì dịch bệnh phát sinh trên tôm nuôi là điều tất nhiên. Nghề nuôi tôm lúc suôn sẻ thì không nói gì, chứ khi đã dính dịch bệnh là coi như trắng tay. Đến lúc này, những hộ nuôi tôm trái phép trên địa bàn mới nhận ra một điều, không nghe theo khuyến cáo của ngành chức năng và chấp hành các biện pháp ngăn chặn của chính quyền địa phương là sai lầm lớn. Nhưng khi hiểu ra thì đã muộn, vốn liếng liên tục “đội nón ra đi” theo những vụ tôm thất bát.

Nước thải từ các hồ nuôi tôm xả thẳng ra môi trường gây ô nhiễm. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nước thải từ các hồ nuôi tôm xả thẳng ra môi trường gây ô nhiễm. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo miêu tả của ông Vinh, khi người dân đã quyết nuôi tôm theo kiểu bất chấp, thì cả việc lấy nước vào ao nuôi và xả thải cũng bất chấp theo. Để có nước mặn, những hộ nuôi tôm trong vườn nhà hoặc trên đất nông nghiệp ra ven đầm đóng giếng, rồi bơm, dẫn nước mặn theo một đường ống vào ao nuôi.

Một đường ống khác to hơn, được nối từ ao nuôi ra đầm dùng để xả thải. Nước thải từ những ao nuôi tôm xả thẳng ra môi trường, ngày này qua ngày kia, thẩm thấu dần dần xuống đất gây ô nhiễm mạch nước ngầm. Nguồn nước ô nhiễm này lại được dẫn vào hồ để nuôi tôm. Cái vòng tròn “oan nghiệt” này đã khiến những người nuôi tôm “vượt rào” quy hoạch ở xã Mỹ Thành thất bại liên hoàn trong nhiều năm qua.

Nước thải của các hồ tôm ô nhiễm khỏi phải nói, nào là thức ăn thừa tồn đọng đến những chất thải từ tôm nuôi. Nước này xả thẳng ra môi trường, rồi sau đó bơm lại vào ao nuôi thì tôm không bị dịch bệnh mới là chuyện lạ.

"Thậm chí có ao nuôi mới 2-3 tuần, tôm bị bệnh do môi trường ô nhiễm bị chết, cỡ tôm này không thể tận thu nên chủ nuôi xả luôn ra môi trường càng gây ô nhiễm hơn nữa. Do đó, những năm gần đây dịch bệnh liên tục phát sinh trên tôm nuôi. Người nuôi được thì ít mà người thua lỗ vì tôm rất nhiều”, ông Lê Đình Đức, Giám đốc HTX Thủy sản Mỹ Thành ngao ngán.

“Môi trường nguồn nước nuôi càng ô nhiễm thì dịch bệnh phát sinh trên tôm nuôi càng dữ dội, khiến những hộ nuôi tôm trái phép thua lỗ liên tục. Một vụ nuôi đầu tư cả 100 triệu đồng, nếu lỗ trắng 2 vụ/năm thì hộ nuôi mất đứt 200 triệu đồng. Nhiều hộ nuôi tôm bị thua nhiều năm liền, nên bây giờ hoảng quá không dám nuôi nữa, bỏ trống hồ. Hiện có nhiều hộ trước đây đào vườn hoặc đào đất nông nghiệp làm hồ nuôi tôm, nay lại san lấp bằng phẳng để trồng lại hoa màu”, ông Hồ Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành kể.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.