Trong khi đó, sau một thời gian phơi hồ, xử lý hóa chất, các hộ dân lại bắt đầu bước vào mùa vụ mới như một “canh bạc” với trời…
Vùng nuôi tôm cao triều ở thôn Vĩnh Trị (xã Hải Dương, thị xã Hương Trà), năm nay bà con nông dân đang “méo mặt” bởi một vụ mùa thất bát.
Ông Lê Xuân Hướng, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Dương cho biết, hệ thống xử lý nước thải chung tại vùng nuôi tôm cao triều ở Hải Dương và Quảng Công được xây dựng từ năm 2005. Cứ giữa hai ao diện tích 8.000 m2 thì có một ao ở giữa 200 m2 để bơm nước vào, xử lý hóa chất sau đó đưa nước vào hồ nuôi; giữa vùng nuôi gồm 8 ao cũng có một mương chung để đưa nước thải từ vùng nuôi ra ngoài.
Thế nhưng, việc xả nước ra đầm phá và lấy nước vào nuôi tại chỗ đã làm cho nhiều diện tích nuôi tôm bị ô nhiễm dẫn đến dịch bệnh tràn lan.
“Tính đến thời điểm tháng 7/2015, trên địa bàn tỉnh TT- Huế mới đưa vào thả nuôi hơn 400 ha tôm thẻ chân trắng, tôm sú và 3.800 ha nuôi xen ghép các loại thủy sản. Tổng sản lượng thu hoạch ước đạt trên 4.000 tấn. Việc quản lý dịch bệnh, môi trường ở một số vùng nuôi còn nhiều bất cập do công tác quy hoạch của chúng ta đi sau phát triển sản xuất; dịch bệnh người nuôi ít thông báo cho cơ quan chức năng hoặc tận dụng thu vét và xả thẳng nước ra môi trường bên ngoài làm nguy cơ lây lan dịch bệnh”, bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục NTTS TT- Huế. |
Hộ ông Hương cũng như nhiều hộ nuôi tôm khác ở vùng cao triều Vĩnh Trị, khi súc hồ, xả nước, các hộ dân này không đưa vào hệ thống xử lý nước thải mà bơm thẳng ra những hồ tự nhiên bên cạnh cho nhanh. “Làm như thế không sợ dịch bệnh à?”- tôi hỏi. Ông Hương thú thật: “Hồ tự nhiên ni bơm ra rồi phơi, nó tự rút nước thôi (?!)”.
Đi lên vùng biển ở các xã Điền Hòa, Phong Hải (huyện Phong Điền), tình trạng nuôi tôm gây ô nhiễm môi trường còn kinh khủng hơn. Vùng tôm tại thôn Thế Mỹ A (xã Điền Hòa), Hải Thế (xã Phong Hải), sau một thời gian phơi hồ do tôm mất mùa, giờ đang rục rịch bước vào vụ nuôi mới. Từ trảng cát trên đồi cao chạy dọc ra phía biển là con mương “lộ thiên” xử lý nước thải của hàng trăm nhóm hộ nuôi tôm tại thôn Thế Mỹ A.
Mương có chiều dài khoảng 500 m, rộng 3 m, không hề có lót bạt hay đúc bê tông mà chảy tràn ra giữa đất, tập trung ở một đường cống rồi chảy thẳng ra phía bờ biển.
Từ đường mương chảy ra cơ man nào là rác rưởi từ các vùng nuôi tôm đổ về; cả một vùng “sình lầy” trước đây vốn là cát nằm bên biển với màu nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nguồn nước này đang ngấm vào bờ cát rồi chảy thẳng ra biển.
Tại thôn Hải Thế, dù đã có mương bằng bê tông để dẫn nước thải ra biển nhưng nhiều điểm chất lượng không đảm bảo. Nước từ vùng nuôi tôm đổ dồn về một cống thoát nước sau đó chảy thẳng ra vùng cát ven biển.
Nuôi tôm “đầu độc” vùng biển tại xã Điền Hòa
Đi ra vùng biển Phong Hải, nhiều nơi do nước tôm thải ra tạo nên những vùng sinh lầy, sặc mùi xú uế, hóa chất. Cạnh đó, những đường ống được các hộ dân dẫn nước ngược lại vào hồ nên gây nên tình trạng ô nhiễm vùng nuôi tôm.
Ghi nhận từ các địa phương Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền cho thấy việc nuôi tôm của bà con đang đứng trước những mùa vụ thất bát.
Toàn xã Hải Dương có hơn 75 ha diện tích nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng, riêng vùng tôm cao triều Vĩnh Trị có 36/38 ao (13,5 ha) tôm của hàng chục hộ dân bị dịch bệnh, nhiều hồ nuôi mất trắng.
Ông Lê Như Khoa, một hộ nuôi tôm cho biết: “Mùa vụ trước, tui nuôi 2 hồ 8.000 m2, tôm 2,5 tháng là có thể cho thu hoạch được, đạt 30 - 40 con/kg. Vừa qua, do môi trường thay đổi, tôm chậm lớn, sản lượng không đạt, chỉ 60 - 70 con/kg nên chỉ bán được giá thấp. Có hộ mất trắng sau thời gian 2 tháng nuôi, lỗ từ 40 - 50 triệu đồng/hồ”.
Xả thải vô tội vạ làm vùng nuôi tôm và nước biển xã Phong Hải ô nhiễm