Không những vậy còn có sự xuất hiện, bùng phát của ốc bươu vàng (OBV) tại một huyện trồng lúa trọng điểm ở Long An.
OBV tấn công cắn phá lúa ở xã Long Trạch, huyện Cần Đước, Long An |
Ông Huỳnh Văn Đành, Trưởng trạm Khuyến nông Cần Đước cho PV NNVN biết, vụ lúa HT năm 2017 toàn huyện trồng 9.500ha nhưng đã hiện có trên 200ha lúa bị chết do ngập nước nặng nằm tập trung ở các xã vùng sâu như Long Hựu Đông, Long Trạch, Tân Ân, Phước Tuy...
Đặc biệt, đối với những vùng trũng thấp, nước tồn đọng cao trên ruộng, tạo điều kiện cho ốc bươu vàng tấn công gây hại lúa từ vài ngày tuổi cho đến 1 tháng. Tình trạng này diễn ra khiến bà con nông dân lo lắng, làm tăng chi phí phòng trừ lên so mọi năm khoảng 200.000 đồng/ha (tăng 5kg thuốc bã mồi/ha).
Theo ước tính, toàn huyện có đến 500ha lúa bị OBV cắn phá, tỷ lệ nhiễm 5 - 10%, chủ yếu giai đoạn lúa con (mạ) ở các xã như Long Trạch, Phước Vân, Phước Tuy... Trong đó, một số diện tích lúa đang còn giai đoạn "mạ" nên nhiều nông dân phải sạ lại hoặc cấy dặm để phục hồi diện tích bị thiệt hại. Nguyên nhân chính do vụ HT năm nay mưa nhiều, khâu vệ sinh đồng ruộng gặp khó khăn, đất không phơi được là điều kiện thuận lợi để OBV bùng phát.
Tại xã Long Trạch, theo ông Nguyễn Quốc Việt (khuyến nông viên), các năm trước ở địa phương ít thấy nó xuất hiện, vì vậy năm nay bà con mất cảnh giác, đến khi OBV tấn công trên diện rộng thì lúng túng, bất ngờ. Toàn xã có 65ha bị OBV tấn công với mật độ từ vài chục đến hàng trăm con/m2, có nhiều hộ gia đình thiệt hại cả sào (công) lúa phải sạ lại hoàn toàn.
"Các biện pháp diệt ốc đang được khuyến cáo là dùng các cách dẫn dụ để bắt, như đặt lưới ở cống dẫn nước ngay từ đầu vụ để ngăn chặn OBV lây lan, đồng thời dễ thu gom, bắt ốc bằng tay khi thấy ốc trên ruộng và tạo rãnh trên ruộng để khi tháo nước ốc gom xuống rãnh dễ thu gom, cắm cọc rải rác trên ruộng để ốc lên đẻ rồi thu gom trứng bằng tay. Tuy nhiên, cách phổ biến mà bà con nông dân đang sử dụng là đặt thuốc bã mồi với liều lượng khoảng 5kg/ha", ông Việt chia sẻ.