| Hotline: 0983.970.780

Ốc sên châu Phi đe dọa ĐBSCL

Thứ Năm 03/03/2011 , 10:07 (GMT+7)

Được đưa vào danh sách 100 loài động vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm nhất thế giới, ốc sên châu Phi có môi trường sống chủ yếu là ở trên cạn...

Ốc sên châu Phi (còn gọi là ốc ma), hay sên khổng lồ châu Phi, ở Việt Nam còn nhầm tưởng là ốc hương có nguồn gốc từ phía Đông châu Phi và là tên gọi chung cho ba loài ốc sên khổng lồ: Achatina fulica, A. achatina, Archachatina marginate.

Loài ốc này được ghi nhận xuất hiện lần đầu tiên bên ngoài châu Phi vào năm 1847 tại bang Bengal, Ấn Độ. Hiện nay, ốc sên châu Phi đã hiện diện ở khắp các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới, nhưng với khả năng sống sót cao loài thân mềm này có thể tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt của lạnh và tuyết phủ. Mặc dù chưa có những thống kê cụ thể về mật độ và địa hình phân bố, nhưng A. fulica là loài hiện diện phổ biến tại ĐBSCL.

Là loài lưỡng tính (cả cơ quan sinh dục đực và cái cùng hiện diện trong mỗi cá thể) nhưng hoạt động giao phối cần phải được diễn ra để đảm bảo trứng được thụ tinh. Theo báo cáo của tổ chức Logistic Information and Navigation Centre, Australia (L.I.N.C.), năm 2008 mỗi một con ốc sên châu Phi trưởng thành có thể đẻ khoảng từ 100 đến 400 trứng trong một lần sinh sản và số lần sinh sản có thể biến động từ 5 đến 6 lần trong một năm tùy thuộc vào điều kiện thức ăn và môi trường sống, trứng sẽ được nở chỉ sau khoảng 5 đến 12 ngày tùy thuộc vào nhiệt độ, và có đến 90% số trứng được sinh ra có thể nở thành ốc sên con.

Ốc sên con có thể đạt kích thước của một con trưởng thành (dài đến từ 20 đến 30 cm, đường kính cực đại có thể đạt 10 cm và trọng lượng có thể lên đến hơn 1kg) chỉ trong vòng khoảng 4 tháng và có thể sống tới 9 năm trong điều kiện tự nhiên.

Được đưa vào danh sách 100 loài động vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm nhất thế giới, ốc sên châu Phi có môi trường sống chủ yếu là ở trên cạn, là loài ăn tạp, phổ thức ăn rộng nhưng các loại rau màu và hoa quả mới là nguồn thức ăn chính. Ghi nhận cho thấy, loài ốc sên này có thể ăn 500 loài cây trồng khác nhau và trong điều kiện khan hiếm thức ăn, các loài cây kiểng, vỏ cây, vụn bánh mỳ, bánh quy các loại, thức ăn cho gia cầm và kể cả sơn tường nhà cũng được loài ốc sên này tiêu thụ (L.I.N.C., 2008). Các loại cát và đá nhỏ cũng được ốc sên tiêu thụ như là một nguồn bổ sung canxi cho quá trình phát triển vỏ.

Theo Sở Nông nghiệp Michigan (MDA), Mỹ và L.I.N.C, do có phổ thức ăn rộng, sinh sản và sinh trưởng nhanh (theo MDA chỉ từ ba cá thể nhập lậu ban đầu vào năm 1966 với mục đích làm thú cảnh trong vườn nhà thì chỉ trong vòng 7 năm sau đó số lượng cá thể đã tăng lên 18.000 con) ốc sên châu Phi đã bùng phát thành dịch và gây thiệt hại hàng triệu đôla cho sản xuất nông nghiệp tại Mỹ những năm 1970, Ấn Độ những năm 1946 - 1947, Australia những năm 1976 – 1977, chính phủ những nước này cũng đã chi hàng triệu đôla trong suốt hàng chục năm liền để kiểm soát mật độ của chúng.

 Dịch ốc sên châu Phi cũng đã bùng phát và gây hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp tại New Caledonia năm 1984, tại đảo Bugsuk của Philippine năm 1986, tại đảo Chrismas năm 1991... Tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng gần đây tại các vùng trồng rau của tỉnh Tiền Giang nước ta cũng đã ghi nhận những thiệt hại đáng kể do loài thân mềm này gây ra.

Hiện nay biện pháp được các nước thực hiện rất hiệu quả nhằm ngăn chặn sự phát tán của loài ốc sên này là tăng cường các biện pháp kiểm dịch các phương tiện vận chuyển nhằm hạn chế tối đa sự phát tán không mong muốn của loài thân mềm này khi chúng bám trên các phương tiện đi lại.

Bên cạnh, các biện pháp thu gom cũng được thực hiện triệt để nhằm hạn tối đa việc sử dụng hoá chất. Đối với vùng bị nhiễm nặng, các loại bẫy mồi có chứa hoạt chất metaldehyde hay methiocarb cũng tỏ ra có hiệu quả, tuy nhiên đây lại là những hoá chất độc cho người và gia súc do đó cần phải giữ các loại bẫy mồi tránh xa trẻ em và gia súc.

Bên cạnh đó, ốc sên châu Phi còn mang và phát tán bào tử của Phytophthora palmivora gây bệnh xì mủ gốc trên cacao, tiêu, dừa. Nó mang một số loài sán ký sinh gây bệnh viêm não trên người nếu ăn phải thịt ốc sên không được chế biến kỹ. Vài năm trở lại đây, Bệnh viện Nhiệt đới cũng đã ghi nhận một vài trường hợp bệnh nhân nhập viện điều trị viêm não do ăn phải ốc sên nướng không kỹ. Và dịch viêm não đã bùng phát tại American Samoa, quốc gia thuộc Nam Thái Bình Dương vào năm 1982.

Tuy chưa có những xác định cụ thể về sự hiện diện của loài ốc sên châu Phi ở Việt Nam từ khi nào (có giả thuyết cho rằng ốc sên đưa vào Việt Nam vào thập niên 1940, nó theo chân đoàn viễn chinh Pháp vì lúc đó người Pháp thích ăn ốc sên). Các số liệu về mật độ, địa hình phân bố và mức độ gây hại của loài này gây ra chưa được thu thập đầy đủ, nhưng sự hiện diện của chúng là đáng lo ngại. Mặc dù đã xuất hiện tại Việt Nam nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng khá lâu, nhưng có lẽ nhờ mực nước lũ cao hàng năm đã giúp khống chế sự gia tăng mật độ của ốc sên châu Phi trong suốt những tháng mùa lũ.

Tuy nhiên trong vài năm gần đây khi diện tích bị ngập lũ vùng ĐBSCL càng ít dần thì mật số loài ngoại lai này đã gia tăng và thiệt hại do chúng gây ra cũng đã được ghi nhận ở nhiều nơi, nhất là vùng rau của tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long... Bài học từ ốc bươu vàng hiện nay vẫn còn và để không phải đối phó với dịch ốc sên châu Phi trong tương lai gần chúng ta cần phải có những biện pháp tích cực và hiệu quả để ngăn chặn sự phát tán rộng thêm của loài ốc sên này.

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.