| Hotline: 0983.970.780

OCOP cho các sản phẩm nông nghiệp: Hướng đi bền vững của Krông Pa

Thứ Hai 24/01/2022 , 08:45 (GMT+7)

Những sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận OCOP đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế, nâng cao đời sống người dân, làm thay đổi diện mạo nông thôn huyện Krông Pa.

Huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) là địa phương có điều kiện địa lý hết sức độc đáo, không giống với hầu hết các địa phương khác trong tỉnh. Theo đó, các sản phẩm nông nghiệp của Krông Pa cũng mang tính độc đáo riêng, khó lẫn với cùng loại sản phẩm của các địa phương khác.

Không thể không nhắc đến, đó là các sản phẩm từ bò. Ông Đinh Xuân Duyên- trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Krông Pa, cho biết: Trong quá trình trao đổi chất của con bò, có hai nguyên tố hết sức quan trọng là Kali và Natri. Trong khi qua nghiên cứu cho thấy, đồng đất Krông Pa chứa hàm lượng Kali tự nhiên rất cao, theo đó, khả năng trao đổi chất của con bò ở Krông Pa rất tốt, mắn đẻ, chịu được kham khổ, ăn cỏ tự nhiên… “Ngay cả hai địa phương liền kề là thị xã Ayun Pa của tỉnh Gia Lai hay huyện Sơn Hòa của tỉnh Phú Yên, điều kiện địa lý cũng không được như huyện Krông Pa. Do vậy, tuy cũng có bầy bò đông đúc, nhưng nói về chất lượng thịt thì… khó mà bì được với bò Krông Pa”- ông Đinh Xuân Duyên khẳng định.

Chị Đinh Thị Hậu đang đảo muối kiến. Ảnh: Đăng Lâm.

Chị Đinh Thị Hậu đang đảo muối kiến. Ảnh: Đăng Lâm.

Bên cạnh những điều kiện trên thì Krông Pa sở hữu một đồng cỏ rất lớn, gồm trên 700 ha đồng cỏ trồng và khoảng 24.000 ha đồng cỏ tự nhiên, chưa kể khoảng 160.000 ha rừng với thảm cỏ mượt mà dưới tán rừng. Đây là một điều kiện vô cùng thuận lợi để Krông Pa phát triển đàn bò theo hướng bền vững. Theo đó, Krông Pa đang sở hữu đàn bò lớn nhất vùng Tây Nguyên (so cùng đơn vị hành chính cấp huyện) với khoảng 63.000 con, trong đó có khoảng 25.000 con bò lai.

Chính những điều kiện trên đã làm nên thương hiệu bò Krông Pa với thớ thịt đỏ tươi, thịt thơm, không bị gây mùi bò, kể cả ăn mỡ bò cũng không có cảm giác gây mùi mỡ.

Từ sản phẩm bò tươi nổi tiếng như trên, người dân huyện Krông Pa đã làm nên thương hiệu “bò một nắng” nức tiếng cả nước. Khi nhắc tên Krông Pa, người ta nghĩ ngay đến sản phẩm bò một nắng. Bò một nắng Krông Pa không chỉ nổi tiếng trong tỉnh, mà đã có mặt ở khắp cả nước. Sau mỗi chuyến công tác hay du lịch ở Gia Lai, ngoài một số mặt hàng đặc trưng, người ta vẫn không quên mua vài cân bò một nắng mang về làm quà.

Những sản phẩm từ thịt bò được chứng nhận OCOP. Ảnh: Đăng Lâm.

Những sản phẩm từ thịt bò được chứng nhận OCOP. Ảnh: Đăng Lâm.

Cơ sở sản xuất bò một nắng và các sản phẩm từ thịt bò mang tên Tuấn Hậu (có địa chỉ ở 122, đường Hùng Vương, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) là một trong những địa chỉ nổi tiếng làm nên thương hiệu “Bò một nắng Krông Pa”. Chị Đinh Thị Hậu- chủ cơ sở, cho biết: Bò một nắng Krông Pa được làm từ phần thịt đùi- phần thịt ngon nhất của con bò. Sau khi tẩm ướp gia vị, người ta đem phơi dưới cái nắng như đổ lửa của Krông Pa. Phơi một ngày- gọi là “một nắng” là được. Khi ăn, lấy miếng bò nướng trên bếp than hồng, đến khi vừa ngửi được mùi thơm, là ăn được. Nướng kỹ quá miếng thịt bò sẽ dai, khó ăn, đặc biệt sẽ bị mất vị ngọt của thịt bò.

“Bò một nắng Krông Pa chấm với muối kiến vàng, nhìn người ta ăn thì… nhỏ dãi, ăn vào một lần thì… nghiện! Khi bán cho khách một cân bò một nắng, người ta kèm thêm một hộp nhỏ bằng nắm tay trẻ em đựng muối kiến vàng, là vậy”- Chị Hậu cho biết.

Bò một nắng - mang thương hiệu Krông Pa. Ảnh: Đăng Lâm.

Bò một nắng - mang thương hiệu Krông Pa. Ảnh: Đăng Lâm.

Bên cạnh bò, Krông Pa còn có nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng khác như hạt điều, lợn đồng bào, gà, thuốc lá… Tính đến cuối năm 2021, huyện Krông Pa đã có 10 sản phẩm được đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, chủ lực vẫn là các sản phẩm từ bò như Bò một nắng Tý Vân, Bò một nắng Nguyệt Viên, Bò một nắng Tuấn Hâu, Bò một nắng Đức Mười… Ngoài ra còn có các sản phẩm nông nghiệp khác của huyện được đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP như Thịt heo ba chỉ một nắng Tý Vân, Heo ba rọi một nắng Nguyệt Viên, Hạt điều rang muối Hưng Lê…

Chỉ riêng trong năm 2021, Krông Pa đã có 4 sản phẩm được đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 3 sản phẩm từ bò, một sản phẩm khác là Hạt điều rang muối Hưng Lê.

Ông Đinh Xuân Duyên: “Bên cạnh những cá nhân làm ra các sản phẩm OCOP, bên cạnh sự giúp đỡ của chính quyền địa phương thì cũng rất cần những tổ chức, doanh nghiệp vào cuộc, nhằm đẩy mạnh thương hiệu các sản phẩm được chứng nhận OCOP. Một mình người dân, rất khó làm nên tên tuổi sản phẩm, càng khó hơn khi làm cho sản phẩm đó có tên tuổi trên thị trường…”.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

Bình luận mới nhất