Nhằm giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP địa phương, mới đây tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị ký kết cung ứng sản phẩm giữa các doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh và Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op).
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, Tây Ninh có khá nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm đặc trưng, trong đó ưu thế nổi bật là vị trí địa lý, kinh tế thuận lợi cho việc mở rộng thị trường và tham gia xuất khẩu; đồng thời có nguồn nguyên liệu đa dạng, phong phú. Một số ngành nghề truyền thống với sản phẩm hàng hóa nổi tiếng cùng đội ngũ thợ, nghệ nhân có trình độ tay nghề khá cao là nền tảng tiếp tục phát triển kinh tế nông thôn bền vững.
"Mặc dù tiềm năng của các đặc sản tỉnh Tây Ninh là rất lớn, nhưng việc phát triển các sản phẩm này còn nhiều khó khăn; sự hạn chế trong các khâu tiếp thị, quảng bá, xây dựng thương hiệu… đang là rào cản khiến sản phẩm của tỉnh chưa trở thành sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao.
Cụ thể, thống kê từ ngành nông nghiệp Tây Ninh cho thấy, toàn tỉnh hiện có 68 sản phẩm OCOP, gồm 47 sản phẩm 3 sao, 20 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Tuy nhiên, hiện nay, việc phát triển các thương hiệu đặc sản của Tây Ninh, đặc biệt là sản phẩm OCOP này vẫn khó khăn", ông Dương Văn Thắng chia sẻ.
Theo lý giải của Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, nguyên nhân của tình trạng này là do doanh nghiệp vẫn chủ yếu bán sản phẩm thô và đa phần sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP do các cơ sở nhỏ lẻ làm, nên hầu như không đăng ký bảo hộ.
Bên cạnh đó, hiện các nguồn cung cấp đặc sản vẫn phát triển theo hướng tự phát, sản xuất theo dạng thủ công rời rạc, công nghệ lạc hậu nên ảnh hưởng lớn đến chất lượng; đồng thời do làm theo mùa vụ, thụ động trong khâu sản xuất, chế biến nên nguồn hàng cung cấp không ổn định...
Trong khi đó, các siêu thị yêu cầu sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa được các cơ quan chức năng bảo hộ, điều này dẫn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh của sản phẩm địa phương còn thấp; việc tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, OCOP là một chương trình thiết thực, giúp người dân, đặc biệt là người dân ở nông thôn có thể góp mặt vào thị trường trong nước, thậm chí là quốc tế bằng chính những sản phẩm của mình, mang màu sắc văn hóa của địa phương mình, giải quyết lao động tại chỗ và tiêu thụ những sản phẩm do người nông dân làm ra. Thời gian qua, đơn vị thường xuyên đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP Tây Ninh vào trung tâm thương mại Sense City, cửa hàng Co.op Food... tại tỉnh này.
"Hiện nay, đơn vị đang thu mua hàng hóa của gần 30 nhà cung cấp tại Tây Ninh với đa dạng chủng loại, đặc biệt là các mặt hàng nông sản thiết yếu với tổng sản lượng khoảng 600 tấn/năm, giá trị gần 50 tỷ đồng. Mục tiêu năm 2023 sẽ tiêu thụ 1.000 tấn sản phẩm, giá trị 100 tỷ đồng và đến 2025 tăng lên mức 1.300 tấn sản phẩm, giá trị 250 tỷ đồng", ông Nguyễn Anh Đức nói.
Ông Đức cho biết thêm, việc kết nối, liên kết giao thương với tỉnh Tây Ninh là hoạt động chiến lược để triển khai một cách chuyên nghiệp hoạt động giao thương hàng hóa giữa các tỉnh, thành với TP.HCM. Hoạt động này cũng hỗ trợ đắc lực việc quy hoạch vùng, nguồn nguyên liệu, phát huy thế mạnh của địa phương, thúc đẩy không ngừng nâng cao chuẩn mực hàng hóa trong khu vực, hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Ngay sau buổi lễ ký kết, các mặt hàng đặc sản Tây Ninh đã có mặt trên quầy kệ của 800 điểm bán thuộc Saigon Co.op để phân phối tận tay người tiêu dùng cả nước.
Mục tiêu đến năm 2025, Tây Ninh phấn đấu có ít nhất 79 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; trong đó có ít nhất 14 sản phẩm OCOP đạt 5 sao và có ít nhất 55 cơ sở, doanh nghiệp có sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, với tỷ lệ tối thiểu có 76% các cơ sở, doanh nghiệp OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.