| Hotline: 0983.970.780

OCOP trên đất Tây Ninh [Bài 1]: Câu chuyện về bánh tráng, sầu riêng và rau rừng

Thứ Tư 06/09/2023 , 11:34 (GMT+7)

Nằm trong vùng Đông Nam bộ, nhờ thiên nhiên ưu đãi, người dân cần cù, sáng tạo, Tây Ninh cho ra đời nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (giữa) trong một chuyến công tác tại Tây Ninh đánh giá cao bánh tráng siêu mỏng Tân Nhiên sản phẩm OCOP 5 sao. Ảnh: Trần Trung.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (giữa) trong một chuyến công tác tại Tây Ninh đánh giá cao bánh tráng siêu mỏng Tân Nhiên sản phẩm OCOP 5 sao. Ảnh: Trần Trung.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, là xứ sở của du lịch và được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu ôn hòa, người dân  địa phương sáng tạo và có trình độ kỹ thuật canh tác tốt, Tây Ninh có thể được xem là một trong những vùng đất hứa của Chương trình OCOP.  5 năm qua là khoảng thời gian vừa đủ để địa phương chọn lựa những sản phẩm OCOP đủ tầm để chứng nhận.

Hiện Tây Ninh có 68 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP từ hạng 3 trở lên. Tuy số lượng sản phẩm được chứng nhận còn khiêm tốn so với các tỉnh thành trong khu vực, xong mỗi sản phẩm đều mang tính đặc trưng riêng, không chỉ có chỗ đứng trong nước, nhiều sản phẩm vươn tầm quốc tế.

Trong hàng chục sản phẩm được chứng nhận, nổi bật nhất có thể kể đến là bánh tráng siêu mỏng Tân Nhiên là sản phẩm OCOP 5 sao, sầu riêng Bàu Đồn OCOP 4 sao, bánh tráng phơi sương ăn kèm rau rừng Trảng Bàng OCOP 3 sao….

Bên trong khu sản xuất bánh tráng siêu mỏng OCOP 5 sao của Công ty Tân Nhiên. Ảnh: Trần Trung.

Bên trong khu sản xuất bánh tráng siêu mỏng OCOP 5 sao của Công ty Tân Nhiên. Ảnh: Trần Trung.

Là chủ nhân sản phẩm OCOP 5 sao của tỉnh, anh Đặng Khánh Duy - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Nhiên cho biết, Tây Ninh mệnh danh là thủ phủ cây mì (sắn), công xưởng ngành chế biến tinh bột mì của cả nước, nắm bắt thế mạnh này, từ năm 2018 anh lập xưởng sản xuất bánh tráng.

Theo anh Duy, bánh tráng địa phương chủ yếu sản xuất bằng phương pháp thủ công từ bột gạo hoặc bột mì khiến bánh tráng dày, màu xám tro, khi ăn thì phải nhúng nước.  Từ đó, anh Duy đã tự mày mò, nghiên cứu ra công thức pha chế bột, kết hợp với điều chỉnh máy móc để cho ra loại bánh tráng siêu mỏng và khi ăn thì không cần nhúng nước, từng bước chinh phục được người tiêu dùng.

Từ cơ sở chế biến quy mô nhỏ ban đầu, năm 2020, anh Duy đã nâng cấp lên thành Công ty. Chỉ sau 2 năm khởi nghiệp cùng chiếc bánh tráng siêu mỏng, anh Duy gặt hái hết thành công này đến thành công khác, từ “Thương hiệu Vàng nông nghiệp 2020”, đến “Top 10 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc”. Năm 2022 sản phẩm bánh tráng Tân Nhiên đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của tỉnh Tây Ninh, là bước ngoặt đưa đặc sản địa phương vươn tầm quốc tế.

HTX Bàu Đồn phấn khởi thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Trần Trung.

HTX Bàu Đồn phấn khởi thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Trần Trung.

Một đặc sản của Tây Ninh những năm gần đây bắt đầu được người tiêu dùng biết đến đó là sầu riêng Bàu Đồn. Tuy cũng canh tác các loại giống sầu riêng phổ biến như Ri6, Dona…, nhưng do ưu điểm về thổ nhưỡng và khí hậu, sầu riêng Bàu Đồn rất thơm ngon, vị riêng biệt.

Ông Phan Hoài Thịnh - Giám đốc HTX Sầu Riêng Bàu Đồn cho biết thêm, HTX có 32 thành viên với tổng diện tích canh tác 40 ha theo tiêu chuẩn Vietgap. Năm 2022, sầu riêng HTX vinh dự đạt chứng nhận OCOP 4 sao, từ đó khẳng định vị thế, chất lượng sầu riêng Bàu Đồn nói riêng, Tây Ninh nói chung, mở ra bước ngoặt thị trường.

Sầu Riêng của HTX Bàu Đồn được Công ty Chánh thu đến tận nơi bao tiêu, thu mua giá cao. Ảnh: Trần Trung.

Sầu Riêng của HTX Bàu Đồn được Công ty Chánh thu đến tận nơi bao tiêu, thu mua giá cao. Ảnh: Trần Trung.

"Chương trình OCOP mang những lợi ích rất to lớn đối với người nông dân, qua Chương trình người tiêu dùng nhận biết được trái sầu riêng của Bàu Đồn, từng bước khẳng định được chất lượng và thương hiệu riêng. Các thương lái cũng tìm đến thu mua sầu riêng địa phương nhiều hơn, trong đó có cả các doanh nghiệp lớn, nhờ vậy sầu riêng Bàu Đồn luôn được chốt giá cao hơn thị trường từ 5.000-10.000 đồng/kg”, ông Thịnh phấn khởi nói.

Trong khi đó, với tính vừa kế thừa vừa phát huy giá trị sản phẩm truyền thống địa phương, bánh tráng phơi sương kết hợp rau rừng ở TX. Trảng Bàng được xem là mối lương duyên hoàn hảo sản phẩm OCOP 2 trong 1 tuyệt vời. Đây là trong những sản phẩm được chứng nhận OCOP đầu tiên của tỉnh, tuy chỉ mới đạt OCOP 3 sao nhưng rất nhiều triển vọng.

Bánh tráng phơi sương Thanh Thúy, sản phẩm nổi tiếng TX.Trảng Bàng. Ảnh: NVCC.

Bánh tráng phơi sương Thanh Thúy, sản phẩm nổi tiếng TX.Trảng Bàng. Ảnh: NVCC.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, chủ cơ sở bánh tráng phơi sương và rau rừng phường Gia Lộc, TX.Trảng Bàng chia sẻ, là một lò tráng bánh lâu năm của làng nghề bánh tráng phơi sương Gia Lộc, cơ sở của chị đã dần dần định hình được tên tuổi của mình đối với khách hàng. Ngoài ra, chị Thúy cũng là một trong những người làm nghề trồng rau rừng đầu tiên ở Tây Ninh.

“Tôi thấy chương trình OCOP  này rất hay, khi tham gia, chủ thể được hỗ trợ bao bì, nhãn mác và xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Khi đạt OCOP, khách hàng tin tưởng và tiêu dùng sản phẩm mình nhiều hơn”, chị Thúy phấn khởi nói.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT, nhắc đến Tây Ninh người ta lại nghĩ đến 5 loại nông sản đặc trưng gắn liền với "5 M" gồm mía, muối (muối tôm), mì (sắn) mủ (mủ cao su), mãng (mãng cầu). Đặc biệt, với bản tính thông minh, cần cù, chịu khó, giàu sáng tạo, Tây Ninh có thể biến những thứ không thể thành có thể, chẳng hạn Tây Ninh không có biển nhưng lại có muối tôm rất ngon và nổi tiếng. Ngoài những sản phẩm trên, Tây Ninh còn rất nhiều sản phẩm đặc trưng thú vị khác.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng.