| Hotline: 0983.970.780

'Ống gió, chảo lửa, túi mưa' bứt tốc

Thứ Sáu 15/12/2023 , 09:37 (GMT+7)

HÀ TĨNH 'Sinh sau đẻ muộn', điều kiện phát triển kinh tế hạn chế lại thường xuyên phải đối mặt với thiên tai nhưng huyện Kỳ Anh đã bứt tốc hoàn thành 9 tiêu chí huyện NTM.

Xuất phát điểm thấp

Ngày 10/4/2015, huyện Kỳ Anh (cũ) được tổ chức lại để thành lập thị xã Kỳ Anh, trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Kể từ đó, huyện Kỳ Anh sau điều chỉnh địa giới hành chính có diện tích hơn 76.000 ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm hơn 64.500 ha; có 21 đơn vị hành chính cấp xã, đến năm 2018 sáp nhập còn 20 đơn vị; tổng dân số hơn 123.200 người.

Thời điểm sắp xếp lại địa giới hành chính, huyện Kỳ Anh đang gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: TN.

Thời điểm sắp xếp lại địa giới hành chính, huyện Kỳ Anh đang gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: TN.

Thời điểm mới tách huyện, nhiều người còn bảo, bao nhiêu lợi thế, động lực đã dồn hết cho thị xã Kỳ Anh. Huyện Kỳ Anh giữ được cái tên “truyền thống” nhưng gần như xuất phát điểm từ con số không. Cơ sở vật chất hạ tầng phải xây mới toàn bộ; trung tâm đầu não cấp huyện nhưng nằm giữa “đồng không mông quạnh”; 21 xã thuộc huyện hầu hết là các xã khó khăn, địa bàn miền núi, xã bãi ngang ven biển, xã đồng bằng thuần nông; thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển, nguồn thu ngân sách đạt thấp,...

Đã thế, vùng “ống gió, chảo lửa, túi mưa” huyện Kỳ Anh còn là địa phương có khí hậu khắc nghiệt nhất nhì của tỉnh Hà Tĩnh, mùa hè chịu ảnh hưởng của gió phơn Tây Nam khô nóng, số giờ nắng cao, hạn hán thường xuyên; mùa lạnh lượng mưa nhiều; đặc biệt thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão mạnh, lũ lớn, gây khó khăn và thiệt hại nặng cho người dân, nhất là các vùng sản xuất nông nghiệp chủ lực.

Nhận được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh, cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thôn xóm và mỗi người dân Kỳ Anh đều nỗ lực vượt khó để hoàn thành các tiêu chí NTM. Ảnh: TN.

Nhận được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh, cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thôn xóm và mỗi người dân Kỳ Anh đều nỗ lực vượt khó để hoàn thành các tiêu chí NTM. Ảnh: TN.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, thời điểm năm 2011, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), số tiêu chí đạt được bình quân của huyện là 2,2 tiêu chí/xã; thu nhập bình quân đầu người 15 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện trên 22,44%; hạ tầng nông thôn thiếu và yếu kém.

Khi chia tách huyện, nguồn lực khó khăn, trong khi nhu cầu đầu tư cho phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng NTM lớn nên ngoài sự quan tâm, đầu tư của Trung ương, tỉnh, cả hệ thống chính trị từ cấp huyện đến xã, thôn xóm và mỗi một người dân Kỳ Anh phải cố gắng gấp hai, gấp ba lần so với các địa phương khác trong toàn tỉnh.

Nguồn lực huy động của địa phương chiếm gần 63%

“Trong quá trình triển khai xây dựng NTM, chúng tôi đã chủ động lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án để thực hiện các tiêu chí. Đặc biệt, việc huy động người dân và cộng đồng dân cư đóng góp thực hiện Chương trình rất dân chủ, công khai, minh bạch và không có tình trạng huy động quá sức dân nên tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao”, ông Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.

Ngoài nguồn đầu tư của Trung ương, tỉnh, nội lực huyện Kỳ Anh huy động thực hiện Chương trình NTM giai đoạn 2011 - 2023 đạt trên 729 tỷ đồng, chiếm gần 63%. Ảnh: TN.

Ngoài nguồn đầu tư của Trung ương, tỉnh, nội lực huyện Kỳ Anh huy động thực hiện Chương trình NTM giai đoạn 2011 - 2023 đạt trên 729 tỷ đồng, chiếm gần 63%. Ảnh: TN.

Ước tính trong tổng kinh phí huy động xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2023 là hơn 1.100 tỷ đồng thì nội lực cấp huyện, xã và người dân Kỳ Anh đóng góp đạt trên 729 tỷ đồng, chiếm gần 63%, một con số rất ấn tượng và đáng được biểu dương. Điều này cũng minh chứng cho tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó và khát khao của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Kỳ Anh về mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM sao cho “bằng anh bằng em”.

Từ nguồn lực trên, đến thời điểm này, theo đánh giá của huyện, Kỳ Anh đã đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM. Trong đó, nhiều tiêu chí khó đã được “giải” bằng những cách làm sáng tạo, phù hợp.

Đơn cử, để hoàn thành chỉ tiêu xây dựng hạ tầng giao thông, huyện cùng các địa phương đã bố trí, lồng ghép các chương trình mục tiêu, các nguồn vốn; thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.

Ông Trần Đức Lương (70 tuổi), Bí thư chi bộ thôn Đồng Trụ Tây, xã Kỳ Đồng cho rằng, có được thành quả xây dựng NTM hôm nay, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các Cấp ủy Đảng là cực kỳ quan trọng. Ảnh: TN. 

Ông Trần Đức Lương (70 tuổi), Bí thư chi bộ thôn Đồng Trụ Tây, xã Kỳ Đồng cho rằng, có được thành quả xây dựng NTM hôm nay, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các Cấp ủy Đảng là cực kỳ quan trọng. Ảnh: TN. 

Phong trào thi đua hiến đất mở đường lan tỏa sâu rộng, hàng nghìn m2 đất và cây cối, hoa màu được người dân hiến và hàng trăm nghìn ngày công lao động được đóng góp để xây dựng, sửa chữa các tuyến đường giao thông nông thôn, nhất là các tuyến đường ở xã vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt như Kỳ Thượng, Kỳ Sơn, Lâm Hợp.

Ông Nguyễn Anh Ngọc, Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn chia sẻ, thời gian qua, với nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và sự chung sức của người dân, việc triển khai xây dựng giao thông nông thôn ở Kỳ Sơn đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đến nay, hệ thống giao thông cơ bản đảm bảo kết nối giữa các thôn với hơn 40 km đường bê tông. Để hoàn thiện khối lượng công việc này, xã đã huy động hơn 22 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp hơn 16 tỷ đồng; tiếp nhận hơn 5.700 tấn xi măng...

Đối với hệ thống đường liên huyện, trong số 9 tuyến, với tổng chiều dài hơn 63 km hiện có 7 tuyến, với chiều dài 46,6 km đã được đầu tư đạt chuẩn, tỷ lệ nhựa hóa và bê tông hóa đạt 100%. Các tuyến còn lại cần nguồn lực lớn, Kỳ Anh đã tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên, đưa một số tuyến đường vào chương trình đầu tư công trung hạn từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh.

“Tuyến ĐH.93 (Sơn - Thượng) bị xuống cấp nghiêm trọng đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép nâng cấp từ nguồn vốn dư của dự án “Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị - Dự án thành phần tỉnh Hà Tĩnh, vốn vay ADB”. Hiện nay, dự án đã cơ bản hoàn thành thủ tục lập báo cáo nghiên cứu khả thi, dự kiến khởi công trong quý I/2024”, ông Võ Xuân Thành, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kỳ Anh thông tin.

Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh được 'khai sinh', phát triển thông qua các chính sách kích cầu của Chương trình NTM, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: TN. 

Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh được "khai sinh", phát triển thông qua các chính sách kích cầu của Chương trình NTM, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: TN. 

Song song với tiêu chí giao thông, tiêu chí nước sạch tập trung cũng đã có “lời giải” bằng việc đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước tập trung tại xã Lâm Hợp và vùng phụ cận, tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng; tại xã Kỳ Lạc, tổng mức đầu tư 13 tỷ đồng. Đồng thời, mở rộng mạng lưới cấp nước từ hệ thống Nhà máy nước TX Kỳ Anh, cấp cho các xã: Kỳ Thọ, Kỳ Tân, Kỳ Văn và hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy cấp nước Kỳ Đồng và vùng phụ cận.

Theo tính toán, với các dự án đang được triển khai trên địa bàn thì tiêu chí nước sạch tập trung của huyện Kỳ Anh sẽ đạt tỷ lệ 24% vào năm 2024.

Cốt lõi nâng cao đời sống cho nhân dân

Chương trình NTM ra đời hướng đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Từ quan điểm xuyên suốt đó, thời gian qua huyện Kỳ Anh đã ưu tiên tối đa cơ chế chính sách, nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.

“Phát súng” đầu tiên là “cuộc cách mạng” chuyển đổi ruộng đất, dồn điền đổi thửa. Cuối năm 2021, Nghị quyết số 06-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh ra đời được xem là cơ hội, vừa là động lực quan trọng để huyện Kỳ Anh triển khai một cách triệt để công tác chuyển đổi ruộng đất, dồn điền đổi thửa. Theo đó, cách làm mới của huyện Kỳ Anh so với các địa bàn khác là kiên trì và quyết liệt với mục tiêu: mỗi hộ hoặc nhiều hộ chỉ sản xuất trên 1 thửa gắn với cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

'Cuộc cách mạng' chuyển đổi ruộng đất, dồn điền đổi thửa ở Kỳ Anh đã thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa cho người nông dân. Ảnh: TN.

"Cuộc cách mạng" chuyển đổi ruộng đất, dồn điền đổi thửa ở Kỳ Anh đã thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa cho người nông dân. Ảnh: TN.

Vụ Xuân năm 2022, thôn Hòa Hợp, xã Kỳ Văn là địa phương đầu tiên được huyện chọn triển khai chuyển đổi ruộng đất 100% diện tích. Với sự đoàn kết, đồng lòng của cán bộ, Nhân dân, chỉ sau hơn 1 tháng triển khai, thôn Hòa Hợp đã chuyển đổi thành công từ 786 thửa giảm xuống còn 89 thửa.

“Từ kinh nghiệm, cách làm của thôn làm điểm chúng tôi đã nhân rộng phong trào ra 3 thôn khác. Theo lộ trình, mỗi năm xã có một thôn hoàn thành chuyển đổi, như vậy với 8 đơn vị thôn, Kỳ Văn phấn đấu đến năm 2027 sẽ hoàn thành chuyển đổi ruộng đất 100% diện tích”, lãnh đạo xã Kỳ Văn cho biết.

Lũy kế đến cuối năm 2023, toàn huyện Kỳ Anh đã có 18 vùng của 9 xã, với tổng diện tích 890 ha được chuyển đổi ruộng đất, dồn điền đổi thửa triệt để gắn với cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Sau chuyển đổi, bình quân 0,85 ha/thửa; trên 80% số hộ còn 1 thửa/hộ.

Những cánh đồng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ thẳng cánh cò bay, đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần so với trước khi chuyển đổi ruộng đất. Ảnh: TN.

Những cánh đồng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ thẳng cánh cò bay, đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần so với trước khi chuyển đổi ruộng đất. Ảnh: TN.

Từ diện tích đất chuyển đổi, tích tụ trên, Kỳ Anh khuyến khích xây dựng cánh đồng mẫu lớn, sản xuất cùng 1 giống, cùng thời vụ; phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo theo hướng bền vững.

Như ở thôn Phú Minh, xã Kỳ Phú, sau chuyển đổi, xã đã xây dựng được vùng sản xuất lúa VietGap 65 ha; một cánh đồng sản xuất lúa hữu cơ 15 ha, trong đó, quy hoạch 3 ha sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi cá và tiến tới khai thác du lịch sinh thái. Cũng tại đây, đã xuất hiện mô hình bao tiêu sản phẩm lúa giữa Tổ hợp tác trồng lúa thôn Phú Minh với HTX Sản xuất thương mại và Dịch vụ Nguyên Lâm (xã Kỳ Giang). Mô hình này được đánh giá là nền tảng và động lực để mở rộng cả về diện và chất trên địa bàn toàn huyện trong tương lai.

Hay như mô hình “Sản xuất lúa kết hợp nuôi rươi theo hướng hữu cơ” tại thôn Đậu Giang (xã Kỳ Khang), với 17,5 ha, ngoài nâng cao rất nhiều về giá trị thu nhập trên đơn vị sản phẩm, còn tạo nên một hệ sinh thái bền vững…

Vùng thượng huyện khai thác tiềm năng đất đồi để phát triển cây ăn quả... Ảnh: TN.

Vùng thượng huyện khai thác tiềm năng đất đồi để phát triển cây ăn quả... Ảnh: TN.

Đối với các xã vùng thượng, cây chè và keo từ lâu đã được coi là cây “làm giàu” của người dân. Trong chiến lược phát triển nông nghiệp giai đoạn mới, Kỳ Anh phấn đấu mỗi năm các địa phương trồng thêm 50 ha chè gắn với nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến sản xuất sản phẩm OCOP trên phạm vi vùng thượng.

Còn gỗ rừng trồng, từ năm 2020 đến nay, huyện Kỳ Anh phối hợp với Tập đoàn An Việt Phát - TP Hồ Chí Minh hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho 2 xã Kỳ Tân và Lâm Hợp với kết quả bước đầu có hơn 3.700 ha được cấp chứng chỉ FSC. Đây là hướng đi mới huyện tiếp tục khuyến khích nhằm thay đổi tập quán “ăn xổi” của người trồng rừng, góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng và hiệu quả kinh tế sản phẩm gỗ lớn.

Một lĩnh vực thế mạnh khác là đầu tư nuôi tôm. Để hỗ trợ người dân chuyển từ nuôi quảng canh sang thâm canh, thâm canh công nghệ cao, huyện Kỳ Anh ban hành một số chính sách hỗ trợ đầu tư hiện đại hóa, nâng cấp hạ tầng các vùng nuôi.

Và trồng chè. Ảnh: TN.

Và trồng chè. Ảnh: TN.

Kết quả, đến nay toàn huyện có gần 50 ha nuôi thâm canh, tăng 38ha so với năm 2020; hàng chục mô hình nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh công nghệ cao được xây dựng, góp phần kiểm soát tốt dịch bệnh, hiệu quả kinh tế cao gấp 3 – 3,5 lần so với trước đây.

Thực hiện Chương trình OCOP, từ năm 2019 đến nay, toàn huyện Kỳ Anh có 61 ý tưởng đăng ký tham gia, trong đó 49 ý tưởng được thẩm định, chấp thuận và 35 phương án sản xuất kinh doanh sản phẩm được UBND cấp huyện chấp thuận. Toàn huyện đã có 18 sản phẩm đạt chuẩn OCOP; trong đó, 16 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao.

Theo ông Phan Công Toàn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Kỳ Anh, về lâu dài để đảm bảo tính bền vững, địa phương đang tập trung xây dựng chuỗi cung ứng nông sản sạch, hữu cơ, sản phẩm OCOP nhằm đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và chất lượng hàng hóa.

“Trước mắt có 18 sản phẩm OCOP và 5 sản phẩm nông sản sạch, hữu cơ đã được truy xuất nguồn gốc và được giới thiệu trên sàn thương mại điện tử nông sản https://nongsankyanh.com; hàng chục sản phẩm khác đang trong quá trình xây dựng. Trong đó, nhiều nông sản được sản xuất đạt các tiêu chuẩn chất lượng cao như: lúa (hơn 90 ha), dưa lưới trồng trong nhà màng (1.700 m2), cam bưởi (hơn 73 ha); 2 cơ sở chăn nuôi gia cầm, 1 cơ sở nuôi tôm thâm canh đạt tiêu chuẩn VietGAP; 9 cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn chất lượng GMP, HACCP...”, ông Toàn nói thêm.

Sau gần 10 năm xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người của huyện Kỳ Anh tăng lên đạt 48,9 triệu đồng/người/năm (tăng 30,39 triệu đồng so với năm 2013). Ảnh: TN.

Sau gần 10 năm xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người của huyện Kỳ Anh tăng lên đạt 48,9 triệu đồng/người/năm (tăng 30,39 triệu đồng so với năm 2013). Ảnh: TN.

Với những nỗ lực và kết quả xây dựng NTM đã đạt được, huyện Kỳ Anh mong muốn UBND tỉnh Hà Tĩnh sớm trình Bộ NN-PTNT, Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Kỳ Anh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.

Ông Hồ Huy Thành, Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh nhấn mạnh: “Sau hành trình gần 10 năm “nếm mật nằm gai”, Kỳ Anh đã làm nên kỳ tích xây dựng huyện đạt chuẩn NTM. Sau khi được công nhận, Kỳ Anh sẽ tập trung giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM, các xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, các thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu, hướng đến xây dựng mảnh đất Kỳ Anh ngày càng giàu đẹp, văn minh, ấm áp nghĩa tình, trở thành một “miền quê đáng sống”.

Đến cuối năm 2023, huyện Kỳ Anh đã có 100% xã đạt chuẩn NTM, 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; xã Kỳ Đồng đạt chuẩn đô thị loại V; thu nhập bình quân đầu người đạt 48,9 triệu đồng/người/năm (tăng 30,39 triệu đồng so với năm 2013); tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đến cuối năm 2022 chỉ còn 4,36% (chuẩn nghèo mới), tỷ lệ hộ cận nghèo giảm xuống 4,32%.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

5 điểm bán sản phẩm OCOP phục vụ giỏ quà tết tại Kiên Giang

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến nay đã thành lập được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với hàng trăm giỏ quà tết được tiêu thụ mỗi ngày.

Bình luận mới nhất