Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương cho biết: “Thúc đẩy tái sinh nông thôn trên tất cả các mặt trận sẽ không dễ dàng hơn cuộc chiến chống đói nghèo”. Nhà lãnh đạo Trung Quốc coi xây dựng và phát triển nông thôn trong giai đoạn mới là "nhiệm vụ chính trong việc hiện thực hóa sự hồi sinh vĩ đại của đất nước”.
Chiến lược hồi sinh nông thôn đã được đề xuất như một chủ trương quan trọng nhằm phát triển nền kinh tế hiện đại, được đưa ra tại Đại hội Đảng lần thứ 19 của vào năm 2017. Sau khi đất nước xóa bỏ hoàn toàn nạn đói nghèo, nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến “tam nông” đã chuyển sang thúc đẩy tái sinh nông thôn.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, đất nước đã và đang nỗ lực phát triển các ngành công nghiệp nông thôn, thúc đẩy ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng một nông thôn tươi đẹp.
Nông dân giàu lên và không ai bị bỏ lại
Phát biểu nhân chuyến thăm một công ty sản xuất thảm ở Tây Tạng trong chuyến thị sát tỉnh cao nguyên Thanh Hải, phía tây bắc Trung Quốc vào tháng 6, ông Tập nhấn mạnh đến nỗ lực kết hợp tốt hơn giữa canh tác công nghiệp gắn với phát triển doanh nghiệp tạo việc làm, tái sinh nông thôn và đoàn kết dân tộc.
Nhà máy sản xuất thảm là một ví dụ điển hình chứng minh rằng, các ngành công nghiệp đặc sản địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố sự sống còn của nông thôn.
“Nhiều khu vực nông thôn Trung Quốc đã chứng kiến sự tăng trưởng ổn định của các ngành công nghiệp trong nửa đầu năm nay. Cụ thể đã có đến 50 khu công nghiệp nông nghiệp hiện đại, 50 cụm công nghiệp có thế mạnh đặc trưng và 298 thị trấn có ngành nông nghiệp phát triển mạnh trên cả nước”, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc.
Gắn với nông nghiệp công nghệ cao
"Văn kiện trung tâm số 1" của Trung Quốc cho năm 2021, bản thông cáo chính sách đầu tiên do chính quyền trung ương ban hành mỗi năm, đã nêu bật vai trò của khoa học và công nghệ trong việc tái sinh nông thôn.
Khi đến thăm một trang trại trồng chè ở chân núi Vũ Di, thuộc tỉnh Phúc Kiến vào tháng 3, ông Tập đã nhấn mạnh nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện các thỏa thuận cử các chuyên gia kỹ thuật đến các vùng nông thôn để hỗ trợ các địa phương.
Tại trang trại do giáo sư Liao Hong và cộng sự tại Đại học Nông lâm Phúc Kiến dẫn dắt, bằng cách trồng xen trà với đậu tương và cải dầu, nhóm nghiên cứu không chỉ tăng năng suất mà còn cải thiện chất lượng đất và chất lượng trà. Trà do trang trại này sản xuất có thể bán được giá cao hơn 30% so với các sản phẩm thông thường.
Hiện có hàng trăm nghìn chuyên gia nông nghiệp đang làm nhiệm vụ này tại các cơ sở trên khắp đất nước, tạo ra nguồn động lực mạnh mẽ cho sự phát triển chất lượng cao của ngành nông nghiệp.
Sản lượng lương thục vụ hè của Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục trong năm nay. Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp và Nông thôn cho thấy, lúa mì chất lượng cao đặc biệt đã chiếm 37,3% tổng diện tích, cao hơn 1,5 điểm phần trăm so với năm ngoái.
Nông thôn xanh- sạch- đẹp
Ngoài việc thúc đẩy các ngành công nghiệp địa phương ở nông thôn, ông Tập cũng chú trọng cải thiện môi trường sống ở nông thôn để đảm bảo người dân nông thôn được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ và tiện ích chất lượng cao.
"Cuộc cách mạng nhà vệ sinh" đã được đưa vào chương trình nghị sự để làm cho vùng nông thôn trở nên đáng sống hơn.
Tính đến cuối năm 2020, hơn 40 triệu nhà vệ sinh hộ gia đình nông thôn đã được cải tạo kể từ khi Trung Quốc phát động chiến dịch nâng cấp môi trường sống nông thôn kéo dài 3 năm, từ năm 2018, với tỷ lệ sử dụng nhà vệ sinh sạch đạt 68% ở các vùng nông thôn.
Hồi tháng trước, ông Tập cho biết trong một chỉ thị nhằm thúc đẩy chiến dịch. "Cuộc cách mạng nhà vệ sinh" ở nông thôn sẽ tiếp tục là một nhiệm vụ quan trọng của quá trình tái sinh nông thôn trong 5 năm tới. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng lưu ý, các địa phương cần làm đến đâu chắc đến đó một cách khoa học, tránh chủ nghĩa hình thức và lãng phí nguồn lực.
Bên cạnh đó, việc xử lý rác thải sinh hoạt và xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn cũng được coi là những mục tiêu quan trọng trong quá trình tái sinh nông thôn.
Li Haimei, một người dân ở khu vực miền núi phía tây nam tỉnh Quý Châu vẫn còn nhớ khu nhà vệ sinh khô của nhà mình trước đây nằm cạnh chuồng lợn, bây giờ đã được xây lại với bồn cầu xả, chia thêm phòng tắm và vòi sen vào năm 2020.
Li và chồng của cô, những người từng ly hương làm việc ở các thành phố xa nhà đã quyết định ở lại làng quê và bắt đầu kinh doanh nhà hàng và nhà trọ từ đầu năm nay. "Chúng tôi sẽ chuyển sang làm du lịch để kiếm sống ngay trước cửa nhà mình khi các điều kiện của quê hương được cải thiện và mỗi ngày đang thu hút nhiều du khách hơn".