Tại huyện Tích Xuyên, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, nơi ông Tập Cận Bình kiểm tra các hạng mục kênh đào Taocha, hồ chứa Đan Giang Khẩu và làng Zouzhuang. Ông Tập cũng đã nghe các chuyên gia báo cáo về tiến độ xây dựng, quản lý và vận hành tuyến trung tâm của dự án chuyển hướng nước và bảo tồn sinh thái của toàn vùng.
Tại đây, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng tìm hiểu về việc tái định cư của những người dân trong vùng dự án, cũng như nghe các biện pháp phát triển các ngành công nghiệp đặc sản và nâng cao thu nhập của người dân tái định cư. Ông Tập đồng thời cảm ơn những đóng góp của người dân cho sự phát triển chung đất nước.
“Lịch sử 100 năm của Đảng là quá trình cống hiến vì hạnh phúc và khát vọng của nhân dân”, Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu nhân chuyến thị sát với người dân tỉnh Hà Nam chiều 13/5.
Trước đó, ông Tập cũng đã thăm các cánh đồng lúa mì để kiểm tra sự phát triển của cây trồng và tìm hiểu về tiến độ sản xuất ngũ cốc vụ hè tại Hà Nam.
Siêu dự án “đảo hướng nước” từ Nam sang Bắc hay còn gọi là Nam thủy Bắc điều là tham vọng xây dựng một hệ thống kênh đào từ thượng lưu, trung lưu và hạ lưu sông Trường Giang (Dương Tử) để đưa một khối lượng nước dư thừa khổng lồ của Trường Giang về những vùng khô hạn thường xuyên như Tây Bắc, Hoa Bắc ở miền Bắc để đáp ứng nhu cầu nước tưới trong sản xuất nông nghiệp cũng như công nghiệp của Trung Quốc.
Dự án này được điều nghiên từ những năm 1990, đưa ra các phương án trong đó lấy nước từ sông Dương Tử ở phía nam thông qua các kênh với tổng chiều dài 1.200 km dẫn đến vùng đồng bằng phía bắc Trung Quốc, đặc biệt là cung cấp nước cho thủ đô Bắc Kinh.
Dự kiến đến năm 2050, siêu dự án thủy lợi ngốn chi phí từ 48- 62 tỷ USD này có thể chuyển đổi khoảng 44,8 tỷ mét khối nước về đến tận khu vực cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng.
Công trình dẫn nước Nam thủy Bắc điều được chia làm ba tuyến kênh dẫn nước là miền Đông (dài 1.155 km) đã vận hành từ năm 2013 đưa nước từ Giang Tô đến Sơn Đông và Thiên Tân; miền Trung (dài 1.267 km) hoàn thành vào năm 2014 và miền Tây (dài hơn 500 km) nối liền sông Dương Tử và Hoàng Hà qua cao nguyên Tây Tạng từng gây ra nhiều tranh cãi do có nhiều lo ngại về các tác động môi trường – xã hội…
Theo các chuyên gia quốc tế, siêu dự án “đảo hướng nước” từ Nam sang Bắc của Trung Quốc là dự án phát triển cơ sở hạ tầng thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới, chỉ vì mối lo khủng hoảng thiếu nguồn nước, bất chấp ô nhiễm môi trường.
Nguyên do là 4/5 trữ lượng nước ở Trung Quốc nằm ở miền Nam, nơi nửa số dân sinh sống, tuy nhiên ở miền Bắc luôn ở trong tình trạng khủng hoảng nước hằng năm xét theo các tiêu chuẩn quốc tế.