| Hotline: 0983.970.780

Ông Vợt A lô

Thứ Ba 22/02/2011 , 09:52 (GMT+7)

Hơn 10 năm qua, ông Hà Văn Vợt (thị trấn Phú Bài, thị xã Hương Thủy, TT- Huế) đã tình nguyện làm “mõ làng hiện đại”...

Với chất giọng đặc sệt vùng Hải Phòng, hơn 10 năm qua, ông Hà Văn Vợt (thị trấn Phú Bài, thị xã Hương Thủy, TT- Huế) đã tình nguyện làm “mõ làng hiện đại” để tuyên truyền những chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân.

Bén duyên

Những ngày đầu xuân, trong cái nắng còn vàng ươm nơi phố xá, từ trong những góc đường lặng lẽ vẫn cất lên đều đặn những tiếng a lô của ông Hà Văn Vợt, góp nhặt những thông tin bổ ích đến với quần chúng nhân dân. Dù đã bước sang tuổi 77, ông vẫn tình nguyện làm một cộng tác viên tuyên truyền tích cực cho chính quyền.

Sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng, năm 1954, chàng trai trẻ Hà Văn Vợt hăng hái bước vào đời công nhân làm đường sắt. Cuộc sống xô đẩy theo miếng cơm manh áo, năm 1982 ông phiêu dạt đến mảnh đất Hương Thủy này. Hai ông bà phải làm thêm kinh tế vườn, chăn nuôi để đủ tiền nuôi 3 đứa con vào đại học. Hiện tại, những đứa con của ông đã có việc làm ổn định. Khi Nhà nước chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, cũng là lúc hai vợ chồng ông đến tuổi nghỉ hưu.

Ngồi tỉ tê về chuyện đời, chuyện nghề, ông bảo: “Cái duyên đưa tôi đến với cái “nghề a lô” này cũng thật tình cờ. Những năm nghỉ hưu, cũng muốn kiếm một việc làm gì đó cho khuây khoả tuổi già. Trong một lần bên Trạm Y tế thị trấn đưa lịch tuyên truyền về chính sách tiêm phòng cho trẻ em, sinh đẻ có kế hoạch, mấy anh cán bộ bên đó thấy chất giọng tôi cũng dễ nghe, yêu cầu tôi thử xem. Ban đầu mình cũng ngại vì cả đời mình có làm cái việc này bao giờ đâu, nhưng làm riết rồi cũng thấy quen và dần dần yêu nghề hẳn”.

Buổi đầu, nghe ông làm cái việc không giống ai cả gia đình ai cũng phản đối vì lý do sức khỏe khi ông đã có tuổi. Nhưng rồi thấy ông hăng hái tình nguyện quá nên đành thuận theo. Vợ ông, bà Phạm Thị Thức, nhớ lại: “Những năm đó kinh tế còn khó khăn lắm, thấy ông tuổi cao mà vẫn chưa chịu nghỉ ngơi nên tôi cũng lo. Nhưng rồi mình nghĩ lại làm cái việc này ích cho làng cho xã, cũng có cơ hội cho ông ấy đi nhiều, giao tiếp nhiều cũng khuây khỏa tuổi già”.

Lặng thầm

Thời gian mới nhận việc, chưa có xe máy, với chiếc xe đạp cọc cạch, ông Vợt đã có mặt ở mọi nơi không chỉ ở phố xá mà còn về các thôn xóm, lên các vùng cao của huyện Hương Thủy. Thấy ông già tóc bạc đã gần hết mái đầu, hằng ngày vẫn miệt mài trên chiếc xe đạp với cả một đống đồ nghề từ loa phóng thanh, bình ắc-quy, micro… buổi đầu ai cũng trố mắt ngạc nhiên, lâu dần thì thán phục, thầm cảm ơn những công lao thầm lặng của ông. Đứa con đi làm xa thấy ông yêu, quyết tâm với nghề cũng tích cóp tiền mua chiếc xe Honda Cub đời 81 gửi về cho ông. Mỗi lần đi tuyên truyền, “tiền lương” ông được hưởng từ 30-50 nghìn đồng tùy theo lòng hảo tâm. Số tiền đó ông dành vào đổ xăng xe, vá cái xăm cái lốp, số còn lại chỉ đủ…uống trà đá.

“Trong hơn mười năm qua, sự đóng góp của ông Vợt trong việc tuyên truyền những chính sách về thuế, lịch tiêm phòng, KHHGĐ… của chính quyền cho người dân là không hề nhỏ. Ông Vợt làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nên có ông là chúng tôi yên tâm hơn trong việc phổ biến những chủ trương mới, góp phần tăng thêm sự kết nối, đồng hành giữa chính quyền và người dân", ông Phan Duy Hải, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Bài.

Không chỉ giúp tuyên truyền về y tế, thỉnh thoảng bà con trong thôn xóm còn nhờ ông giúp thông báo tìm trẻ lạc, giấy tờ rơi. Những trường hợp như thế ông tình nguyện giúp mà không lấy tiền công. Đặc biệt, những năm bước vào thập kỷ 90 (TK XX), ngành thuế bắt đầu thực hiện cải cách hành chính, công tác tuyên truyền cho người dân hết sức quan trọng. Ông Vợt đã nhiệt tình xung phong cộng tác với cơ quan thuế và đã trở thành một cộng tác viên nhiệt thành của ngành.

Cứ mỗi dịp ra quân thu thuế môn bài, thuế nhà đất, chiếc loa cùng chất giọng trầm ấm, dễ nghe của ông lại có mặt khắp nơi từ đầu thôn cuối xóm. Chị Nguyễn Thị Trà, một tiểu thương ở chợ Dạ Lê, cho hay: “Mười năm qua nghe tiếng a lô của cụ Vợt thành ra cũng quen. Ngày nào mà cụ bị ốm hay nghỉ việc thì thấy thiếu thiếu cái gì đó, bà con cứ nghe ngóng, không nghe tiếng a lô của cụ thì như mù tịt thông tin luôn”.

Làm lâu dần thành quen, những chính sách cần tuyên truyền cho người dân chỉ cần ông liếc quá là nhớ hết. “Mình đi a lô mang theo rất nhiều đồ đạc rồi, cầm giấy tờ chỉ thêm vướng bận”, ông bảo. 10 năm làm nghề “mõ làng”, hầu hết từ Trạm y tế, UBND thị trấn, thị xã… đều có số điện thoại của “ông Vợt a lô”. Tâm sự về nghề, ông tâm niệm: “Thực sự thì chẳng có chi là to tát, mình giúp được cho bà con bao nhiêu thì giúp, xem đó là niềm vui mà. Chỉ mong sao tui có thêm sức khỏe để đi được nhiều hơn, phục vụ bà con lâu hơn nữa là hạnh phúc rồi”.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Cách làm hay ở Bắc Giang [Bài 1]: Cán bộ làm gương

Khéo léo tuyên truyền vận động nhân dân, sáng tạo trong cách làm, xã Xuân Cẩm đã thực hiện được tiêu chí khó trong xây dựng NTM nâng cao, đó là hiến đất '0 đồng'.

Biến lá bồ đề thành sản phẩm tranh độc đáo

Sóc Trăng Khai thác giá trị từ lá bồ đề, thanh niên trẻ sáng tạo ra sản phẩm tranh trang trí độc đáo, được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Sóc Trăng.

Bình luận mới nhất