Việc Bình Nhưỡng làm thế nào có được thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt này vẫn còn nhiều bí ẩn.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và các nhà khoa học Triều Tiên bên mô hình một vũ khí hạt nhân. (Ảnh: KCNA). |
Các chuyên gia Mỹ ước tính đến năm 2020, Triều Tiên sẽ sở hữu khoảng 50 vũ khí hạt nhân, theo Global News. Trong khi đó, khi được hỏi về khả năng tấn công Triều Tiên sau khi nước này tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch ngày 3/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố lấp lửng: “Chúng ta sẽ thấy”.
Hai lần nhờ cậy Trung Quốc
Triều Tiên từng tuyên bố bất cứ lệnh trừng phạt nào nhằm vào nước này cũng sẽ không hiệu quả, ngược lại nó chỉ khiến chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng “đạt được tốc độ phát triển mau chóng ngoài sự tưởng tượng của bất kỳ ai”.
Điều khiến nhiều chuyên gia phương Tây băn khoăn, là vì sao một quốc gia bị Mỹ phong tỏa tứ bề, tìm mọi cách cô lập, lại nắm trong tay vũ khí hạt nhân, thứ công cụ răn đe, hủy diệt vốn chỉ thuộc về những cường quốc có nền khoa học công nghệ phát triển cao.
Ngược thời gian về năm 1950, vài tháng trước chiến tranh Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Harry Truman tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng việc sử dụng một quả bom hạt nhân đang được “xem xét tích cực”.
Tuy nhiên, Truman mới chỉ dừng ở mức đe dọa. Chiến tranh Triều Tiên giữa Bình Nhưỡng với sự hỗ trợ của Bắc Kinh và Liên Xô, với bên kia là Hàn Quốc được sự hỗ trợ của Mỹ, kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn vào năm 1953. Tuy nhiên, lực lượng Mỹ cũng đã kịp thả xuống Triều Tiên 650.000 tấn bom hạt nhân và bom napalm.
Tướng không quân Mỹ Curtis LeMay ước tính số bom này đã “sát hại hơn 20% dân số Triều Tiên”.
Sau chiến tranh, Triều Tiên cố gắng thuyết phục đồng minh Trung Quốc chia sẻ các công nghệ vũ khí hạt nhân. Lãnh tụ tối cao Kim Nhật Thành (Kim Il-sung), ông nội nhà lãnh đạo Kim Jong-un, hai lần đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông giúp đỡ vấn đề này, song đều bị từ chối. Chi tiết này được đề cập trong cuốn “Hai miền Triều Tiên: Một lịch sử đương đại”.
Bị từ chối con đường dễ dàng có vũ khí hạt nhân, Triều Tiên bắt tay vào chương trình sản xuất hạt nhân nội địa.
Sự giúp đỡ của Liên Xô
Liên Xô đã giúp Triều Tiên có được cơ sở hạ tầng về hạt nhân cơ bản. Là thành viên của Viện Nghiên cứu chung về năng lượng hạt nhân, do Liên Xô dẫn dắt, Triều Tiên nhiều năm liền gửi các nhà khoa học tới nước này để học tập. Ngoài ra, Triều Tiên còn cử chuyên gia tới nhiều nước theo lộ trình của Tổ chức Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân (NTI), một đơn vị phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ.
Liên Xô cũng đã giúp Triều Tiên xây dựng lò phản ứng đầu tiên vào năm 1964. Lò phản ứng hạt nhân này được dùng vào sản xuất đồng vị phóng xạ phục vụ y tế, công nghiệp và nghiên cứu.
Nhiều năm sau, Triều Tiên dần phát hiện ra các khả năng của vũ khí hạt nhân. Bình Nhưỡng triệu hồi các nhà khoa học hàng đầu về nước, gồm cả từ Canada, để làm việc trong chương trình hạt nhân còn non trẻ của đất nước, theo NTI.
Nhưng trong khi các nhà khoa học Triều Tiên có kiến thức về kỹ thuật, họ lại thiếu đi các phương tiện tinh vi cần thiết để sản xuất vũ khí hạt nhân.
Những năm 70 và 80 của thế kỷ 20, Triều Tiên bắt đầu mua được những công nghệ hạt nhân mang tính nhạy cảm của phương Tây, bằng cách lợi dụng những thiếu sót trong bảo vệ thông tin hạt nhân vào thời điểm đó.
Một lần, các chuyên gia Triều Tiên tới một cuộc họp báo ở Vienna, Áo và trò chuyện với một số nhà khoa học Bỉ, những người đã thiết kế một nhà máy phân tách plutonium.
“Không lâu sau, người Triều Tiên có được các thông tin về thiết kế và xây dựng nhà máy. Trong giai đoạn 10-15 năm tiếp theo, Triều Tiên đã xây dựng công nghệ, triển khai nhà máy, bắt đầu thử nghiệm và dùng chính công nghệ đã thu nhặt được”, Mark Hibbs, một chuyên gia cao cấp thuộc Quỹ Carnegie về Hòa bình Thế giới, cho biết.
Năm 2003, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho biết Triều Tiên “dường như” đã có một đến hai đầu đạn hạt nhân plutonium.
Một năm sau, lãnh đạo tối cao Kim Chính Nhật (Kim Jong-il) mời một đoàn đại biểu gồm các nhà khoa học hạt nhân phương Tây tới Triều Tiên để tham quan nhà máy khai thác plutonium. Tiến sĩ Mỹ Siegfried Hecker, thành viên trong đoàn, sau này tiết lộ rằng các quan chức Triều Tiên từng cho họ xem hai chiếc bình đựng plutonium. “Một bình đựng bột plutonium, một bình đựng kim loại plutonium. Tôi đã cầm chúng trên tay, xác nhận đây là plutonium dựa trên trọng lượng và độ ấm của bình”, Hecker nói.
Năm 2006, Triều Tiên tuyên bố thành công thử nghiệm bom hạt nhân đầu tiên. Tiếp đó, các nhà khoa học Triều Tiên chuyển hướng từ plutonium sang uranium, bởi các cơ sở sản xuất vũ khí hạt nhân cấp độ uranium dễ được che giấu dưới lòng đất, tránh khỏi tầm soi mói của các vệ tinh dày đặc trên quỹ đạo Trái đất và các thanh sát viên Liên Hợp Quốc.
Năm 2010, Tiến sĩ Hecker lại được mời tới Triều Tiên. Nhà khoa học Mỹ nói ông “cực kỳ ấn tượng” khi tận thấy khoảng 2.000 máy ly tâm có chứa uranium được làm giàu, nguyên liệu cơ bản sản xuất vũ khí hạt nhân.
“Người Triều Tiên góp nhặt bất cứ thứ gì có thể, sau đó họ tự xây dựng mọi thứ, và phải nói rằng họ đã làm rất giỏi”, Hecker nói.
Đổi tên lửa lấy vũ khí hạt nhân Những năm 90, Tiến sĩ A.Q.Khan, người tiên phong của chương trình bom hạt nhân Pakistan, đã giúp Triều Tiên đặt nền móng cho vũ khí hạt nhân uranium. Ông Khan chỉ đạo vận chuyển bí mật các máy phân tách, máy làm giàu uranium và dữ liệu kỹ thuật cho Triều Tiên, chỉ trong vài năm. Đổi lại, Triều Tiên cung cấp cho Pakistan kỹ thuật tên lửa đạn đạo. |