Triều Tiên hôm 3/9 tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch, thứ vũ khí hủy diệt ghê gớm nhất trong lịch sử loài người. Giới chuyên gia có những đánh giá khác nhau về loại bom này của Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát mô hình quả bom nhiệt hạch cùng các nhà khoa học hạt nhân Triều Tiên. Ảnh: KCNA |
Vụ thử bom nhiệt hạch, theo cách nói của truyền hình nhà nước Triều Tiên hôm 3/9, là lần đầu tiên Bình Nhưỡng tuyên bố về việc này trước thế giới, động thái khiến Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tức giận. Liên quân Mỹ - Hàn ngay sau đó tổ chức diễn tập bắn đạn thật với các loại tên lửa đạn đạo nhằm răn đe Bình Nhưỡng.
Vô cùng đáng sợ
Giới chuyên gia từng cảnh báo về năng lực công nghệ hạt nhân Triều Tiên có những bước tiến mạnh mẽ dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un, cũng như việc Bình Nhưỡng tăng tốc phát triển chương trình vũ khí hạt nhân.
Quả bom nhiệt hạch (bom H) thử hôm 3/9 được Triều Tiên tuyên bố sẽ gắn vào các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), có thể là Hwangsong-12 hoặc Hwangsong-14, có tầm bắn vươn tới nhiều thành phố ở Mỹ.
John Hallam, một nhà hoạt động giải trừ vũ khí hạt nhân của Liên Hợp Quốc, đánh giá vụ thử bom H gần đây của Triều Tiên là “vô cùng đáng sợ”. Hallam khẳng định nếu một quả bom như vậy rơi vào bất cứ thành phố nào của phương Tây, ngay lập tức hàng nghìn mạng sống sẽ bị hủy diệt, nhiều công trình hạ tầng cơ sở sẽ thành tro bụi.
Hallam nói Bình Nhưỡng đã chứng minh khả năng tạo ra những vũ khí hủy diệt tạo ra chết chóc quy mô lớn.
Bom hạt nhân (bom A) tạo ra sức hủy diệt nhờ quá trình phân hạch, phân chia hạt nhân của nguyên tử. Trong khi đó, bom H có sức hủy diệt lớn hơn nhiều, nó tạo ra năng lượng nhờ phản ứng nhiệt hạch, giải phóng năng lượng từ quá trình tổng hợp hai hạt nhân nhẹ (đồng vị hydro như deuterium và tritium) thành một hạt nhân nặng hơn (heli).
Để có được tiến trình này, một quả bom H cần được kích nổ bằng bom A để tạo ra năng lượng khổng lồ, nhiệt lượng lớn để đưa hai hạt nhân (đều tích điện dương) lại gần nhau để tổng hợp hạt nhân mới. Đây là phản ứng xảy ra trên Mặt trời.
Nhìn tổng thể, bom H là vũ khí hạt nhân cao cấp hơn bom A, có cấu trúc gồm tầng sơ cấp là một quả bom hạt nhân và tầng thứ cấp là nhiên liệu cho phản ứng nhiệt hạch.
Trước kia, các chuyên gia vũ khí thế giới cho rằng Triều Tiên chỉ có thể sở hữu bom H ít nhất từ sau năm 2020. Mặt khác, bom H của Triều Tiên được coi là chỉ dừng ở mức thô sơ, có sức nổ khoảng 100 kiloton, tương đương 100.000 tấn thuốc nổ TNT hoặc 7 quả bom A mà Mỹ từng ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagashaki của Nhật Bản trước khi kết thúc Thế chiến II.
Đánh giá về uy lực bom H mà Triều Tiên có thể đã sở hữu, Hallam cho biết nếu nó rơi vào tòa tháp Centrepoint tại Australia, sức hủy diệt của nó sẽ thổi bay cả thành phố và chỉ có những công dân ở ngoại ô phía tây Homebush của thành phố này “may ra có cơ hội sống sót”. Nếu rơi cách tháp 1 km, nó vẫn có thể khiến 65.000 người chết, 120.000 người bị thương.
Trò chơi nguy hiểm với Triều Tiên
Hallam bình luận thế giới đang chơi “một trò chơi nguy hiểm” khi đưa ra các lệnh trừng phạt với Triều Tiên, song các lệnh này không hiệu quả. “Nó chỉ khiến người Triều Tiên làm việc chăm chỉ hơn, nhanh chóng hơn để đạt được tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân”.
Sức mạnh thực sự của quả bom H mà Triều Tiên thử thành công hôm 3/9 vẫn chưa được xác định. Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc (KMA), cho biết động đất gây ra do vụ nổ lớn gấp 5 đến 6 lần các rung chấn ghi nhận được khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 5 vào năm ngoái.
Điều khiến Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Mỹ lo ngại là ngoài bom H, Triều Tiên còn sở hữu ICBM có tầm bắn vươn tới Mỹ. Nếu Triều Tiên thành công thử bom H như nước này tuyên bố, Bình Nhưỡng hiện trở thành quốc gia thứ 6 ngoài 5 nước thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có thứ vũ khí hủy diệt này, gồm Mỹ, Anh, Nga, Pháp và Trung Quốc.
Vụ nổ bom Sa hoàng của Liên Xô. Ảnh: Daily Beast |
Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) xác nhận các rung chấn gây ra sau khi Triều Tiên thử bom H mạnh gấp 10 lần mức ghi nhận được năm ngoái.
Theo ước tính của KMA, tháng 9/2016, Triều Tiên thử bom hạt nhân có sức công phá tương đương 10 kiloton, trong khi vụ thử vừa qua đạt mức 50 đến 60 kiloton.
Tuy nhiên, Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ, nói họ tin rằng vụ thử của Triều Tiên có sức công phá khoảng 100 kiloton.
Ông Hallam đánh giá vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên đưa nước này tới gần Mỹ và Nga, vốn được cho là hai quốc gia có năng lực mạnh nhất về bom H. “Bom H thường nhỏ hơn bom A nhiều. Một vũ khí như bom H dễ dàng gắn lên ICBM”, Hallam khẳng định.
Sức hủy diệt ghê gớm nhất lịch sử Một số chuyên gia cho rằng Triều Tiên mới chỉ thử thành công bom khinh khí, một dạng thô sơ hơn bom H. Dù vậy, sức hủy diệt của bom khinh khí cũng rất khủng khiếp. Ngày 30/10/1961, Liên Xô cho nổ bom Sa hoàng, còn gọi là bom Tsar Bomba, tại vùng vịnh Mityushikh. Quả cầu lửa từ vụ nổ được nhìn thấy và cảm thấy từ xa 1.000 km. Sức nóng của bom Sa hoàng thể gây bỏng độ 3 (đứng cách 100 km), đám mây hình nấm sau đó cao khoảng 64 km (gấp 7 lần đỉnh núi Everest) và rộng 40 km. Hội tụ khí quyển gây ra thiệt hại ở khoảng cách lên tới 1.000 km. Sóng âm sinh ra sau vụ nổ đã đi vòng quanh Trái đất 3 lần. Tại đảo Dikson, cách vụ nổ 800 km, sóng xung kích thổi tung các cửa sổ và gây ra âm thanh như tiếng đại bác. |