Bà Nguyễn Thị Hồng Minh
Bởi vậy, việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xem xét quá trình đưa thông tin về nước mắm của VINASTAS, ý kiến của Bộ trưởng Bộ TT-TT nghi ngờ có dấu hiệu truyền thông “bẩn”, rồi công bố của Bộ Y tế khẳng định 100% mẫu nước mắm an toàn vì không có asen vô cơ vượt ngưỡng, được đưa ra ngay trong tuần qua, tôi đánh giá là rất nhanh nhạy, kịp thời. Qua đó, đã trấn an dư luận, giúp người tiêu dùng bình tĩnh trở lại, không phải hoang mang, lo lắng về chất lượng nước mắm truyền thống nữa.
Tuy nhiên, công bố của Bộ Y tế trong ngày 22/10 về 100% mẫu nước mắm an toàn với asen vô cơ, vẫn chưa thỏa đáng bởi không có sự phân biệt giữa nước mắm truyền thống với nước mắm công nghiệp.
Nước mắm truyền thống là nước mắm nguyên chất, chỉ bảo quản bằng muối, nên bản chất là an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng. Còn nước mắm công nghiệp là nước mắm đã được pha loãng ra, rồi cho thêm vào đó các chất điều vị, chất bảo quản...
Cứ cho là các DN sản xuất nước mắm công nghiệp chỉ sử dụng những chất điều vị, chất bảo quản trong danh mục Bộ Y tế cho phép, nhưng đưa quá nhiều chất điều vị, chất bảo quản vào trong nước mắm thì có thực sự an toàn không? Điều này cần phải làm rõ.
Do đó, không thể tiếp tục đánh đồng giữa nước mắm truyền thống với nước mắm công nghiệp. Phải có sự tách bạch rõ ràng 2 loại nước mắm này. Việc tách bạch phải được thể hiện ngay từ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước mắm.
Năm 2012, Bộ Y tế đã tiến hành xây dựng quy chuẩn này nhưng đến nay vẫn chưa thể ban hành được vì không phù hợp với nước mắm truyền thống do đưa vào nhiều chất điều vị, phụ gia (chỉ phù hợp với nước mắm công nghiệp).