1.
Có thể nói rằng, về cơ chế chính sách, về định hướng phát triển thì Đảng, Nhà nước đã xác định rất rõ rằng nền nông nghiệp Việt Nam phải là kinh tế nông nghiệp, phải là nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn và thực tiễn chúng ta đang phấn đấu để đạt được điều đó. Con đường đối với nông nghiệp tất nhiên là khó khăn nhưng cũng đang rất rộng mở, kết quả thế nào, đích đến thế nào là tùy thuộc vào tư duy, thái độ của chúng ta.
Với thực tiễn hơn 30 năm kiên định theo đuổi con đường làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, tôi nhìn nhận về nền nông nghiệp của chúng ta vẫn còn những rào cản cần phải xóa bỏ, những khó khăn cần phải vượt qua.
Rào cản trước tiên là về mặt nhận thức, trong đó có nhận thức của những người ở trong bộ máy các cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo các địa phương, nhận thức của nhà khoa học, doanh nghiệp và nhận thức của người nông dân, những nhân tố cơ bản trong chuỗi liên kết nông nghiệp của chúng ta hiện nay.
Rõ ràng trong thời gian gần đây đã nhận thức về nông nghiệp đã có nhiều sự thay đổi, chuyển biến rõ rệt so với trước nhưng đâu đó vẫn còn nhiều rào cản đòi hỏi phải có quyết tâm cao mới thay đổi được.
Cụ thể, khoảng cách giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân, doanh nghiệp, nhà khoa học đang chưa gần nhau. Chính vì vậy, theo tôi, cơ quan quản lý nhà nước cần phải thay đổi tư duy từ xin cho thành tư duy phụng sự, kiến tạo cho doanh nghiệp để phát triển đúng như định hướng, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ. Cần có sự thay đổi về mặt nhận thức, phải thực sự bình đẳng. Đừng ai nghĩ đến với nhau để cho nhau cái gì mà phải minh bạch, sòng phẳng, vì mục tiêu chung là cùng nhau tạo nên sự tử tế trong nông nghiệp.
Tôi luôn nghĩ rằng, đối với nông nghiệp chúng ta, cốt lõi vẫn là xây dựng lòng tin, đó cũng là văn hóa, tôn chỉ mà chúng tôi theo đuổi suốt mấy chục năm qua.
Chỉ có lòng tin mới thay đổi được nhận thức, tư duy của người nông dân. Chúng tôi bỏ công sức, tiền của xây dựng các mô hình để người nông dân thấy hiệu quả và tự họ sẽ thay đổi.
Quế Lâm là doanh nghiệp tiên phong thành lập hội đồng khoa học, thành lập viện nghiên cứu khoa học từ đó tạo nên một môi trường thực chất, môi trường tốt nhất cho các nhà khoa học đóng góp trí tuệ của họ. Những thành tựu nghiên cứu khoa học của Quế Lâm cho thấy, chỉ khi có một một môi trường đủ tốt thì nhà khoa học mới phát huy hết khả năng của mình để đóng góp cho lĩnh vực nông nghiệp. Cho nên, xây dựng môi trường, điều kiện làm việc cũng là hành động góp phần thay đổi tư duy của nhà khoa học. Họ cảm thấy được trân trọng, được cống hiến chứ không phải vận dụng chất xám của mình vào những đề tài giải ngân.
Đối với các địa phương, những năm qua Quế Lâm liên tục ký hợp tác với rất nhiều tỉnh thành để sản xuất, lan tỏa nông nghiệp hữu cơ, xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn. Tuy nhiên, chỉ những địa phương nào mà lãnh đạo đứng đầu mong mỏi thực sự, có khát vọng thực sự thì chúng tôi mới hợp tác, bởi nếu người đứng đầu không thay đổi nhận thức, tư duy thì trông mong gì địa phương đó thay đổi, trông mong gì người dân ở đó thay đổi.
Cuối cùng là tư duy, nhận thức của chính doanh nghiệp. Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là gian nan, vất vả nhưng chỉ có con đường làm thật, làm trách nhiệm, làm vì cộng đồng mới có thể phát triển bền vững được.
Chúng ta đang ở trong thời kỳ cơ chế thị trường nhưng hỗn loạn về thị trường, một giai đoạn “thằng giả phá thằng thật”, đầy rẫy những mánh khóe, thủ đoạn “đầu độc” nông sản của chính mình. Đó là một thị trường giả tạo, hỗn loạn, người làm thật bị người làm giả phá, người tiêu dùng bị người làm giả đầu độc, người nông dân bị người làm giả chèn ép…
Từ hạt lúa đến con lợn, người tiêu dùng cần sự minh bạch, cần chất lượng đảm bảo, người nông dân cần sự ổn định đầu ra sản phẩm nhưng chúng ta vẫn chưa làm được điều đó. Vẫn là ma trận thị trường, không phải là thị trường đích thực, ở đó, người nông dận bị bọn lưu manh làm giá, người tiêu dùng bị đánh lừa.
Trong khi chờ đợi Nhà nước có giải pháp, chờ đợi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để giải quyết vấn đề này thì tôi nghĩ rằng doanh nghiệp tử tế vẫn phải tiếp tục làm thật, vẫn phải đương đầu để xây dựng lòng tin cho cơ quan quản lý, cho nhà khoa học, người nông dân và đặc biệt là lòng tin của người tiêu dùng. Đầu vào phải chuẩn để nâng cao chất lượng, thứ hai là xây dựng chuỗi nông sản đảm bảo chất lượng, liên kết sản xuất để đảm bảo đầu ra cho người nông dân, thực sự có trách nhiệm với người tiêu dùng.
Tất nhiên, thay đổi tư duy, nhận thức là cả một quá trình, nhưng đó là điều bắt buộc, phải kiên trì, không có con đường nào khác.
2.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rằng, nông nghiệp thời kỳ mới cần phải tăng cường huy động nguồn lực cho đầu tư, phát triển ngành thông qua hợp tác công tư, nghiên cứu các mô hình lãnh đạo công, quản trị tư, đầu tư tư, sử dụng công và đầu tư công, quản lý tư trên cơ sở bảo đảm cân bằng, hài hòa hợp lý lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Tôi cho rằng, để cụ thể hóa được chỉ đạo của Thủ tướng cần phải xây dựng cơ chế đặt hàng trong nông nghiệp.
Đối với Quế Lâm, thời gian qua khi chưa hợp tác với các cơ quan quản lý Nhà nước thì chúng tôi cũng đã thực hiện nhiều giải pháp, nhiệm vụ của ngành nông nghiệp với vai trò của một doanh nghiệp tư nhân.
Trong hai năm 2019 và 2020, Quế Lâm hứa với với Bộ NN-PTNT về việc xây dựng các nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh để góp phần hoàn thành mục tiêu 3 triệu tấn. Xây dựng thành công mô hình chăn nuôi an toàn sinh học để trở thành giải pháp của chăn nuôi nông hộ và xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp Quế Lâm, hạt nhân của kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp tuần hoàn.
Nhận thức được trách nhiệm của một doanh nghiệp mà Bộ NN-PTNT kỳ vọng chúng tôi đã dốc lực để hoàn thiện những mục tiêu đó. Trong bối cảnh cả xã hội quay cuồng vì dịch bệnh Covid-19, Quế Lâm đã xây dựng thành công Tổ hợp 4F, trở thành doanh nghiệp Việt đầu tiên hoàn thiện được một hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn gắn kết giữa trồng trọt, chăn nuôi, khép kín đầu vào và đầu ra của ngành nông nghiệp.
Hệ sinh thái đó bao gồm 14 đơn vị thành viên hoạt động xuyên suốt chiều dài đất nước, sang cả Campuchia và Lào, 8 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, hàng nghìn mô hình liên kết với nông dân các tỉnh thành và đặc biệt là tổ hợp 4F ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, tổ hợp 4F đầu tiên ở Việt Nam.
Mục tiêu của chúng tôi là phải quyết tâm, làm bằng được để góp sức, chung tay cùng với ngành nông nghiệp hướng đến sự tử tế, nông nghiệp trách nhiệm. Nhưng đó mới chỉ là tâm huyết, trách nhiệm từ phía doanh nghiệp, còn về lâu dài phải xây dựng cơ chế đặt hàng cho doanh nghiệp, nhà khoa học, thậm chí là nông dân bởi chỉ có như vậy chúng ta mới có thể sản xuất theo tín hiệu thị trường, mới đảm bảo được niềm tin cho sản phẩm của chúng ta.
Ví dụ, sau khi những mô hình của Quế Lâm thành công và lan tỏa trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã hợp tác và đặt hàng cho chúng tôi chuyển giao khoa học công nghệ cho người nông dân. Đó là sự minh bạch, rõ ràng và thay đổi hoàn toàn về nhận thức, cơ chế.
Đáng mừng là cùng với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nhiều cơ quan quản lý Nhà nước khác, nhiều địa phương đã hợp tác với Quế Lâm theo cơ chế đặt hàng như vậy.
Nhà nước phải có cơ chế đặt hàng doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện liên kết theo chuỗi. Tất nhiên với cơ chế đó thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước, bằng mọi giá phải giải được đề bài do Nhà nước đề ra. Nếu làm được điều đó thì tự nhiên những hành vi làm dối, làm giả sẽ bị đánh bật ra thôi.