| Hotline: 0983.970.780

Phân chim... lên giá

Thứ Tư 05/10/2022 , 09:04 (GMT+7)

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm cho trữ lượng phân chim ở Peru bỗng nhiên trở nên có giá trị hơn, khi người dân tăng cường khai thác để bón cho cây trồng.

Nhân công Peru khai thác những bao phân chim trên đảo đưa về đất liền phục vụ trồng trọt. Ảnh: Manuel Medir/Getty Images

Nhân công Peru khai thác những bao phân chim trên đảo đưa về đất liền phục vụ trồng trọt. Ảnh: Manuel Medir/Getty Images

Trong bối cảnh nông dân ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đều phải vật lộn với tình trạng thiếu phân bón nhập khẩu, do hậu quả của cuộc xung đột Nga - Ukraine, thì quốc gia Nam Mỹ Peru đã chuyển sang một giải pháp thay thế từng được thử nghiệm hiệu quả là phân chim (guano).

Vào những năm 1880, phân chim đã trở thành một mặt hàng có giá trị đến mức quốc gia láng giềng Chile đã mở các đợt tấn công, giao chiến với cả Peru và Bolivia để tranh giành nguồn lợi phân bón này.

Hiện chính phủ Peru đã trưng dụng cả hạm đội tàu hải quân để vận chuyển phân chim từ các hòn đảo ngoài khơi vào đất liền, nơi giá phân bón nhập khẩu đã tăng gấp ba hoặc gấp bốn lần để phục vụ nhu cầu sản xuất của nông dân.

Phân chim ở Peru đang được bán với giá trợ cấp từ chính phủ là 13,3 USD cho mỗi  bao 50kg, nhưng do nguồn cung hạn chế nên chỉ những người nông dân nghèo mới được thụ hưởng.

Segundo Cruz, một nông dân ở Mala, cách thủ đô Lima khoảng 80 km về phía nam cho biết: “Phân chim từ các hòn đảo là loại phân bón thay thế tốt và giá cả hợp lý, nhưng cây trồng phải mất nhiều thời gian hơn để hấp thụ nếu so với phân bón hóa học”.

Theo Bộ Nông nghiệp Peru, hiện do giá các loại phân bón đều tăng cao nên nông dân địa phương không còn gieo sạ nhiều như trước nữa, họ chỉ sản xuất một phần ba mùa vụ mà thôi. Dự báo phân chim cũng sẽ không đủ cung cấp cho thị trường và giá sẽ còn tăng cao hơn nữa để bù đắp cho sự thiếu hụt của 2,4 triệu nông dân quy mô vừa và nhỏ của đất nước, trong đó có khoảng một nửa sử dụng phân urê nhập khẩu và các loại phân bón khác.

Phân bón hóa học tăng cao khiến chính phủ Peru phải tận thu nguồn phân chim từ các đảo để phục vụ sản xuất. Ảnh: Getty

Phân bón hóa học tăng cao khiến chính phủ Peru phải tận thu nguồn phân chim từ các đảo để phục vụ sản xuất. Ảnh: Getty

Theo các chuyên gia dinh dưỡng cây trồng, phân chim là tên gọi chung cho các chất thải của chim biển, dơi và hải cẩu tích tụ trên các hòn đảo. Đây được xem là loại phân bón hữu cơ đặc biệt tốt, nhờ hàm lượng phốt phát, kali và nitơ cao nhưng lại ít mùi hôi nếu so sánh với các loại phân hữu cơ khác. Trong quá khứ, con người còn khai thác nitrat từ phân chim trên các đảo để chế tạo thuốc súng.

Hồi thế kỷ 19, nguồn lợi vô giá này ở Peru vẫn thường được thu hoạch bởi những người nô lệ từ châu Phi hoặc cư dân bản địa và lao động di cư người Trung Quốc. Đây là một nguồn lợi phân bón hữu cơ tuyệt vời có chứa tất cả các chất dinh dưỡng quan trọng cần thiết cho sự phát triển của cây trồng.

Eduardo Zegarra, một chuyên gia về phát triển nông thôn và là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Grade, cho biết: “Phân chim là một loại phân bón rất tốt nhưng có giới hạn về nguồn cung tự nhiên. Ước tính chỉ có khoảng 30-40.000 tấn phân chim được khai thác hàng năm, chiếm nhiều nhất là 5-10% nhu cầu phân bón quốc gia”.

Phân bón hóa học tăng cao khiến chính phủ Peru phải tận thu nguồn phân chim từ các đảo để phục vụ sản xuất. Ảnh: Getty

Phân bón hóa học tăng cao khiến chính phủ Peru phải tận thu nguồn phân chim từ các đảo để phục vụ sản xuất. Ảnh: Getty

Một báo cáo của tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) đã cảnh báo rằng, sau đại dịch thì vấn nạn đói nghèo ở Peru sẽ tồi tệ hơn do lạm phát leo thang và khủng hoảng khí hậu sẽ làm tăng gấp đôi tình trạng mất an ninh lương thực, ảnh hưởng đến hơn một nửa dân số quốc gia 33 triệu người.  

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Peru, giá một bao 50kg phân urê đã tăng gấp ba lần, từ khoảng 20 USD lên 65 USD, do nguồn nhập khẩu đã giảm 58% so với mức trung bình của bảy năm qua.

Ông Zegarra nói: “Vấn đề khủng hoảng phân bón đang là ‘gót chân asin’ đối với chính quyền của Tổng thống Pedro Castillo. Nếu chính phủ không thể giải quyết vấn đề này một cách nhanh chóng, tôi tin rằng các tác động đến xã hội sẽ rất khó lường".

(The Guardian)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Mỹ không còn hệ thống phòng không Patriot để gửi cho Ukraine

Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết Washington không còn hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine, nhưng sẽ gây áp lực buộc EU và NATO chia sẻ cho Kiev.

Giới trẻ Trung Quốc ‘đua sống xanh’

Trung Quốc nỗ lực thực hiện ‘mục tiêu carbon kép’ đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và nuôi dưỡng thị trường cho các sản phẩm xanh.