Bộ trưởng Nông nghiệp Tây Ban Nha Luis Planas cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm đầu tuần này, chính phủ Tây Ban Nha và Hà Lan đang “mở ra một trọng tâm mới” trong việc xử lý phân chuồng và sử dụng nó để sản xuất trong nước, thay vì các sản phẩm truyền thống có nguồn gốc từ khí đốt của Nga.
Các dự án thí điểm hiện đã và đang tiếp tục được thảo luận với các Bộ trưởng Nông nghiệp còn lại của Liên minh châu Âu (EU), những người có phản ứng “tích cực”.
Cuộc xung đột dai dẳng Nga- Ukraine đã đẩy giá phân bón bán buôn lên mức cao nhất trong nhiều năm vào đầu năm nay, bất chấp việc Mỹ miễn trừ lệnh trừng phạt bán hàng của Nga.
Trong bối cảnh giá khí đốt tăng vọt, loại nguyên liệu đầu vào chính để sản xuất phân bón amoniac giàu nitơ, đã làm cho việc sản xuất nguồn cung cấp phân bón trở nên đắt đỏ hơn và buộc các nhà máy phải tạm dừng sản xuất một số sản phẩm phân bón quan trọng.
Ông Planas cho biết, gián đoạn nguồn cung phân bón đang kìm hãm năng suất cây trồng ở Nam Mỹ trong khi giá cả tăng cao đã tác động đặc biệt nặng nề đến các nước như Pháp, quốc gia nhập khẩu khoảng 70% nhu cầu lương thực cho người dân.
“Việc phát triển các giải pháp thay thế sinh học cho phân bón truyền thống sẽ làm giảm đáng kể lượng tiêu thụ khí đốt, mang lại cho châu Âu một yếu tố để thúc đẩy khả năng tự cung cấp lương thực của mình. Vấn đề này đang là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi", ông Planas nói.
Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), giá phân bón toàn cầu có thể sẽ vẫn ở mức cao trong năm nay và những năm tiếp theo khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine gây ra sự bất ổn về nguồn cung phân bón của Nga và việc tăng sản lượng có thể phải mất tới 5 năm.
Ông Planas cho rằng, các sản phẩm làm từ phân chuống sẽ “rất quan trọng” đối với cả Tây Ban Nha và Hà Lan, đồng thời cho biết thêm rằng những tiến bộ hiện tại trong nghiên cứu và phát triển loại phân thay thế này sẽ phải được tuân theo những quy chuẩn của EU. Tuy nhiên, việc xây dựng các cơ chế để quản lý và sản xuất các loại phân thay thế cũng có thể sẽ phải mất khoảng 5 năm.
Trong khi phân chuồng là một giải pháp thay thế rẻ hơn so với các loại phân bón tổng hợp đắt tiền, nó lại kém hiệu quả hơn so với các sản phẩm truyền thống. Ví dụ, phân bón diamoni photphat có hàm lượng nitơ cao gấp sáu lần và phân lân gấp 15 lần phân chuồng trên mỗi tấn cơ sở.
Phân chuồng là loại phân bón hữu cơ được hình thành từ chất thải động vật bao gồm: nước tiểu, phân gia súc, gia cầm,… và các loại phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, cỏ, rau, rác thải hữu cơ và phân xanh. Phân chuồng khá quen thuộc với người canh tác và được sử dụng rộng rãi vì có thể tự sản xuất tại nhà bằng phương pháp ủ truyền thống hoặc ủ bằng chế phẩm sinh học. Phân chuồng mang lại nhiều lợi ích đáng kể và ít gây hại đến môi trường, chúng cung cấp các chất dinh dưỡng có giá trị như Nitơ, Photpho, Lưu huỳnh, Kali, các chất dinh dưỡng này đến từ thức ăn của động vật.
Phân chuồng cung cấp các chất dinh dưỡng đa, trung và vi lượng cho cây trồng, giúp cây phát triển khỏe mạnh, đặc biệt cung cấp chất dinh dưỡng để cây nuôi lá và tránh tình trạng lá rụng. Ngoài ra nó còn bổ sung chất hữu cơ, giúp tăng chất mùn để làm tăng độ phì nhiêu của đất, giúp đất giữ ẩm và tăng khả năng giữ lại chất dinh dưỡng, kích thích bộ rễ phát triển,giúp tăng khả năng chống chịu cho cây trước thời tiết khắc nghiệt như nắng hạn hán, xói mòn và tăng khả năng chống chịu sâu bệnh. Phân chuồng còn tạo nên môi trường sống tốt để các loài vi sinh vật có lợi phát triển như giun đất, vi sinh vật hữu ích.
Tuy nhiên mặt hạn chế là phân chuồng không thể sử dụng được ngay mà phải trải qua quá trình phân giải của vi sinh vật, dẫn đến hàm lượng chất dinh dưỡng sẽ thấp hơn so với các loại phân bón khác.
Phân chuồng cần dùng khối lượng lớn, tôn nhân công nhiều hơn trong quá trình bón phân và ủ phân, cũng như thêm chi phí vận chuyển. Ngoài ra trước khi bón cần phải được thực hiện ủ theo đúng quy trình nhằm loại bỏ các mầm bệnh, vì nếu dùng phân tươi bón trực tiếp cho cây sẽ không đem lại hiệu quả cao, giảm năng suất và còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.