| Hotline: 0983.970.780

Bảo hiểm thất nghiệp - Điểm tựa của người lao động vùng Việt Bắc

Bài 3: Phao cứu sinh của người lao động xứ Tuyên

Thứ Hai 05/06/2023 , 23:34 (GMT+7)

Khi người lao động mất việc làm, số tiền hưởng trợ cấp từ bảo hiểm thất nghiệp trở thành phao cứu sinh giúp người lao động giảm đi một phần khó khăn trong cuộc sống.

Năm 2022, tỉnh Tuyên Quang đã chi trả hơn 94,3 tỷ đồng tiền bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: Đào Thanh.

Năm 2022, tỉnh Tuyên Quang đã chi trả hơn 94,3 tỷ đồng tiền bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: Đào Thanh.

Hơn 94,3 tỷ đồng tiền chi trả bảo hiểm thất nghiệp

Ngày cao điểm dịp đầu tuần Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL), thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận hàng trăm hồ sơ của người lao động đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế đã khiến nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, nguyên liệu sản xuất dẫn đến giãn việc, cắt giảm lao động.

Bên cạnh đó, một bộ phận người lao động cảm thấy công việc không còn phù hợp hoặc hết hạn hợp đồng không được các công ty, doanh nghiệp ký lại... cũng là nguyên nhân dẫn đến số người thất nghiệp tăng. Không có việc làm, nguồn thu nhập ổn định mất đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người lao động.

Trong năm 2022, Trung tâm DVVL của tỉnh Tuyên Quang đã tiếp nhận trên 7.000 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó có gần 2.500 người trong tỉnh nộp hồ sơ và hơn 4.500 người ở địa phương khác nộp hồ sơ đề nghị; tổng số tiền chi trả bảo hiểm thất nghiệp là hơn 94,3 tỷ đồng.

Trong 3 tháng đầu năm 2023, Trung tâm DVVL tỉnh Tuyên Quang đã tiếp nhận 632 hồ sơ của người lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong số này, có 578 người không có bằng cấp chứng chỉ, tuy nhiên cũng có 17 người có trình độ cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp và 20 người có trình độ đại học và trên đại học.

Đối tượng lao động trong tỉnh hưởng trợ cấp thất nghiệp chủ yếu là những lao động làm việc tại các công ty may mặc, giày da hoặc làm việc tại các công ty cổ phần của nhà nước sau khi giải thể hoặc sáp nhập thì sẽ chấm dứt hợp đồng với những trường hợp lớn tuổi chờ nghỉ chế độ. Với các người lao động làm việc tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh thì phần lớn xảy ra ở các công ty điện tử, may mặc độ tuổi từ 25 đến 40.

Theo bà Lưu Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang thì những hồ sơ của người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp những năm gần đây năm sau thường cao hơn năm trước. Như năm 2021 số người nộp hồ sơ đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng so với năm 2020 là 12%; năm 2022 tăng so với năm 2021 là 7%.

Người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp là những người đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên; đã đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm xã hội; chưa tìm được việc sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp. Việc giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp kịp thời, đúng mức hỗ trợ đã giúp các lao động ổn định cuộc sống sau khi không còn việc làm, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, kinh tế khó khăn ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người như hiện nay.

Hàng năm, hồ sơ của người lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp ở Tuyên Quang đều tăng lên. Ảnh: Đào Thanh.

Hàng năm, hồ sơ của người lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp ở Tuyên Quang đều tăng lên. Ảnh: Đào Thanh.

Đồng hành cùng người lao động

Người lao động không có việc làm và chờ hưởng bảo hiểm thất nghiệp phần lớn là những người rơi vào hoàn cảnh khó khăn, hiểu được điều đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi trong công tác tiếp nhận hồ sơ và phối hợp với các đơn vị liên quan lập thủ tục giải quyết kịp thời các chế độ bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo, đáp ứng mọi quyền lợi của người lao động. 

Chị Nguyễn Thị Linh, ở xã Trung Môn, huyện Yên Sơn làm công nhân tại Công ty SamSung Thái Nguyên được 4 năm. Vì trước đây chị làm ruộng, nên khi làm việc tại công ty SamSung Thái Nguyên chị thấy công việc không quá vất vả, thu nhập lại ổn định và khá cao. Tuy nhiên, do làm việc xa nhà đi lại không thuận tiện, hơn nữa chị muốn có thời gian chăm sóc nuôi dậy con nhỏ thường xuyên ốm đâu nên chị đã xin nghỉ việc và chấm dứt hợp đồng lao động.

Khi đến Trung tâm DVVL nộp hồ hưởng bảo hiểm thất nghiệp chị được hướng dẫn các thủ tục theo quy định và đã được lĩnh bảo hiểm thất nghiệp 4 tháng. Đây là số tiền không lớn nhưng phần nào hỗ trợ gia đình chị Linh trong khi chị chờ tìm được việc làm mới.

Anh Ma Văn Trung ở huyện Na Hang là nhân viên một doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì tại tỉnh Vĩnh Phúc, tuy nhiên sau dịch bệnh, là ảnh hưởng của các cuộc xung đột trên thế giới khiến đơn hàng bị cắt giảm, doanh nghiệp của anh buộc phải tinh giản nhân sự. Anh Trung mất việc, các khoản thu nhập cố định hằng tháng cũng bị mất theo trong khí đó các khoản chi phí sinh hoạt và gửi tiền về cho con ăn học vẫn phải duy trì.

Do vậy trong khi chưa tìm được việc làm mới, anh Trung quyết định về quê và đến Trung tâm DVVL tại địa phương để làm thủ tục hưởng Bảo hiểm thất nghiệp. Được đơn vị DVVL và bảo hiểm xã hội tạo mọi điều kiện thuận lợi, anh Trung đã được lĩnh số tiền trợ cấp khoảng 4 triệu đồng/tháng. Tuy số tiền này không cao như thu nhập hằng tháng khi anh còn làm tại công ty xong cũng hỗ trợ gia đình anh phần nào lúc khó khăn.

Hiện nay, ngoài tiếp nhận trực tiếp hồ sơ của người lao động tại Trung tâm DVVL ở thành phố Tuyên Quang thì Trung tâm còn có 2 văn phòng đại diện ở huyện Sơn Dương và huyện Chiêm Hóa; ủy thác cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện Na Hang, Lâm Bình tiếp nhận hồ sơ nhằm giảm chi phí đi lại khi thực hiện các thủ tục cho người lao động. Cùng với đó, Trung tâm còn triển khai tiếp nhận và giải quyết trợ cấp thất nghiệp trên cổng Dịch vụ công Quốc gia, phân công nhân sự, phối hợp trong giải quyết hồ sơ đảm bảo quyền lợi của người lao động và tuân thủ các quy định hiện hành về bảo hiểm thất nghiệp.

Tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu hỗ trợ việc làm là việc làm thường xuyên được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang quan tâm để hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm. Ảnh: Đào Thanh.

Tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu hỗ trợ việc làm là việc làm thường xuyên được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang quan tâm để hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm. Ảnh: Đào Thanh.

Riêng trong năm 2022, Trung tâm đã làm 116 hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó, từ chối 15 hồ sơ không đủ kiện đã được giải thích và hướng dẫn người lao động làm lại thủ tục theo quy định. Trung tâm cũng tuyên truyền cho người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định 06/2022 với Cục Việc làm; hướng dẫn đăng nhập tài khoản trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; phối hợp với Bảo hiểm Xã hội tỉnh Tuyên Quang rà soát tình trạng người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo bà Lưu Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang, một trong những khó khăn mà Trung tâm nhận được phản ánh của người lao động là khi nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia thường bị lỗi hệ thống, do đó nhiều người phải đến trực tiếp tại trung tâm để nộp hồ sơ. Thời gian phê duyệt, chuyển hưởng hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trên Cổng thông tin dịch vụ quốc gia còn chậm chuyển sang bước tiếp nhận, xử lý của trung tâm dẫn đến việc tiếp nhận và thẩm định hồ sơ còn chậm…

Phục vụ tốt hơn nữa việc tiếp nhận hồ sơ và hướng dẫn các thủ tục cho người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian sớm nhất, giai đoạn tới, Trung tâm DVVL tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục duy trì triển khai tốt công tác thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động nắm rõ chính sách bảo hiểm thất nghiệp và những quy định về thủ tục làm hồ sơ thất nghiệp; tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp nhận hồ sơ trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo quy định.

Đồng thời Trung tâm sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, các trung tâm, cơ sở đào tạo nghề có uy tín, chất lượng đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề với nhiều hình thức đa dạng. Qua đó giúp người lao động nhanh chóng tìm được việc làm, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống.

Xem thêm
Xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, chè Việt Nam vẫn cần lưu ý điều gì?

Nhìn chung các thị trường đều yêu cầu ngày càng cao đối với an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Yến Sào Khánh Hòa lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia

Công ty Yến Sào Khánh Hòa vinh dự lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia và là doanh nghiệp duy nhất của Khánh Hòa đạt được kết quả này trong năm 2024.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...

Thu ngân sách Nhà nước gần 1,45 triệu tỷ đồng, tăng 17,9%

Sau 9 tháng, lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.448,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,1% dự toán năm và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái...