| Hotline: 0983.970.780

Phập phồng hoa Mê Linh

Thứ Năm 10/01/2013 , 08:50 (GMT+7)

Những đợt rét đậm, rét hại kéo dài liên tục bao phủ miền Bắc khiến những người trồng hoa ở Mê Linh, Hà Nội như ngồi trên đống lửa.

Những đợt rét đậm, rét hại kéo dài liên tục bao phủ miền Bắc khiến những người trồng hoa ở Mê Linh, Hà Nội như ngồi trên đống lửa. Cả trăm héc ta hoa hồng Pháp sẽ xuất vào dịp Tết, vì lạnh quá nên héo rũ, cụt ngọn. Người trồng hoa đành phó mặc thời tiết.

Tốc độ đô thị hóa quá nhanh khiến cho những làng hoa tên tuổi của Hà Nội như Tây Tựu, Nhật Tân, Quảng Bá, Tứ Liên… dần bị thu hẹp, thậm chí là xóa sổ. Năm 2008, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc chính thức sáp nhập vào Hà Nội. Từ đây, Hà Nội có thêm một vùng chuyên canh trồng hoa phục vụ các dịp lễ, Tết.


Người trồng hoa Mê Linh như ngồi trên đống lửa vì rét đậm, rét hại kéo dài liên tục

Diện tích trồng hoa của huyện Mê Linh trải dài trên các xã Mê Linh, Tiền Phong, Đại Thịnh. Nhưng “thánh địa” của hoa Mê Linh tập trung chủ yếu ở thôn Hạ Lôi của xã Mê Linh. 400 ha đất của huyện Mê Linh dường như không có ranh giới giữa các xã bởi những cánh đồng hoa cứ kéo dài từ xã này sang xã kia.

Cả xã Mê Linh có 2.700 hộ dân thì tất thảy đều lấy nghề trồng hoa làm “cần câu cơm” chính của gia đình. Cô Đặng Thị Năm, thôn Hạ Lôi nhanh tay cắt những cành hoa hồng Pháp và bảo, nhà cô đã trồng hoa được gần 15 năm nay rồi. Nhờ thu nhập từ trồng hoa, kinh tế gia đình dần được cải thiện, con cái được học hành đến nơi đến chốn.

Từ mảnh ruộng 4 sào trồng lúa, gia đình đã chuyển đổi sang trồng hoa hồng. Sau 2 năm chăm sóc, lứa hồng nhung đầu tiên cũng đến kì thu hoạch. “Lứa đầu tôi thấy lãi cả chục triệu đồng, tiền nhiều gấp 10 lần trồng lúa. Thế là đánh liều một quả, tôi với ông nhà đi các thôn thuê đất của người ta để trồng thêm”.

Từ 4 sào lúa ban đầu, nay gia đình cô Năm đã có trong tay hơn 1 mẫu đất với đủ mọi loại hoa từ hồng Pháp, cúc vàng hay hoa lily…Năm nay, để chuẩn bị cho hoa “ăn” đúng dịp Tết ÂL, từ tháng 10 gia đình cô Năm đã phải hoàn tất các khâu chuẩn bị tiến tới chăm sóc hoa theo quy trình nghiêm ngặt.

Dẫu vậy, thời tiết đã không chiều lòng người. Trong thời gian qua, liên tiếp những đợt không khí lạnh tăng cường “giáng” xuống miền Bắc đã khiến cho nhiệt độ luôn ở mức rét đậm, rét hại. Đặc biệt, cây hoa còn phải chịu những trận sương muối lạnh cắt da, cắt thịt vào mỗi buổi sáng.

“Chú nhìn xem, do lạnh quá, cây rụng hết cả lá, búp vừa mới chồi ra thì héo quắt rồi cũng rụng theo lá. Đâu chỉ có vậy, kiểu thời tiết như thế này còn khiến hoa bị nhiều bệnh như nấm mắt cua, nấm nhện”, cô Năm thở dài.

Theo tính toán của cô Năm, nếu kiểu thời tiết rét đậm, rét hại còn kéo dài thì năm nay xem chừng không có hoa để kịp bán vào Tết. Điều này chắc chắn sẽ khiến cho giá hoa bị đội lên nhiều lần.

Nhà chú Đặng Thìn Thắng, thôn Hạ Lôi năm nay cũng đang "dở khóc, dở cười" với gần 1 mẫu hoa hồng Pháp. Tương tự như diện tích nhà cô Năm, gần 1 mẫu hoa hồng Pháp của chú Thắng đang phải đối mặt với đủ loại sâu, bệnh, thời tiết khắc nghiệt.

Cô Thậm, vợ chú Thắng bảo, nếu trước Tết tầm nửa tháng mà trời hửng nắng thì hoa cũng chỉ kịp “ăn” vào dịp mùng 8/3, còn Tết ÂL thì chịu rồi. Đối với hoa hồng, nhiệt độ để hoa nở đúng theo dự tính của người trồng rơi vào khoảng từ 17 - 18 độ C. Nhiệt độ cao quá sẽ không thể hãm hoa nở, nhưng thấp quá hoa cũng bị héo rũ, cụt ngọn.

Với số gốc trung bình là 1.200/sào, mỗi tuần người trồng hoa lại phải dùng thuốc sâu để phòng trừ các loại bệnh tật cho hoa. Nhưng để vớt vát lại vụ hoa Tết khi trời ấm hơn, người trồng hoa ở Mê Linh đang sử dụng thuốc trừ sâu một cách… vô tội vạ.

Cứ thấy hoa bị bệnh là phun chứ không phun theo đúng ngày quy định nữa. Mùi thuốc sâu nồng nặc khắp cả cánh đồng hoa, vỏ thuốc trừ sâu la liệt trên mặt kênh tiêu nước của thôn Hạ Lôi.

Một tháng nữa là Tết đến, xuân về… những người trồng hoa ở Mê Linh chỉ còn biết trông chờ vào thời tiết. “Khéo lại tái diễn cảnh mất mùa, được giá mất thôi”, cô Thậm ngậm ngùi.

Không quá bi đát như giống hoa hồng, những mảnh ruộng bạt ngàn hoa cúc, hoa ly hay păng-xê vẫn hứa hẹn một vụ hoa Tết thắng lợi. Cách mảnh ruộng tràn ngập hoa hồng Pháp của gia đình nhà cô Năm là cả một dãy hoa păng-xê xanh mơn mởn, lớt phớt những cánh hoa đủ mọi màu sắc. Păng-xê là một loài hoa thuộc xứ lạnh nên sức chịu lạnh cao hơn hẳn so với nhiều loài hoa khác. Không cần quy trình, kĩ thuật chăm sóc cầu kì mà chỉ cần tính đúng ngày, tháng, hoa păng-xê có thể nở đúng theo yêu cầu của người trồng.

Bên cạnh đó, loài hoa này rất hiếm khi bị sâu bệnh. Tuy nhiên, không phải ai cũng thích và chơi loài hoa này, nên diện tích trồng còn hạn chế. Cũng chính vì sự độc đáo, păng-xê có giá cao hơn hẳn hoa hồng hay cúc. Lúc hoa hồng được giá nhất cũng chỉ hơn 1 nghìn đ/böng thì păng-xê có giá đến vài chục nghìn một đóa nhỏ.

Trái ngược với hoa hồng, loài hoa cúc có thể sưởi ấm được bằng nguồn nhiệt từ bóng đèn sợi đốt. Chỉ tay sang mảnh ruộng xanh om của lá hoa cúc, cô Thậm tỏ vẻ tiếc nuối: “Đấy, như nhà ông Dung này năm nay trồng hoa cúc lại ăn đúng dịp Tết. Được sưởi ấm bằng điện lại chăm sóc kĩ lưỡng như thế này kiểu gì vụ này cũng chắc thắng”.

Tuy nhiên, ở Mê Linh, loài hoa chủ đạo được trồng lại là hoa hồng. Bởi lẽ, hoa hồng là giống cây thu hoạch lâu năm. “Nếu chăm sóc, thua hoạch đúng kĩ thuật, những khóm hồng này có thể giữ được hơn chục năm”, cô Năm cho biết thêm. Do vậy, thời tiết có diễn biến thất thường, năm được, năm mất thì người dân phải dựa vào loài hoa này để sống.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Hàng trăm ha lúa có nguy cơ thiệt hại hoàn toàn do hạn mặn

SÓC TRĂNG Xâm nhập mặn thời gian qua khiến hàng trăm ha lúa hè thu 2024 đã xuống giống ở xã Vĩnh Quới (thị xã Ngã Năm) không có nước tưới, nguy cơ thiệt hại hoàn toàn.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.