Đây là đối tượng kiểm dịch thực vật tại Việt Nam, chúng đã gây hại nghiêm trọng ở nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Banglades, Srilanka, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc…
Sâu tuổi nhỏ thường tập trung nhiều con trên 1 cây ngô |
Tại Nghệ An, Thanh Hóa đều đã phát hiện đối tượng có đặc điểm hình thái, gây hại giống nhau. Qua điều tra của cơ quan chuyên môn huyện Anh Sơn, Nghệ An, các loại sâu gây hại trên lá ngô nói chung, trong đó có cả đối tượng giống “sâu keo mùa thu” với tỷ lệ 3 - 5% nơi cao 15 - 20% cây bị hại, mật độ 2,5-5 con/m2 (sâu chủ yếu tuổi 2,3 đối với trà ngô 3 - 7 lá, tuổi 3 - 4 - 5 đối với trà ngô 8 - 9 lá).
Anh Sơn là huyện trồng ngô thuộc vào diện lớn nhất Nghệ An, mỗi vụ 2.000ha, mỗi năm 2 - 3 vụ, trước tình hình đó huyện đã chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng trừ để nông dân không bị động.
Qua thực tiễn điều tra, phân tích bước đầu cho thấy loài sâu giống “sâu keo mùa thu” này như sau: Chúng có các đặc điểm nhận dạng mà FAO hướng dẫn, đó là đầu hình chữ “Y” ngược, trên lưng đốt áp sát đuôi có 4 chấm đen bố trí cân đối nhau tạo thành hình vuông. Lưng có 3 sọc màu sáng chạy song song, chia phần lưng mỗi đốt thành 2 phần đều nhau, trên mỗi phần có 2 chấm đen và cơ thể có nhiều lông.
Đầu chữ Y ngược và áp đuôi có 4 chấm đen giống mô tả của FAO |
Khác với các loài từng gây hại trước đây, đó là sức ăn của chúng rất khỏe. Qua điều tra thường trên mỗi đọt ngô chỉ phát hiện 1 cá thể sâu trưởng thành, chúng có thể ăn rách nát hết phần ngọn trong một vài ngày và thải ra lượng phân lớn.
Sâu tuổi nhỏ thường tập trung nhiều cá thể trên một cây. Một đặc điểm nổi bật nữa là chúng thường phản ứng giả chết và cuộn tròn khi đụng vào. Màu sắc cơ thể thay đổi theo tuổi sâu và điều kiện ngoại cảnh, có thể hơi xanh, nâu, xám hoặc pha trộn xám và đen. Chúng gây hại từ trong ra ngoài, phần ngọn cây ngô thường bị cắn đứt trước, sau đó chúng ăn khuyết dần các lá tiếp theo.
Đầu hình chữ Y ngược rất điển hình của sâu keo mùa thu |
Chi cục Trồng trọt & BVTV Nghệ An đã chỉ đạo các Trạm Trồng trọt & BVTV khẩn trương điều tra, phát hiện báo cáo kịp thời để có biện pháp ứng phó. Đồng thời Chi cục cũng đã phối hợp với Cục BVTV và Trung tâm BVTV vùng khu 4 tiến hành điều tra, thu thập và giám định đối tượng sâu mới xuất hiện này.
Để kiểm soát các loài sâu gây hại trên cây ngô nói chung trong đó có loài giống với “sâu keo mùa thu”, xin đưa ra một số khuyến cáo trước mắt như sau:
- Các địa phương cần tiến hành điều tra đối tượng “sâu keo mùa thu” theo công văn của Cục BVTV để kịp thời phát hiện nếu có. Phát hiện này cảnh báo nguy cơ có thể "sâu keo mùa thu" đã xuất hiện tại nước ta.
- Tiến hành phòng trừ các loài sâu gây hại trên ngô vụ Xuân theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn địa phương. Đồng thời khoanh vùng, xử lý nếu phát hiện đối tượng sâu nào khác lạ (chưa từng được mô tả, bắt gặp trước đây tại Việt Nam). Chờ kết luận cuối cùng sau khi Cục BVTV tiến hành giám định xong để có biện pháp hướng dẫn cụ thể.
Phản ứng giả chết và cuộn tròn khi bị đụng vào |
- Dựa trên đặc điểm hình thái, sinh học của loài sâu này có thể sử dụng các thuốc số thuốc BVTV tác động nội hấp lên cây trồng và tác động theo đường tiêu hóa đối với các loài có gặm nhai như Chloratraniliprole (Virtako 40WG, Voliam Targo 063SC, Prevathon 5SC,…).
- Đối với sâu tuổi nhỏ sử dụng thuốc ngăn chặn quá trình tổng hợp chất Chitin như Lufenuron (Mathch 050 EC,…). Hoặc các thuốc có tính thấm sâu vào cây trồng như indoxacarb (Obaone 95WG, Clever 150SC,…). Hạn chế sử dụng các có cơ chế tiếp xúc lên sâu hại, vì các loài sâu gây hại chủ yếu ở trong đọt lá ngô, thuốc tiếp xúc khó tiếp cận.
Thường chỉ tìm thấy một con ở độ tuổi lớn/cây |