Tỉnh Bắc Kạn xác định việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc là nhiệm vụ then chốt của Chiến lược phát triển văn hóa và ngày càng được quan tâm. Nhờ đó đến nay, Bắc Kạn đã kiểm kê được 152 di tích (trong đó có 58 di tích đã được xếp hạng gồm 2 di tích Quốc gia đặc biệt, 7 di tích Quốc gia và 49 di tích cấp tỉnh). Đã có nhiều di tích đang được xây dựng để trở thành những điểm du lịch hấp dẫn như: ATK Chợ Đồn, chùa Thạch Long, đền Thắm; đồn Phủ Thông; đền An Mã..., góp phần thúc đẩy du lịch, mục tiêu chính trong phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Về lĩnh vực văn hóa, tỉnh Bắc Kạn có gần 300 di sản của các dân tộc thiểu số, tiêu biểu như: Múa khèn của người Mông, lễ cấp sắc của người Dao, Lượn slương của dân tộc Tày. Trong đó, có 16 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Để phát huy giá trị của những di sản này, tỉnh Bắc Kạn chú trọng phát triển du lịch cộng đồng để khách du lịch được trải nghiệm, khám phá, tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc của đồng bào bản địa.
Anh Nông Nguyễn Chi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, người làm du lịch homestay ở hồ Ba Bể chia sẻ: Chúng tôi muốn để nguyên bản sắc của người Tày, khách du lịch đến đây họ rất là thích thú với khuôn nhà sàn như thế này, cách bài trí của gia đình, họ rất là hứng thú ở đây.
Hát then, đàn tính là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, những làn điệu hát then, mua tày của người dân tộc vẫn lưu giữ được từ xa xưa, đến nay được các thế hệ con cháu truyền lại cho nhau, lớp đi trước dạy cho người đi sau nhau, bố mẹ truyền dạy cho con cái. Trước đây chỉ biểu diễn trong những lễ hội, nhưng nay loại hình nghệ thuật này đã trở món ăn tinh thần độc đáo mà du khách nào đến với hồ Ba Bể cũng muốn được thưởng thức. Những du khách ở phương xa, là người trong nước hay người nước ngoài yêu thích, qua đó hiểu thêm văn hóa đặc trưng người Tày vùng hồ Ba Bể nói riêng và cộng đồng người Tày nói chung.
Nghề dệt thổ cẩm của các thôn bản xung quanh hồ Ba Bể cũng đang được tập trung phát triển. Những sản phẩm như trang phục, khăn, túi đã trở thành những món đồ lưu niệm được nhiều du khách ưu thích.
Gắn phát huy giá trị văn hóa dân tộc với phát triển du lịch không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người dân mà còn là giải pháp hiệu quả gìn giữ nét văn hóa truyền thống. Đây cũng là tiền đề quan trọng để tỉnh Bắc Kạn phát triển du lịch bền vững, có bản sắc độc đáo, riêng biệt.
Ông Hà Văn Trường, Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn thông tin: Địa phương có một dự án khoa học công nghệ bảo tồn những di sản văn hóa phi vật thể Khu vực hồ Ba Bể gắn với phát triển du lịch, theo đó có 8 sản phẩm được nêu ra. Đặc biệt nổi trội là xây dựng các đội văn nghệ của 9 đồng bào các dân tộc thiểu số hàng ngày lao động sản xuất nhưng buổi tối, lúc rỗi và ngày lễ phục vụ du khách.
Hiện nay tỉnh Bắc Kạn tiếp tục khôi phục lễ Phjất Lăng của người Dao đỏ; phục dựng lễ hội lồng tồng của người Tày và thành lập các câu lạc bộ hát Then, đàn Tính ở nhiều địa phương; các lễ hội văn hóa người dân Mông, lấy vùng Mù Là, huyện Pác Nặm làm trọng tâm.