| Hotline: 0983.970.780

Phát triển 'cây vàng' trên núi cao, hướng tới đa mục đích

Thứ Hai 15/08/2016 , 14:20 (GMT+7)

Sơn tra, còn gọi là cây Táo Mèo sống và phát triển tốt trên độ cao từ 800-1.700m, nơi quanh năm mây mù bao phủ, mùa đông thường có băng giá và tuyết phủ.

Tuy nhiên, không phải tỉnh miền núi nào cũng có sơn tra. Khu vực miền núi phía Bắc chỉ có Yên Bái là tỉnh có nhiều sơn tra và chất lượng quả ngon nhất. Hiện nay sơn tra đang được ví là “cây vàng” trên núi cao, tỉnh Yên Bái đang phát triển mạnh cây sơn tra nhằm mang lại nguồn thu cho người dân…

Ban Quản lý rừng phòng hộ Trạm Tấu cử tay lái cự phách Lò Văn Tài đưa tôi lên thôn Suối Giao, xã Xà Hồ nằm trên độ cao 1.500m. Không thể tưởng tượng nổi con đường ngược núi hẹp và dựng đứng, đá lổng chổng như đi giữa lòng suối cạn có nhiều cua tay áo chỉ sơ ý là lao xuống vực tan xác như chơi.

14-01-20_2
Vườn ươm cây sơn tra của BQLRPH Trạm Tấu

 

Sau gần hai giờ leo núi chúng tôi đã lên tới rừng sơn tra. Rừng sơn tra ở đây mọc hỗn giao với cây rừng tự nhiên và trong các nương cũ của người dân. Sau đợt mưa tuyết cuối tháng 1/2016, nhiều cây rừng chết rạc vì rét thì cây sơn tra cứ xanh ngằn ngặt, quả sai trĩu cành, nhiều cây quả còn nhiều hơn lá. Chỉ ít ngày nữa là đến mùa thu hoạch sơn tra, người dân phát quang cây cỏ quanh các gốc cây để dễ thu hái.

Hai huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái là Mù Cang Chải và Trạm Tấu nơi mọc nhiều sơn tra. Từ lâu sơn tra Mù Cang Chải được người ta biết đến là cây đặc sản. Tuy nhiên, cách đây hơn 10 năm khi chưa biết giá trị thực của nó, quả sơn tra chỉ dùng vào việc ăn chơi, ngâm rượu, ngâm đường làm nước giải khát…

Nhưng ít người biết đến sơn tra còn là vị thuốc trong y học cổ truyền, chữa trị các chứng rối loạn tiêu hóa giúp ăn ngon miệng. Theo các nhà khoa học: Sơn tra còn có tác dụng kháng khuẩn, cường tim, làm giãn mạch vành, chống rối loạn nhịp tim, hạ áp, bảo vệ tế bào gan, tăng cường công năng miễn dịch, trấn tĩnh an thần, ức chế ngưng tập tiểu cầu, điều chỉnh rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, huyết áp cao, phòng ngừa đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, béo phì, viêm cầu thận cấp và mãn tính, hậu sản, ứ trệ, giảm kích thích ruột, tiêu chảy, lỵ…

14-01-20_3
Vườn sơn tra ghép cành

 

Gần đây người ta mới thấy được giá trị thực của cây sơn tra. Là loài cây bản địa, sống ở độ cao từ 800m trở lên, có khả năng chống chịu được giá rét và băng giá, nên không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn có tác dụng phòng hộ.

Đợt mưa tuyết kéo dài gần một tuần lễ vào cuối tháng 1/2016 tại hai huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu khiến nhiều loài cây bị chết rét, nhưng cây sơn tra thì không, mưa tuyết còn kích thích cây ra quả nhiều hơn. Việc cây sơn tra có trong các cánh rừng hỗn giao trên núi cao thì được người dân bảo vệ rất tốt, ít xảy ra cháy rừng. Vì cây sơn tra mang lại cho họ nguồn thu, nếu xảy ra cháy rừng do cây sơn tra vỏ dày khả năng tái sinh nhanh.

Theo kết quả kiểm kê rừng, tỉnh Yên Bái hiện có 3.390,6 ha sơn tra, trong đó huyện Mù Cang Chải 1.211,7 ha tập trung ở các xã: Kim Nọi, Púng Luông, Nậm Có, Nậm Khắt, Lao Chải, dẾ Xu Phình và Mồ Dề… Trạm Tấu 2.178,4 ha, tập trung ở các xã: Xà Hồ, Bản Mù, Bản Công, Làng Nhì. Sản lượng khoảng gần 3.000 tấn.

Những năm trước giá sơn tra chỉ bán được 5.000-6.000đ/kg, một gùi sơn tra chỉ đáng giá vài bát phở. Khoảng 10 năm trở lại đây, khi người dân biết được giá trị thực của cây sơn tra, nhất là các doanh nghiệp chế biến bắt tay vào sản xuất các loại nước giải khát, rượu…thì giá sơn tra tăng vọt.

14-01-20_4
Cây sơn tra trĩu quả

 

Giá bình quân người dân bán cho các điểm thu mua từ 15.000-20.000đ/kg, giá bán đổ của các thương lái tại Mù Cang Chải và Trạm Tấu 25.000-30.000đ/kg. Có thời điểm tại “thủ phủ” sơn tra Mù Cang Chải giá bán tới 85.000-90.000đ/kg mà không có bán.

Sơn tra là loài cây đa tác dụng, bởi thế tỉnh Yên Bái triển khai mạnh mẽ việc phát triển cây sơn tra trên diện tích rừng phòng hộ, rừng nghèo kiệt, rừng kinh tế. Kế hoạch năm 2016 tỉnh Yên Bái trồng mới 850 ha sơn tra.

Trong đó huyện Mù Cang Chải trồng 250 ha, Trạm Tấu 600 ha. Ngoài diện tích trồng rừng kinh tế và rừng phòng hộ, huyện Trạm Tấu được hỗ trợ trồng 300 ha dưới tán rừng nghèo kiệt, với mức hỗ trợ 6 triệu/ha. Điều đáng nói là số diện tích 300 ha này là nhu cầu của người dân, họ xin được trồng, nhà nước chỉ hỗ trợ cây giống.

Để đảm bảo cây giống chất lượng cao hai Ban Quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải và Trạm Tấu đã xây dựng các vườn giống tại các chân rừng từ những cây đã được tuyển chọn, ngoài ra Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học & Công nghệ Yên Bái) đã xây dựng vườn cây sơn tra ghép cành.

14-01-20_6
Cây sơn tra trồng 3 năm tuổi thôn Suối Giao

 

Theo ông Đinh Văn Ba, GĐ Ban QLRPH Trạm Tấu: Kế hoạch trồng rừng phòng hộ năm 2016 bằng cây sơn tra tập trung ở các xã có cây sơn tra mọc tự nhiên: Xà Hồ, Bản Công, Bản Mù và Làng Nhì. Ngoài ra huyện đang chỉ đạo các xã vận động người dân trồng sơn tra xen kẽ trong các khu rừng nghèo kiệt…Huyện Mù Cang Chải tập trung phát triển cây sơn tra ở hai xã Nậm Có và Lao Chải. Đây là hai xã chất lượng quả ngon và gần thị trường.

Thôn Suối Giao có 62 hộ, thì nhà nào cũng trồng sơn tra, tính ra mỗi hộ có khoảng 60-70 cây. Cây sai quả có thể thu 40-50kg, với giá bình quân 15.000đ/kg thì mỗi cây cho thu từ 250.000-450.000đ/cây, tính ra thu nhập từ vườn sơn tra 12-15 triệu/năm/40 cây. Vì thế, người dân Suối Giao mấy năm nay tích cực trồng sơn tra, chăm sóc rừng sơn tra của mình.

Gặp vợ chồng Thào A Lâu và Cứ Thị Day trên đường lên nương, tôi hỏi: Nhà mình có trồng sơn tra không? Có chứ, Lâu đáp, bố mẹ mình chia cho 30 cây đấy, hơn 20 cây có quả. Năm ngoái bán được 5-6 triệu thôi, năm nay cây cho quả nhiều có khi bán được 10 triệu đấy. Mình nhận hơn 40 cây của Ban quản lý về trồng trên núi kia…

Theo tính toán mỗi ha sơn tra cho năng suất từ 10-15 tấn, với giá bình quân 10.000đ/kg thì thu nhập không dưới 100 triệu/ha. Rõ ràng cây sơn tra đã thực sự trở thành “cây vàng” trên núi mà không cây nào sánh nổi.

 

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Đấu giá sâm Ngọc Linh để xóa nhà tạm cho đồng bào Xơ Đăng

Hai củ sâm Ngọc Linh được đấu giá 238 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được dùng để xóa nhà tạm cho đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở huyện Nam Trà My.

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.