| Hotline: 0983.970.780

Phát triển chăn nuôi công nghệ cao giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn Thủ đô

Thứ Sáu 01/10/2021 , 17:35 (GMT+7)

Trong giai đoạn 2016-2020, thành phố Hà Nội thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và PTNT Thủ đô, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi.

Trang trại chăn nuôi gà công nghệ cao tại xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai.

Trang trại chăn nuôi gà công nghệ cao tại xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai.

Kết quả bước đầu khả quan

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi năm 2019 đã xảy ra trên diện rộng; ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến kinh tế- xã hội song ngành Nông nghiệp Thủ đô giai đoạn 2021 - 2020 vẫn đạt mức tăng trưởng khá với 2,53%, đảm bảo mục tiêu đề ra (từ 2,5-3,0%).

Đặc biệt, chăn nuôi công nghệ cao của Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 có chuyển biến mạnh mẽ. Về cơ chế chính sách, Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có chính sách phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh.

Điểm nhấn là Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 05/12/2018 của HĐND thành phố về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn. Đây là tiền đề phát triển nông nghiệp nói chung, phát triển chăn nuôi công nghệ cao của thành phố nói riêng.

Bên cạnh kết quả đạt được, Hà Nội cũng gặp không ít khó khăn hạn chế, đó là chưa hình thành được vùng sản xuất chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chí vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao.

Việc nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao còn rất hạn chế. Chăn nuôi công nghệ cao gặp khó khăn về vốn sử dụng công nghệ cao lớn hơn nhiều so với sản xuất truyền thống; quỹ đất hạn hẹp, chi phí giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng ban đầu cho các dự án công nghệ cao ở Hà Nội cao hơn so với các tỉnh, thành phố lân cận.

Mặt khác thời hạn cho thuê đất hiện nay ngắn (5 năm), sau đó phải đấu giá lại mới được thuê tiếp nên người dân, doanh nghiệp chưa yên tâm đầu tư lâu dài. Khi xây dựng trang trại công nghệ cao còn thiếu những công nghệ cao mang tính tiên tiến hàng đầu, chưa tạo được sự đột biến mạnh mẽ về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Thị trường tiêu thụ sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng mức độ đầu tư.

Một số chính sách ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ nên khó thu hút được các nguồn lực xã hội, doanh nghiệp đầu tư cho chăn nuôi nhất là về xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến sâu sản phẩm động vật công nghệ cao.

Bên cạnh đó tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, quỹ đất giành cho phát triển chăn nuôi ngày càng bị thu hẹp dẫn đến phát triển sản xuất manh mún, thiếu bền vững, ô nhiễm, hạ tầng phục vụ chăn nuôi (như giao thông, điện, hệ thống xử lý môi trường...) thiếu đồng bộ chưa đáp ứng được yêu cầu về chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao.

Về nhân lực, đội ngũ cán bộ kỹ thuật có khả năng và tiếp cận công nghệ cao để ứng dụng, chuyển giao còn thiếu.

Định hướng phát triển chăn nuôi công nghệ cao

Mục tiêu là thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sản xuất hiện đại nhằm tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng đàn gia súc gia cầm.

Cụ thể tăng tỷ lệ thụ tinh nhân tạo lợn đạt 85- 90%; về gia cầm tỷ lệ trứng có phôi đạt trên 85%, tỷ lệ trứng ấp nở đạt trên 90%. Sử dụng các trang thiết bị hiện đại, hệ thống chuồng kín với trang trại lợn đạt trên 50% trở lên, gia cầm đạt trên 70% trở lên; 100% trang trại chăn nuôi lớn sử dụng hệ thống chăn nuôi chuồng kín, tự động hóa dây chuyền trong chế biến thức ăn, cho ăn uống tự động, kiểm soát dịch bệnh, xử lý môi trường chăn nuôi; 100% các trang trại chăn nuôi quy mô lớn được ứng dụng công nghệ cao sản xuất theo chuỗi có thương hiệu sản phẩm, được đánh giá đủ điều kiện chăn nuôi, an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm; 100% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp được ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Giải pháp phát triển chăn nuôi công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2030  

Thứ nhất, về quy hoạch cần tiến hành công tác quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao và công bố công khai quy hoạch vùng chăn nuôi để kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư. Được ưu tiên giao đất, cho thuê đất ở những vị trí thuận lợi cho sản xuất; được hưởng các chính sách ưu đãi về đầu tư, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, môi trường.  

Căn cứ quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung được UBND thành phố phê duyệt, trên cơ sở thực trạng sản xuất nông nghiệp tại các huyện, định hướng sản xuất nông nghiệp của cấp xã, cơ sở hạ tầng kỹ thuật (giao thông, điện, nước, xử lý môi trường...), khả năng lao động, nguồn lực đầu tư, kinh nghiệm và truyền thống sản xuất của nhân dân, sự đồng thuận của chính quyền để xác định, lựa chọn các vùng, khu, trang trại đáp ứng các điều kiện ứng dụng công nghệ cao.

Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao hạn chế lây lan dịch bệnh, năng suất chăn nuôi cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao hạn chế lây lan dịch bệnh, năng suất chăn nuôi cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Xây dựng phương án tổ chức chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao phù hợp với thực tiễn sản xuất và điều kiện hạ tầng kinh tế, kỹ thuật của vùng, khu; phù hợp với khả năng huy động vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân.

Thứ hai, về chính sách tiếp tục rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách hiện có về hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm công nghệ cao; thu hút đầu tư chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao để đề nghị Trung ương và HĐND thành phố sửa đổi, bổ sung những nội dung còn thiếu và hoàn thiện những nội dung không còn phù hợp.

 Đồng thời ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về triển khai thực hiện; thường xuyên tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện để kịp thời hướng dẫn, điều chỉnh. Tổ chức triển khai theo hướng nâng cao khả năng tiếp cận các đối tượng thụ hưởng chính sách.

Tập trung phát triển ở các khu, vùng đã được quy hoạch tại 05 khu chăn nuôi tập trung, 97 xã chăn nuôi gia súc, gia cầm trọng điểm với 119 trang trại chăn nuôi được ứng dụng mô hình chăn nuôi công nghệ cao.

Thứ ba, về khoa học - công nghệ, áp dụng các chính sách phát triển công nghệ cao hiện hành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao như sử dụng chuồng kín, tự động hóa chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý dịch bệnh, xử lý môi trường chăn nuôi.

Chú trọng công nghệ gen, công nghệ sinh học, công nghệ di truyền học, đầu tư vào cơ sở sản xuất giống nhập nội bằng cách bổ sung các giống cao sản, cải tạo giống, phục tráng các nguồn gen bản địa tốt cung cấp vật liệu di truyền để nhân giống, lai tạo giống (như bò vàng Việt Nam lai với các giống bò cao sản, gà Mía, gà Ri, gà Lạc Thủy, vịt Cỏ, lợn Móng Cái, lợn Ỉ ...) phù hợp với nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hữu cơ và các mô hình kinh tế tuần hoàn.

Nâng cao năng lực quản lý, sản xuất, chất lượng thức ăn từ các nguyên liệu đầu vào, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thức ăn áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học, sử dụng các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh, hóa chất làm nguyên liệu sản xuất thức ăn, sử dụng nguồn nguyên liệu đơn trong nước, các sản phẩm phụ trong nông nghiệp để tổng hợp chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Tập trung xây dựng vùng an toàn dịch, cơ sở an toàn dịch cho các trang trại chăn nuôi công nghệ cao. Sử dụng chế phẩm sinh học tỏng phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tổ chức nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho hệ thống thú y đến cơ sở để giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, nhất là các địch bệnh nguy hiêm, kịp thời ngăn chặn không để dịch lớn xảy ra trên diện rộng.

Thứ tư, về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng đào tạo nước ngoài và đào tạo trong nước cho hệ thống cán bộ quản lý, các chủ doanh nghiệp, trang trại đáp ứng công nghệ tiến tiên tiến, hiện đại trên thế giới.

Về đào tạo ở nước ngoài đối với cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý cấp thành phố, chủ trang trại lớn tập trung vào quản lý trang trại, sản xuất, chế biến, phòng chống dịch bệnh, tại các nước có ngành chăn nuôi tiên tiến như Pháp, Hà Lan, Israel, Nhật Bản, Đài Loan...

Đào tạo trong nước cho các đối tượng là cán bộ quản lý cấp thành phố, cấp huyện, chủ trang trại tại các viện, trường, các trung tâm đào tạo nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời đào tạo nghề chăn nuôi công nghệ cao cho các đối tượng là lao động trong các doanh nghiệp, chủ hộ chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trong độ tuổi lao động.

Tăng cường tập huấn chuyên môn kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, người lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao.

Thứ năm, về thị trường, dịch vụ hỗ trợ hoạt động chăn nuôi công nghệ cao, Hà Nội ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ hỗ trợ cơ khí hóa sản xuất thiết bị chuồng nuôi, thiết bị chế biến, giết mổ, máy chế biến thức ăn, chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm.

Tăng cường tổ chức chợ, hội chợ, triển lãm công nghệ cao trong chăn nuôi (các hội thi về bò, lợn, gia cầm, các phiên đấu giá gia súc, gia cầm ...) để các tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ môi giới, tư vấn, đánh giá; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ tư vấn kỹ thuật, đầu tư, pháp lý, tài chính, bảo hiểm, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các dịch vụ khác nhằm thúc đẩy hoạt động công nghệ cao, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm công nghệ cao trong chăn nuôi.

Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng và internet, từng bước hình thành website hoặc chuyên trang trên website của thành phố về công nghệ cao trong chăn nuôi.

Thông tin kịp thời kết quả ứng dụng công nghệ cao, các mô hình phát triển công nghệ cao và các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của thành phố.

Hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở vùng chăn nuôi tập trung đủ điều kiện được áp dụng mô hình nông trại điện tử, tham gia hệ thống quản lý chất lượng và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Tuyên truyền sâu rộng để người chăn nuôi chủ động tham gia phòng chống dịch bệnh, thực hiện tốt việc khai báo chăn nuôi theo quy định.

Với các giải pháp trên nếu được sự quan tâm của các cấp các ngành, sự đồng thuận của người dân, chắc chắn chăn nuôi công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục có chuyển biến mạnh mẽ.

Xem thêm
Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng, tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo khẩn

BẮC KẠN Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng tại tất cả các huyện, thành phố, UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo khẩn thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch.

Tập huấn giúp nông dân bớt mông lung về canh tác lúa giảm phát thải

CẦN THƠ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai tập huấn cho nông dân tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao về giải pháp kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải.

Tiền Giang tôn vinh nhiều trí thức tiêu biểu lĩnh vực khoa học và công nghệ

Năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã nghiệm thu, kết thúc và trình ban hành quyết định công nhận 20 nhiệm vụ, trong đó lĩnh vực nông nghiệp có 10 nhiệm vụ.