Tại TP. Gò Công (Tiền Giang), năm 2007, HTX Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công đi vào hoạt đã giúp người chăn nuôi gà khắc phục điểm yếu của quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, tạo nên chuỗi giá trị bền vững.
Theo ông Nguyễn Quốc Kiệt, Giám đốc HTX cho biết, buổi đầu sản lượng gà thịt ở Gò Công không đáng kể, chăn nuôi mang tính chất tự phát, hộ chăn nuôi tự học hỏi kỹ thuật, mua gà giống ở thị trường tự do, chưa chủ động được nguồn giống tốt có năng suất cao.
Do đó, chất lượng thịt gà dù ngon nhưng không đồng đều và không đảm bảo an toàn dịch bệnh, từ đó chưa có thị trường tiêu thụ ổn định. Thông qua sự vận động của địa phương, HTX được thành lập và xây dựng thương hiệu cho con gà ta Gò Công. Thành viên cùng nhau làm theo 3 chung, đó là mua chung, nuôi chung và bán chung.
Mua chung và nuôi chung theo chuẩn VietGAHP
Gà thịt thương phẩm mang thương hiệu Gà ta Gò Công là con lai F1 có nguồn gốc bản địa, 75% là nòi địa phương. HTX cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thú y theo giá hợp lý, ổn định và theo đúng hợp đồng mua bán để tạo ra số lượng dồi dào và không dư thừa. Số lượng gà nuôi dựa vào hợp đồng đã ký kết với đối tác. Mỗi hộ nuôi tối đa 3.000 con với quy trình nuôi “cùng vào - cùng ra”.
Gà được nuôi theo một quy trình nuôi thống nhất để tạo chất lượng đồng đều. Quy trình nuôi này đã đạt giải nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang và giải Khuyến khích Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc.
Theo đó, gà từ 1 đến 21 ngày tuổi được cho ăn tự do và chia thành nhiều bữa và ăn đến 20 giờ thì ngưng. Từ sau 22 ngày tuổi đến khi xuất chuồng, gà được cho ăn định lượng, cho ăn ngày không cho ăn đêm, đến 15 giờ thì ngưng ăn. Trong thức ăn, thức ăn hỗn hợp chiếm 50%, bắp chiếm 40% và 10% là cỏ xay nhuyễn. Điều quan trọng là thành viên không cho gà ăn thúc trước khi ra thị trường.
Đối với công tác quản lý dịch bệnh, phòng bệnh là quan trọng. Chuồng trại chăn nuôi thông thoáng, có sân chơi. Nền chuồng có lớp nilon chống thấm. Tùy theo độ tuổi của gà mà lớp đệm lót sinh học được bổ sung dày, mỏng tương ứng. Mật độ nuôi là quyết định, tối ưu từ 7 - 8/con/m2.
Trong công tác tiêm phòng, thành viên cùng sử dụng chung quy trình tiêm vacxin đầy đủ, đúng lịch. Khi gà 3 ngày tuổi, phòng dịch tả và viêm phế quản qua nhỏ mắt hoặc mũi. 7 ngày tuổi, phòng Gumboro qua nhỏ miệng. 10 ngày tuổi phòng đậu, tức đâm cánh.
14 ngày tuổi, phòng Gumboro qua nhỏ miệng hoặc pha trong nước uống. 18 - 20 ngày tuổi, phòng cúm H5N1 qua tiêm bắp. 21 ngày tuổi, phòng dịch tả và viêm phế quản qua nhỏ mắt hay mũi hoặc cho uống. 35 ngày tuổi, phòng dịch tả hoặc dịch tả kết hợp viêm phế quản nhũ dầu bằng tiêm bắp.
Bên cạnh đó, sử dụng sản phẩm bổ sung là dược liệu chiết xuất từ than bùn bao gồm acid amin và khoáng chất giúp gà tăng sức đề kháng, giảm bệnh tật, tăng chất lượng thịt (mùi thơm và độ dai), tăng cường hệ thống miễn dịch.
Dù quy trình phòng bệnh khá công phu nhưng chi phí vacxin trong suốt quá trình nuôi chỉ ở mức thấp, khoảng 5 - 6 triệu đồng cho 1.000 con, trong khi đó, người chăn nuôi với quy trình phòng bệnh khác có thể mất đến 20 triệu đồng.
Trong quá trình nuôi, mỗi hộ chăn nuôi có mã số chăn nuôi riêng và mã vạch, sổ nhật ký ghi chép cho từng lứa gà và truy xuất nguồn gốc bằng tem điện tử thông minh.
Đàn gà ta Gò Công là đàn gà đầu tiên của vùng ĐBSCL được công nhận VietGAP. Gà ta Gò Công nổi tiếng với da vàng tươi. Mùi thịt thơm ngon, vị ngọt, không mỡ dưới da, độ dai không thể nhầm lẫn.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và khẳng định thương hiệu, HTX còn chủ động xây dựng sản phẩm gà ta Gò Công đạt chứng nhận OCOP. Sau quá trình nỗ lực không ngừng, năm 2019, sản phẩm gà ta Gò Công của HTX đã được chứng nhận OCOP 4 sao.
Bán chung qua Ban định giá
Ngoài việc chuyển hướng sang sản xuất theo chuẩn VietGAHP, được sự hỗ trợ của dự án STOP AI tại Việt Nam, Dự án do tổ chức phát triển quốc tế Hoa Kỳ HTX xây dựng cơ sở giết mổ gia cầm theo công nghệ châu Âu (giết mổ nhân đạo) - công nghệ bán thủ công công nghệ bán thủ công và theo quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm với công suất 200 con/ngày.
Ưu điểm là quá nhỏ là ít ảnh hưởng đến môi trường, cơ động theo yêu cầu của khách hàng và giá thành hợp lý.
Sản phẩm qua giết mổ được cung ứng ổn định cho các siêu thị, nhà hàng, cửa hàng tiện ích, các chợ phiên và thương lái tại TP. HCM, Bình Dương… Bình quân, mỗi năm HTX cung ứng cho thị trường từ 80 - 120 nghìn con, trung bình mỗi tháng cung ứng thị trường 20.000 con gà thịt theo hợp đồng, cung ứng ổn định cả năm.
Thực hiện cơ chế “bán chung”, khi thành viên bán gà ra thị trường phải thông qua Ban định giá của HTX. Bán cho thương lái, theo giá thị trường nhưng đắt hơn 3.000 - 5.000 đồng/kg. Riêng HTX bán cho các siêu thị, ổn định suốt năm với giá, trống 62.000 đ/kg, mái 72.000 đ/kg.
Năm 2023, HTX cung ứng ra thị trường với sản lượng gà lông khoảng 50.000 con, sản lượng thịt gà tươi 22.700 con. Doanh thu của HTX đạt 3,4 tỷ đồng, lãi 23 triệu đồng. Riêng doanh thu của thành viên đạt trên 7,6 tỷ đồng, lãi 1,7 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của thành viên lao động của HTX từ 8 - 10 triệu đồng/tháng.
Tiếp cận xu hướng chăn nuôi thời 4.0
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Kiệt, hiện người tiêu dùng đang đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Dự đoán trong thời gian tới, các cửa hàng bán sản phẩm sạch, an toàn sẽ chiếm lĩnh thị trường. Do đó, định hướng của HTX là không chỉ bán vào các siêu thị mà sẽ tìm cách phân phối vào các thị phần mà những công ty lớn chưa khai thác.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và khách hàng, HTX sẽ mở rộng quy mô nuôi tại các xã như: Tân Trung, Bình Đông, Bình Xuân, Long Chánh (TP. Gò Công); Bình Ân (huyện Gò Công Đông); Long Bình, Bình Tân (huyện Gò Công Tây)… nhằm giúp bà con nơi đây có cơ hội vượt khó, ổn định cuộc sống.
Năm 2024, HTX tiếp tục triển khai nuôi gà thả vườn theo chuỗi giá trị đối với những vùng đất hẹp người đông. HTX nhận định thị trường chăn nuôi gà năm nay sẽ có nhiều khó khăn hơn, nhất là thị trường tiêu thụ thịt gà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Đặc biệt, vấn đề mới phát sinh là giá thức ăn chăn nuôi tăng 15 lần trong năm qua.
Tuy nhiên, HTX cũng nhìn thấy những triển vọng thông qua xây dựng văn hóa (con người), hướng đến nông dân thông minh và chuyên nghiệp. Bởi theo xu hướng của công nghệ thời 4.0, ngành chăn nuôi gà là ngành kinh tế bao gồm chăn nuôi gà gắn kết với du lịch nông thôn, nuôi ít mà nguồn thu đa dạng. HTX sẽ khai thác du lịch tìm hiểu công nghệ chăn nuôi gà nhân đạo qua màn hình.
Bên cạnh đó, tham quan thực tế đến trại nuôi gà nhân đạo bằng xuồng trên dòng sông, thưởng thức các món ăn từ thịt gà ta Gò Công và trải lòng về những bài hát dân ca của xã Bình Đông, một miền quê đáng sống.
Với thương hiệu đã được khẳng định, sản phẩm gà ta Gò Công đã giành được nhiều giải thưởng uy tín, điển hình như: Bộ KH-CN tặng “Giải vàng Thương hiệu Thực phẩm Chất lượng An toàn Việt Nam”, “Cúp Vàng top 500 Thương hiệu Hàng đầu Việt Nam hội nhập WTO”; Giải thưởng Chất lượng quốc gia năm 2017; Top 100 Sản phẩm Ưu tú hội nhập WTO liên tục từ năm 2010 đến nay… Năm 2023, HTX tiếp tục nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Tiền Giang. Liên minh hợp tác xã Tiền Giang tặng 21 giấy khen cho thành viên.
HTX Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công hiện có 113 thành viên, trong đó 30 thành viên chính thức có góp vốn 46 triệu đồng, đây là những thành viên sản xuất ra sản phẩm và đồng thời được hợp tác xã bao tiêu toàn bộ sản phẩm làm ra. Bên cạnh đó, HTX còn vốn huy động từ các thành viên là 14 tỷ đồng, trong đó vốn lưu động là 8 tỷ đồng để mua thức ăn gia súc và thuốc thú y và vốn cố định để xây dựng chuồng trại là 6 tỷ đồng.