| Hotline: 0983.970.780

Vùng cao thay đổi thói quen thả rông gia súc

Thứ Hai 13/05/2024 , 06:15 (GMT+7)

Chăn nuôi gia súc có chuồng trại giúp đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, đồng thời đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh.

Thả rông gia súc gây mất an toàn giao thông, vật nuôi dễ lây lan dịch bệnh. Ảnh: HĐ. 

Thả rông gia súc gây mất an toàn giao thông, vật nuôi dễ lây lan dịch bệnh. Ảnh: HĐ. 

Chăn nuôi gia súc đang đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho những hộ dân ở huyện Bát Xát (Lào Cai). Tuy nhiên, nhiều hộ chăn nuôi chưa quan tâm đúng mực đến khu vực chăn nuôi khép kín mà giữ thói quen thả rông trâu, bò ngoài tự nhiên.

Gia súc đi lại ngoài đường, vào ruộng rau của người dân, phá hàng rào... gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, làm mất mỹ quan, môi trường của địa phương, đặc biệt khó kiểm soát, khoanh vùng dịch khi đàn vật nuôi nhiễm bệnh.

Tại xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát, người dân hiện mở rộng diện tích trồng cỏ voi để có nguồn thức ăn tại chỗ cho đàn gia súc.

Ông Sùng A Sằng ở thôn Tân Giang, xã Cốc Mỳ cho biết, trước đây gia đình chủ yếu thả rông trâu ngoài ruộng hoặc trên nương để chúng tự tìm thức ăn ngoài tự nhiên. Vì vậy, việc chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh hạn chế, nhất là vào mùa đông khi rét đậm, rét hại kéo dài làm trâu bị chết. Có những con bị nhiễm bệnh mà không biết nguyên nhân do đâu.

Tuy nhiên, những năm gần đây, được sự tuyên truyền từ cán bộ xã, lực lượng thú y, ông Sùng A Sằng đã đầu tư làm chuồng trại, trồng cỏ voi để nuôi trâu nhốt chuồng, kết hợp chăn thả có sự giám sát của các thành viên trong gia đình để tránh trâu phá hoại mùa màng của những hộ dân khác cũng như không làm ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan của địa phương.

“Trước đây, sáng thả trâu ra cho tự đi kiếm ăn rồi chiều nó tự quay về hoặc bố trí người đi tìm rồi lùa về nhà. Có khi thế nên trâu cũng chậm lớn, có con còn ngã gãy chân... rồi phải bán với giá rẻ. Bây giờ nhà tôi đã làm chuồng để nhốt trâu, sáng có người đuổi đi chăn thả ở khu vực đồng cỏ, tầm trưa, chiều dắt trâu về. Ngoài ra, nhà tôi cũng đã trồng cỏ voi cho trâu ăn để chủ động hơn về nguồn thức ăn cho gia súc. Trâu khỏe mà không nhiễm bệnh dịch”, ông Sùng A Sằng tâm sự.

Có chuồng trại chăn nuôi gia súc đảm bảo cho vật nuôi sinh trưởng, phát triển ổn định. Ảnh: HĐ.

Có chuồng trại chăn nuôi gia súc đảm bảo cho vật nuôi sinh trưởng, phát triển ổn định. Ảnh: HĐ.

Cốc Mỳ là một trong những xã có tổng đàn gia súc lớn của huyện Bát Xát. Để hạn chế tình trạng thả rông, để gia súc tràn xuống lòng đường gây mất an toàn giao thông, mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan chung, nhất là việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bà con hiểu rõ những ảnh hưởng của việc thả rông gia súc.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Cốc Mỳ (huyện Bát Xát, Lào Cai) cho biết, cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân ở các thôn không thả rông gia súc để đảm bảo chăn nuôi có hiệu quả, phòng chống dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường. Thả rông gia súc còn gây mất an toàn giao thông, mỹ quan của ở các thôn bản trên địa bàn xã.

Huyện Bát Xát hiện có trên 77.000 con gia súc trong đó có gần 20.000 trâu, bò, trên 2.000 ngựa và số còn lại hơn 50.000 lợn, dê...

Thời gian qua, huyện Bát Xát tăng cường chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân đảm bảo chăn nuôi an toàn dịch bệnh, hạn chế tình trạng thả rông gia súc, bảo vệ mùa màng, góp phần phát triển kinh tế địa phương và các mục tiêu về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Qua đó, giúp đàn gia súc phát triển ổn định và mang lại thu nhập cao cho người nuôi.

Ông Lê Huy Giang, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bát Xát cho biết, ngành nông nghiệp huyện tích cực tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo tuyên truyền nhân dân trồng thêm diện tích cỏ tại những diện tích đất phù hợp để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Hạn chế tối đa trường hợp người dân thả rông gia súc ra các nương, đồi.

Ngoài ra, tích cực vận động người dân xây dựng, tu sửa chuồng trại, chăn nuôi theo hướng đảm bảo an toàn sinh học để giúp vật nuôi phát triển, sinh trưởng tốt. Khi chăn nuôi phát triển bền vững mới mang lại thu nhập ổn định cho bà con.

Xem thêm
Cho vịt ở… khách sạn

THANH HÓA Chăn nuôi vịt an toàn sinh học mang lại lợi ích kép cho người chăn nuôi bởi vừa hạn chế dịch bệnh lại góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Kiên Giang khởi động 12 cánh đồng tham gia Đề án 1 triệu ha lúa

Ngoài 2 cánh đồng tại Tân Hiệp và An Minh được Bộ NN-PTNT phối hợp cùng tỉnh khởi động, Kiên Giang sẽ đồng loạt khởi động 10 cánh đồng ở các huyện còn lại.

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).