| Hotline: 0983.970.780

Sức mạnh sinh học trong chuỗi chăn nuôi tuần hoàn bò sữa Mộc Châu

Thứ Sáu 29/04/2022 , 09:23 (GMT+7)

Một trong những ưu tiên hàng đầu của Mộc Châu Milk là công nghệ xử lý chất thải bò sữa phải thân thiện, an toàn, mang lại môi trường trong lành...

Mộc Châu Milk đặt ra mục tiêu chất thải phải được tái sử dụng thành phân bón giúp giảm chi phí đầu tư cho dàn bò, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Ảnh: Phạm Hiếu.

Mộc Châu Milk đặt ra mục tiêu chất thải phải được tái sử dụng thành phân bón giúp giảm chi phí đầu tư cho dàn bò, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Ảnh: Phạm Hiếu.

Một trong những ưu tiên hàng đầu của Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) là công nghệ xử lý chất thải bò sữa phải thân thiện. Chất thải phải được tái sử dụng thành phân bón giúp giảm chi phí chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế và đảm bảo sức khỏe người nông dân.

100% hộ nuôi áp dụng

Để đạt được mục tiêu đó, từ năm 2016 đến nay, 100% các trại chăn nuôi cung cấp sữa nguyên liệu cho Mộc Châu Milk tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã ứng dụng công nghệ sinh học Enviro MCM, kết hợp vi sinh vật hữu hiệu và enzyme xử lý môi trường để xử lý nước thải và phân thải từ hoạt động chăn nuôi bò sữa, đồng thời tái sử dụng nước thải và phân thải chăn nuôi vào sản xuất nông nghiệp.

Sở hữu chuồng 70 con bò sữa, sau khi ứng dụng công nghệ sinh học xử lý chất thải, chị Trần Thu Hương (Tiểu khu 19/5, thị trấn Nông trường Mộc Châu) cho biết, chuồng trại nuôi bò của chị đã không còn mùi hôi, không còn ruồi muỗi như trước.

“Sau khi phun chế phẩm sinh học khử mùi trong chuồng, tôi sẽ đổ vi sinh đã ủ lên men vào bể chứa nước phân để xử lý. Lợi ích lớn nhất khi xử lý chất thải bằng công nghệ sinh học là môi trường sống, môi trường chăn nuôi được đảm bảo vệ sinh, chuồng trại sạch sẽ, bớt mùi hôi, bớt vi khuẩn. Chắc chắn sức khỏe của người chăn nuôi chúng tôi được đảm bảo hơn”, chị Hương chia sẻ.

Gia đình ông Trần Ngọc Lâm tại Tiểu khu 26/7 cho hay, chuồng trại được xử lý bằng vi sinh đã bớt mùi đi rất nhiều, môi trường được cải thiện. Quy trình xử lý rất đơn giản, dễ thực hiện. Chỉ cần lọc cặn nước thải, sau đó cho vi sinh vào các bể chứa trong hệ thống xử lý rồi dẫn nước ở bể khử trùng cuối hệ thống ra đồng tưới cỏ.

Chế phẩm vi sinh xử lý chất thải chăn nuôi. Ảnh: Phạm Hiếu.

Chế phẩm vi sinh xử lý chất thải chăn nuôi. Ảnh: Phạm Hiếu.

Khảo sát thực tế tại các chuồng trại, bà Bùi Thị Hồng Hà, Trưởng phòng Vi sinh nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp Hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), nhận định công tác xử lý chất thải của người chăn nuôi bò sữa tại Mộc Châu cơ bản được thực hiện đúng quy trình, hiệu quả mang lại rõ.

“Đánh giá cảm quan, trực quan về quy trình công nghệ đang áp dụng, có thể thấy hiệu quả rõ rệt nhất là giảm thiểu mùi hôi phát thải từ chuồng bò và khu vực tập trung chất thải. Toàn bộ chất thải hữu cơ từ trại bò chuyển đổi thành phân bón hữu cơ dạng nước và dạng rắn phục vụ trồng cây thức ăn cho bò.

Năng suất cây thức ăn tăng từ 20-30% so với trước khi ứng dụng quy trình công nghệ xử lý chất thải. Đặc biệt, quy trình ứng dụng đơn giản, dễ hiểu và dễ làm, qua đó bảo vệ môi trường không khí quanh gia trại và trong vùng chăn nuôi, đảm bảo sức khỏe cho người và vật nuôi”, bà Hà phân tích.

Người chăn nuôi tại thị trấn Nông trường Mộc Châu đánh giá, sau khi được tưới, bón bằng chất thải đã được xử lý, cây cỏ voi hay ngô sinh khối phát triển tốt hơn, cho năng suất và chất lượng cao hơn. Đặc biệt, sức ăn của bò sữa tăng cao do thức ăn nhiều chất dinh dưỡng, chất lượng sữa theo đó được cải thiện.

Nước thải chăn nuôi sau khi được xử lý bằng chế phẩm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nước thải chăn nuôi sau khi được xử lý bằng chế phẩm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Hướng đến kinh tế tuần hoàn

Theo bà Bùi Thị Hồng Hà, phát triển bền vững là một khái niệm còn tương đối trừu tượng. Tại nhiều nơi, đối với nhiều người nông dân dù đang hoạt động tại lĩnh vực chăn nuôi hay trồng trọt đều chưa nhận thức đầy đủ khái niệm đó.

Thế nhưng người nông dân tại Mộc Châu thì khác. Từ năm 2016, họ đã thấy được giá trị phát triển bền vững trong chăn nuôi. Qua đó, người chăn nuôi đã tận dụng gần như 100% chất thải rắn và nước thải để bón, tưới cho cây trồng.

“Họ đã tự nhận thức được việc ứng dụng quy trình xử lý chất thải chăn nuôi bằng vi sinh vật biến phân và nước thải thành những phế phẩm có giá trị kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng cho thức ăn chăn nuôi, chất lượng sữa bò, môi trường chăn nuôi được đảm bảo”, bà Hà chia sẻ.

Cụ thể, nước thải chăn nuôi sau khi được xử lý bằng công nghệ sinh học có hàm lượng dinh dưỡng cao, chứa nhiều nguyên tố đa, trung và vi lượng cần thiết cho sự sinh trưởng phát triển bền vững của cây trồng.

Chất thải rắn trại bò sữa (phân bò, thức ăn thừa, cặn từ quá trình xử lý nước thải chuồng trại) được thu gom hàng ngày và xử lý bằng chế phẩm vi sinh tại các bãi ủ tập trung. Phân ủ sau xử lý có màu nâu đen, tơi xốp và không còn mùi hôi, chất lượng tốt, đảm bảo các tiêu chuẩn về mật độ vi sinh vật gây hại E.coli và Salmonella.

Phân ủ bò sữa có thể sử dụng như một loại phân hữu cơ tốt nâng cao năng suất cây trồng hoặc như một nguồn nguyên liệu để sản xuất phân phân hữu cơ khoáng hoặc phân hữu cơ vi sinh.

Sau khi được tưới, bón bằng chất thải đã được xử lý bằng công nghệ sinh học, cây cỏ voi phát triển tốt hơn, cho năng suất và chất lượng cao hơn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Sau khi được tưới, bón bằng chất thải đã được xử lý bằng công nghệ sinh học, cây cỏ voi phát triển tốt hơn, cho năng suất và chất lượng cao hơn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Chia sẻ về hướng hỗ trợ người chăn nuôi Mộc Châu phát triển trong thời gian tới, bà Bùi Thị Hồng Hà cho biết, bên cạnh việc đồng hành cùng người dân trong khâu xử lý chất thải, nhóm chuyên gia của Trung tâm Nông nghiệp Hữu cơ đã và đang nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học vào nhiều vấn đề liên quan đến công tác thú y phòng bệnh, nâng cao chất lượng sữa, và giải pháp chuyển đổi dần sang quy trình sản xuất chăn nuôi bò sữa hữu cơ quy mô hộ gia đình.

Nhóm chuyên gia cũng sẽ xây dựng các đề xuất với lãnh đạo Mộc Châu Milk để phát triển mô hình chăn nuôi bò hữu cơ theo quy mô nhỏ, quy mô điểm để chuyển giao công nghệ cho những hộ dân muốn học hỏi.

“Với quy mô nhỏ, đầu ra của sản phẩm chăn nuôi hữu cơ sẽ không có nguy cơ bị rơi vào tình trạng dư thừa trên thị trường. Với giá trị dinh dưỡng cao, quy trình chăn nuôi tốt, sản phẩm sữa Mộc Châu sẽ được người tiêu dùng tin tưởng và đặt hàng với giá trị gia tăng nhiều hơn cho người chăn nuôi”, bà Hà cho hay.

Có thể áp dụng cho nhiều vùng chăn nuôi khác

Theo ông Trần Xuân Thành, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mộc Châu, nhiều năm nay, địa phương luôn dành sự quan tâm trong công tác xử lý chất thải trong chăn nuôi.

Với hơn 500 hộ chăn nuôi quy mô gia trại, huyện Mộc Châu đang đẩy mạnh xây dựng các mô hình trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Các doanh nghiệp, đơn vị sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo hệ thống xử lý chất thải hoạt động hiệu quả.

Việc bảo vệ môi trường chăn nuôi của các trại bò ở Mộc Châu đang được thực hiện tốt và quy trình xử lý chất thải này có thể áp dụng tốt cho các gia trại chăn nuôi ở những vùng chăn nuôi khác.

Xem thêm
Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Phòng trừ sâu đục lá cà chua Nam Mỹ

SƠN LA Thiệt hại do sâu đục lá cà chua Nam Mỹ gây ra có thể lên tới 80 - 100% nếu không có các biện pháp quản lý hiệu quả.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...