"Đại dịch Covid-19 đã làm cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực bị đứt gãy, đình trệ; tình hình lao động, việc làm, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực", Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết tại Hội thảo chuyên đề "Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid-19”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 diễn ra ngày 5/6 tại TP.HCM.
Vấn đề phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid-19 được đặt ra như một yêu cầu cấp bách trong tình hình bình thường mới.
Theo Thứ trưởng Thanh, ảnh hưởng Covid-19 khiến cho nguồn cung lao động bị suy giảm nghiêm trọng, số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, trong đó lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên giảm mạnh nhất vào quý III/2021, chỉ còn 49,1 triệu người; lực lượng lao động có việc làm quý IV/2021 là 49,07 triệu người, thấp hơn 1,79 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao, đạt đỉnh cao nhất là quý III/2021 là 3,98% (hơn 1,7 triệu lao động); tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị cao nhất vào quý III/2021 là 5,54%. Khoảng 1,3 triệu lao động dịch chuyển từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh.
Đặc biệt, tiền lương, thu nhập của người lao động giảm, đời sống của người lao động khó khăn, trong đó thu nhập bình quân tháng của lao động từ 6,7 triệu đồng năm 2019 còn 5,3 triệu đồng năm 2021, giảm sâu nhất là vào quý III/2021 chỉ còn là 5,2 triệu đồng.
"Điều này làm cho cuộc sống của người lao động, đặc biệt lao động ngoại tỉnh càng khó khăn thêm. Quan hệ lao động bị xáo trộn với nhiều tiêu chuẩn lao động đã không được thực thi đầy đủ từ hai phía: người sử dụng lao động và người lao động, nhiều lao động thiết lập được quan hệ lao động ổn định trong nhiều năm chuyển sang thiếu ổn định", ông Thanh nhìn nhận.
Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, hiện nguồn cung lao động đang dần tăng trở lại, trong đó Quý I/2022 lực lượng lao động là 51,2 triệu người, tăng 160 ngàn người so với cùng kỳ năm trước, tăng 440.000 người so với quý IV/2021.
Xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động quay trở lại chiều hướng tích cực, trong đó giảm lao động trong khu vực nông nghiệp, tăng lao động trong khu vực công nghiệp, dịch vụ so với quý IV/2021 (tỷ lệ lao động nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ hiện là 27,8% - 33,5% - 38,7%).
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, bên cạnh những tín hiệu khởi sắc, đặc biệt là nguồn cung lao động vẫn đang đặt ra một số vấn đề: cung lao động chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt đối với lao động có trình độ chuyên môn cao.
Một số địa phương, khu vực, ngành nghề vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, thiếu hụt nguồn cung cục bộ. Riêng trong quý I/2022 thiếu hụt lao động cục bộ khoảng 120.000 lao động, cao hơn những năm trước khoảng 2-3%, chủ yếu thiếu hụt lao động phổ thông ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài như du lịch, giáo dục...
Trình độ người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu công nghệ, nhất là giai đoạn phục hồi, nhiều doanh nghiệp đang rất tích cực thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0.
Cơ cấu lao động giữa khu vực chính thức và phi chính thức chưa trở lại trạng thái trước khi có dịch bệnh và đang thiếu những động lực tích cực để thúc đẩy cho sự chuyển dịch mạnh mẽ số lao động phi chính thức sang chính thức; Khả năng kết nối cung - cầu, giới thiệu việc làm đáp ứng yêu cầu thị trường cũng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tế.
"Hiện Bộ LĐ-TB&XH cũng đã đề xuất và triển khai nhiều giải pháp để phục hồi thị trường lao động như tập trung đảm bảo an sinh xã hội cơ bản cho người lao động; cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng cho người lao động để đáp ứng chuyển đổi số; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng cường kết nối cung - cầu lao động để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực. Tuy nhiên, những giải pháp trên mới chỉ đáp ứng một phần yêu cầu của thị trường lao động và còn rất nhiều vấn đề đặt ra", Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhìn nhận.
Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, cần tập trung phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất. Trong đó, cần tạo môi trường phục hồi và phát triển thị trường lao động, đáp ứng cao nhất nhu cầu phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng lao động; tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật về quan hệ cung - cầu lao động…
Đặc biệt, hoàn thiện nâng cao chất lượng của hệ thống thông tin thị trường lao động, hệ thống trung tâm việc làm. “Cần sớm cải tiến, hoàn thiện chính sách về tiền lương, an sinh xã hội, sửa đổi toàn diện chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nâng cấp chuẩn nhà trọ hiện hữu. Tiếp tục đổi mới chủ trương, chính sách và triển khai có hiệu quả quy định về thu hút đầu tư trong và ngoài nước khắc phục tình trạng tập trung nhiều dự án đầu tư ở một địa phương, tạo sức ép hạ tầng và thiếu lao động cục bộ, gia tăng lao động di cư”, ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội thì cho rằng, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan phù hợp với Bộ luật Lao động nhằm giảm tỷ lệ lao động phi chính thức. Trong đó, hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho lao động, phát triển các tổ chức tài chính và tài chính vi mô dành cho khu vực kinh tế phi chính thức.
“Chính phủ cũng cần cân đối ngân sách để triển khai thực hiện Đề án “Thống kê khu vực kinh tế phi chính thức”, có chính sách hỗ trợ để khu vực kinh tế phi chính thức phát triển đúng mực, khuyến khích cơ sở kinh doanh thuộc khu vực phi chính thức chuyển sang khu vực doanh nghiệp”, TS Bùi Sỹ Lợi nói.
Theo bà Ingrid Christensen, Giám đốc Quốc gia văn phòng ILO tại Việt Nam, kinh tế phi chính thức đang đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam nhưng người lao động (bao gồm cả phụ nữ và nam giới) có việc làm phi chính thức đều không được hưởng sự bảo vệ đầy đủ từ pháp luật lao động. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tỷ trọng kinh tế phi chính thức lớn có thể cản trở tiềm năng phát triển của một quốc gia.
Bà Ingrid Christensen cho biết, khuyến nghị 204 là công cụ quốc tế duy nhất về "chuyển dịch từ kinh tế phi chính thức sang kinh tế chính thức". Khuyến nghị ghi nhận sự đóng góp quan trọng của kinh tế phi chính thức đối với các nền kinh tế và xã hội. Khuyến nghị cũng mô tả những gì các quốc gia thành viên cần làm, để giải quyết nhu cầu của lao động phi chính thức. Khuyến nghị nêu rõ rằng sự đa dạng của kinh tế phi chính thức đòi hỏi các quốc gia phải xây dựng một loạt các chính sách phối hợp để mở rộng khu vực chính thức và hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm chính thức; bảo đảm quyền lợi và an sinh xã hội cho tất cả người lao động; hỗ trợ đối thoại xã hội (cũng trong quá trình chính thức hóa); và đảm bảo cơ sở dữ liệu có sẵn đáng tin cậy.
"Đây không phải là trách nhiệm của một Bộ mà liên quan đến nhiều cơ quan ở các cấp khác nhau, nhiều đối tác khác nhau trong quá trình cải cách, theo cơ chế phối hợp thích hợp và khung chính sách bao quát", Giám đốc Quốc gia văn phòng ILO tại Việt Nam nói.