| Hotline: 0983.970.780

Phát triển kinh tế rừng gắn với giảm nghèo bền vững

Thứ Tư 05/06/2024 , 16:06 (GMT+7)

Từ nhiều năm nay, tỉnh Đắk Nông đã chú trọng công tác bảo vệ rừng bằng việc triển khai nhiều chủ trương để phát triển kinh tế rừng bền vững và lâu dài.

Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có hơn 248.000ha rừng, trong đó có khoảng 196.358ha rừng tự nhiên. Đây là một trong những nguồn tiềm năng kinh tế lớn giúp người dân ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, nhằm bắt kịp xu hướng phát triển kinh tế rừng bền vững, tỉnh đang chủ động triển khai xây dựng tín chỉ carbon. Đây được coi là tiềm năng kinh tế rất lớn của tỉnh Đắk Nông.

UBND tỉnh Đắk Nông vừa phê duyệt đề án phát triển rừng tự nhiên gắn với phát triển kinh tế - xã hội, ổn định dân cư giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án này có kinh phí thực hiện gần 893 tỉ đồng, do Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư.

Đề án này lấy trọng tâm là việc bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên gắn với phát triển kinh tế - xã hội và ổn định dân cư sống trong rừng và gần rừng. Bên cạnh đó, đặt ra mục tiêu nâng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt trên 40% vào năm 2025 và trên 42% năm 2030, tương đương với mức bình quân của cả nước.

Con suối trong lõi rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, một trong những địa điểm thiên nhiên hoang sơ, tuyệt đẹp, thu hút khách du lịch. Ảnh: HT.

Con suối trong lõi rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, một trong những địa điểm thiên nhiên hoang sơ, tuyệt đẹp, thu hút khách du lịch. Ảnh: HT.

Công tác bảo tồn, phát triển cũng như theo dõi, giám sát, cứu hộ và phát triển sinh vật rừng cũng được đề án quan tâm. Đặc biệt là các loài động, thực vật nguy cấp trong các khu rừng có giá trị bảo tồn cao, giảm tối đa các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.

Ngoài việc quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên, tỉnh Đắk Nông sẽ chú trọng phát triển kinh tế rừng. Các mô hình phát triển kinh tế rừng như nuôi heo, bò, dê dưới tán rừng; khai thác lồ ô, tre nứa; trồng cây đặc sản trong rừng tự nhiên; trồng dược liệu dưới tán rừng; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng…góp phần tăng doanh thu cho các đơn vị quản lý và bảo vệ rừng.

Một trong những đơn vị đi đầu trong công tác giao khoán rừng cho dân từ nhiều năm nay là VQG Tà Đùng, huyện Đắk Glong. Ông Khương Thanh Long, Giám đốc VQG Tà Đùng cho biết, nhờ giao rừng cho dân, cùng dân chung tay bảo vệ rừng mà tình trạng phá rừng từ nhiều năm nay không còn. “Có hơn 200 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Mạ, sinh sống quanh VQG Tà Đùng được giao khoán hơn 6.000ha rừng. Với mức chi trả trung bình từ 693.000 đồng đến 1,028 triệu đồng/ha/năm, trung bình mỗi năm, một hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng sẽ có thu nhập từ 20,8 đến 30,8 triệu đồng”, ông Long nói.

Theo ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông, tỉnh đã có đề án phát triển rừng tự nhiên gắn với phát triển kinh tế, xã hội, ổn định dân cư giai đoạn 2022 - 2030 với tổng kinh phí hơn 890 tỷ đồng. Trong đó, mục tiêu là nâng tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2025 đạt trên 40% và đến năm 2030 đạt trên 42%. Ngoài ra, tỉnh cũng xây dựng thí điểm 15 mô hình phát triển kinh tế rừng; thu hút 6 dự án đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và cho thuê dịch vụ môi trường phát triển du lịch.

Cây giáng hương 437 tuổi trong rừng phòng hộ Thác Mơ, một trong những địa điểm có nhiều tiềm năng lớn phát triển du lịch. Ảnh: HT.

Cây giáng hương 437 tuổi trong rừng phòng hộ Thác Mơ, một trong những địa điểm có nhiều tiềm năng lớn phát triển du lịch. Ảnh: HT.

Được biết, cùng với 11 tỉnh thành Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đắk Nông dự kiến tham gia Thỏa thuận mua bán giảm phát thải từ rừng vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ (ERPA) trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và Tổ chức tăng cường tài chính lâm nghiệp Emergent - Tổ chức điều phối của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (Liên minh LEAF). 

Hiện có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ áp dụng công cụ định giá carbon, với tổng lượng khí nhà kính được kiểm soát 12 tỷ tấn CO2. Đây là hướng đi tiềm năng bởi tính riêng năm 2019, nguồn thu từ định giá carbon toàn cầu lên đến 45 tỷ USD. Tại Việt Nam, ước tính có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ, mỗi năm, có thể thu về hàng trăm triệu USD.

Đắk Nông hiện có gần 290.000ha đất lâm nghiệp, chiếm 45% diện tích tự nhiên. Tổng diện tích đất có rừng theo rà soát là khoảng 248.000ha. Đắk Nông được các chuyên gia nhận định là khu vực có tiềm năng lớn cho việc phát triển thị trường tín chỉ carbon về rừng.

Và theo đánh giá sơ bộ của chuyên gia, nếu Đắk Nông bảo vệ tốt hiện trạng rừng hiện có và gia tăng diện tích rừng lên gần 88.000ha năm 2030, thì số lượng carbon rừng Đắk Nông có thể hấp thụ thêm là 1,5 triệu tấn, tạo ra doanh thu khoảng 7,5 triệu USD mỗi năm (tính theo giá 5 USD/1 tín chỉ). 

Theo ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, tỉnh đã xây dựng phương án quản lý và bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên hiện có. Tiếp theo là sẽ triển khai phát triển các loại cây trồng đa mục đích, được công nhận hiệu quả về kinh tế, tăng độ che phủ, và mang lại tín chỉ carbon. “Chúng tôi đang bám sát Nghị quyết của Trung ương, cơ chế chính sách hiện tại để xây dựng điểm vấn đề tín chỉ carbon. Tỉnh đang đồng bộ việc phát triển rừng, chống biến đổi khí hậu gắn với dịch vụ môi trường rừng để xây dựng tín chỉ carbon và bán trên thị trường trong tương lai”, ông Yên nhấn mạnh.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.