Rừng gỗ lớn "tăng tốc" diện tích
Ở Bình Định, tiên phong thực hiện chủ trương phát triển rừng gỗ lớn có 3 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp gồm: Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh và Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn. Ngoài ra, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp ngoài tỉnh cũng về Bình Định liên kết với hộ trồng rừng chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. Bên cạnh đó, nhiều hộ trồng rừng ở Bình Định cũng đã ý thức được lợi ích của rừng gỗ lớn nên đã từng bước chuyển hóa rừng.
Đến nay, trên địa bàn Bình Định đã có 3.175ha rừng gỗ lớn, phấn đấu hết năm nay tăng đến 4.450ha, hướng đến mục tiêu 10.000ha trong năm 2025 và 30.000ha vào năm 2035. Mới đây, UBND huyện An Lão (Bình Định) đã có văn bản đăng ký với Sở NN-PTNT Bình Định kế hoạch trồng 1.000ha rừng gỗ lớn giai đoạn 2023 - 2025 với các loại cây trồng hỗn giao gồm keo lai và sao đen tại 10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Mùa trồng rừng năm 2023, An Lão sẽ khởi động trồng 100ha, năm 2024 trồng 380ha và năm 2025 trồng 520ha.
Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn là một trong những đơn vị trồng rừng gỗ lớn sớm nhất Bình Định. Từ năm 2012, đơn vị này đã thực hiện trồng 30ha rừng gỗ lớn tại xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn, Bình Định), diện tích này được khai thác trong năm 2023. Đến năm 2015, đơn vị này tiếp tục trồng 170ha rừng gỗ lớn tại xã Đăk Mang (huyện Hoài Ân, Bình Định), trong diện tích này, dự kiến năm 2024 sẽ khai thác 80ha, năm 2025 khai thác 90ha. Năm 2016, Công ty này tiếp tục trồng 92ha tại 2 xã Đăk Mang và xã Bok Tới (huyện Hoài Ân), diện tích này dự kiến sẽ khai thác vào năm 2026.
Năm 2018, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn quay lại xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn) trồng thêm 20ha, sang năm 2020, cũng tại xã Tây Thuận, đơn vị này trồng thêm 26ha, những diện tích nói trên sẽ khai thác vào năm 2028 và 2030. Hai năm 2021 và 2022, đơn vị này cũng đã trồng thêm được gần 180ha tại xã Đăk Mang (huyện Hoài Ân).
Giai đoạn 2023 - 2025, theo kế hoạch, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn sẽ khai thác rừng trồng gỗ nhỏ và trồng lại rừng gỗ lớn với diện tích gần 287ha. Trong đó, năm 2023 sẽ khai thác, trồng lại rừng gỗ lớn trên địa bàn 2 xã Đăk Mang và Bok Tới (huyện Hoài Ân) hơn 89ha, diện tích này dự kiến khai thác vào năm 2032; năm 2024 tiếp tục thực hiện tại 2 xã Đăk Mang, Bok Tới (huyện Hoài Ân) và xã Vĩnh Quang (huyện Vĩnh Thạnh) với diện tích 117,5ha, diện tích này dự kiến sẽ khai thác vào năm 2033. Năm 2025, đơn vị này có kế hoạch trồng mới tại xã Đăk Mang 80ha, diện tích này dự kiến sẽ khai thác vào năm 2034.
Theo ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, chi phí trồng rừng gỗ lớn bình quân hơn 72,6 triệu đồng/ha. Vốn đầu tư trồng rừng gỗ lớn là vốn sản xuất kinh doanh của Công ty và vốn vay.
Theo Dự án Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2021 - 2025 của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, đơn vị này được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt vay vốn ngân hàng thương mại 10,8 tỷ đồng để thực hiện trồng rừng gỗ lớn. Tuy nhiên, lãi suất của ngân hàng thương mại quá cao nên Công ty gặp không ít khó khăn.
“Một khó khăn khác trong phát triển rừng gỗ lớn là về giống cây lâm nghiệp. Rừng gỗ lớn chủ yếu trồng cây keo lai, thế nhưng gần đây nhiều diện tích rừng keo xuất hiện bệnh chết héo hàng loạt, chưa có biện pháp khắc phục, cũng như chưa tìm được loài cây phù hợp để phát triển rừng gỗ lớn”, ông Nguyễn Ngọc Đạo chia sẻ.
Người trồng rừng khát vốn
Nhìn cánh rừng trồng theo định hướng gỗ lớn hiện đã 5 năm tuổi của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn trồng tại xã Bình Tân (huyện Tây Sơn, Bình Định), chúng tôi thấy cây rừng đang vươn cao khỏe mạnh, đều tăm tắp, hứa hẹn thời gian tới sẽ còn phát triển nhanh hơn nữa.
Ông Đặng Hồng Hoàng, Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Bình Tân (thuộc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn) cho hay: Cánh rừng này được Công ty trồng vào năm 2017. Trước đây, mỗi ha rừng được trồng 3.260 cây keo. Đến năm 2023, khi cây rừng đạt 5 năm tuổi, Trạm đã tiến hành tỉa thưa và bắt đầu nuôi rừng gỗ lớn.
Vừa dẫn chúng tôi tham quan cánh rừng, anh Hoàng tiếp tục câu chuyện: "Khi tỉa thưa, nhân viên của Công ty dùng sơn đỏ dánh dấu những cây sẽ để lại nuôi thành rừng gỗ lớn, mỗi ha chỉ để lại 400 cây, số còn lại được khai thác. 400 cây keo chọn để lại được bố trí với mật độ rất đều, sau đó trồng xen vào giữa những cây keo lai 400 cây lim/ha.
“Sau khi tỉa thưa, rừng được quang hợp tốt nên từ năm thứ 5 trở đi cây rừng sẽ phát triển mạnh. Bây giờ, để trồng rừng gỗ lớn người ta chỉ trồng từ 1.600 - 2.000 cây/ha, có nơi chỉ trồng từ 1.100 - 1.600 cây/ha, trồng thưa để 5 năm đầu cây rừng có sức phát triển tốt hơn. Rừng gỗ lớn cũng không trồng cây keo giống giâm hom nữa, mà chỉ trồng cây keo cấy mô. Giống keo cấy mô ít sâu bệnh lại có sức chống chịu với gió bão tốt hơn”, anh Đặng Hồng Hoàng chia sẻ.
Theo phân tích của ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, rừng trồng đến năm thứ 3 cây bắt đầu cho sinh khối, những năm tiếp theo mức tăng trưởng ngày càng cao. Nếu nuôi rừng đến năm thứ 6 sẽ cho năng suất đạt 120 tấn/ha, sang năm thứ 7 năng suất tăng lên 160 tấn/ha, đến năm thứ 8 năng suất tiếp tục tăng thêm đến 180 tấn/ha.
“Rừng trồng mới năm thứ 3, thứ 4 đã khai thác thì năng suất rất thấp, chỉ khoảng 60 tấn/ha. Tính bình quân gỗ rừng trồng có giá 1,2 triệu đồng/tấn, 1ha rừng chỉ thu được 72 triệu đồng. Sau khi trừ công khai thác, vận chuyển, công đào hố để trồng lại, mua cây giống… người trồng rừng chẳng còn cầm được bao nhiêu tiền.
Nếu nuôi rừng đến 8 năm, khi ấy năng suất đạt 180 tấn/ha, kích cỡ cây rừng cũng đủ tiêu chuẩn đưa vào chế biến nên giá bán cũng tăng thêm khoảng 30%, người trồng được lợi kép. Để nghề trồng rừng trở thành ngành kinh tế phải bắt đầu từ trồng rừng gỗ lớn”, ông Đạo chia sẻ.
Vấn đề về tài chính là một trong những ngáng trở lớn trong phát triển rừng gỗ lớn ở Bình Định hiện nay. Bởi chu kỳ khai thác rừng trồng gỗ lớn phải kéo dài đến 8 - 10 năm, người trồng rừng cần có nhiều vốn để vừa đầu tư cho rừng, vừa trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình.
Trong khi đó, hầu hết người trồng rừng đều là cư dân sống ven rừng có cuộc sống khó khăn, nên không có điều kiện nuôi rừng gỗ lớn. Nếu ai có đủ khả năng nuôi rừng gỗ lớn thì lại lo cây rừng đứng trên đất nhiều năm, miền Trung lại là vùng thường xuyên có gió bão nên rủi ro bị gió bão làm gãy là rất cao.
Thế nhưng theo kinh nghiệm của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, cây keo lai có sức sống rất mãnh liệt, nhất là đối với giống cấy mô. Dù bị gió bão quật ngã rạp sát mặt đất, thời gian sau dù không ai dựng chúng cũng tự đứng dậy, bởi cây có tính hướng sáng.
“Cách đây 5 năm, diện rừng gỗ lớn của Công ty trồng tại xã Đăk Mang (huyện Hoài Ân) vào năm 2015 bị bão xô ngã rạp cả hàng trăm ha, nhiều cây bị gãy đọt. Khi ấy Công ty đánh giá mức thiệt hại ít nhất cũng 30%. Thế nhưng hiện nay, cánh rừng bị bão quật ngã này đã tự đứng dậy thẳng tắp, keo mới 8 năm tuổi, lại đã từng bị đổ ngã mà năng suất hiện ước đạt 170 tấn/ha”, ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn chia sẻ.