| Hotline: 0983.970.780

Phát triển kinh tế trang trại vùng dân tộc thiểu số

Thứ Hai 28/06/2021 , 16:00 (GMT+7)

QUẢNG NINH Huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 81%, hiện địa phương này chọn giải pháp phát triển kinh tế trang trại để nâng cao thu nhập.

Mô hình nuôi gà của hộ anh Chìu Quý Nguyên, xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Viết Cường.

Mô hình nuôi gà của hộ anh Chìu Quý Nguyên, xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Viết Cường.

Những năm qua, huyện Ba Chẽ thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích người dân mở rộng quy mô sản xuất bằng việc phát triển các mô hình trang trại, gia trại. Qua đó, giúp người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập và vươn lên làm giàu.

Hiện trên địa bàn huyện Ba Chẽ có trên 19 trang trại, gia trại, bao gồm các trang trại, gia trại tổng hợp, trồng cây ăn quả, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản. Phần lớn các mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và chủ trang trại.

Điển hình như mô hình trang trại của gia đình anh Chìu Quý Nguyên, xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ. Gia đình anh đã được huyện hỗ trợ kinh phí để phát triển mô hình trang trại nuôi gà thương phẩm.

Anh Nguyên chia sẻ: Trước đây, kinh tế gia đình tôi chủ yếu phụ thuộc vào trồng rừng là chính. Năm 2018, sau khi được tham gia một số lớp tập huấn của huyện về phát triển các mô hình kinh tế và được nhận hỗ trợ, tạo điều kiện của huyện, gia đình tôi mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng trang trại nuôi gà thương phẩm với diện tích hơn 2ha. Tới nay, trang trại gà của gia đình phát triển tốt với quy mô khoảng 5.600 con gà, cho thu nhập khoảng 250 triệu đồng/năm.

Cũng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, anh Chìu Tiến Minh, thôn Đồng Khoang, xã Đạp Thanh đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi dành cho nhóm đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế và thanh niên khởi nghiệp của huyện để đầu tư mô hình nuôi nuôi ếch thương phẩm ngay trên chính mảnh đất của gia đình sinh sống.

Thời điểm giữa năm 2018, mô hình nuôi ếch thương phẩm chưa có ai phát triển tại Ba Chẽ. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thị trường, anh Minh thấy mô hình này rất có triển vọng, nên đã mạnh dạn đầu tư, vay vốn của bạn bè, người thân để thử nghiệm xây dựng khu nuôi, nhập 3.000 con ếch về nuôi, nhân giống.

Phát triển mô hình mới bao giờ cũng gặp khó khăn vì thiếu kinh nghiệm thực tế, do đó thất bại bước đầu cũng là điều khó tránh. Tuy nhiên, anh Minh không nản chí, tiếp tục học hỏi và sẵn sàng đầu tư thêm nhiều máy móc, sản phẩm chăn nuôi.

Nhờ vậy, đến giữa năm 2019, gia đình anh Minh đã bán được mẻ ếch đầu tiên cho các thương lái và nhà hàng trên địa bàn huyện, doanh thu trên 50 triệu đồng. "Thời gian tới, tôi tiếp tục huy động vốn để phát triển mô hình, mở rộng thị trường tiêu thụ ra các địa bàn khác”, anh Chìu Tiến Minh chia sẻ.

Bên cạnh nuôi ếch thương phẩm, anh Chìu Tiến Minh đang trồng thử nghiệm 1.000 gốc cam V2 và nuôi cá rô phi, cá trê, chim. Thu nhập của gia đình anh hiện khá ổn định, từ 60-70 triệu đồng/năm. Từ năm 2018 gia đình anh đã thoát cận nghèo.

Đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) ngày càng mạnh dạn hơn trong việc phát triển kinh tế trang trại. Ảnh: Viết Cường.

Đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) ngày càng mạnh dạn hơn trong việc phát triển kinh tế trang trại. Ảnh: Viết Cường.

Để người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng thuộc đồng bào dân tộc thiểu số phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại hiệu quả cao, huyện ba Chẽ đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của huyện về phát triển kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các hộ dân làm kinh tế gia trại, trang trại, hỗ trợ tối đa chuyển giao công nghệ, các gói vốn vay phù hợp.

Ông Vi Thanh Vinh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ba Chẽ, cho biết: Mô hình trang trại, gia trại đã góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, nâng cao đời sống, thu nhập cho nhân dân trên địa bàn huyện. Để duy trì và phát triển các mô hình kinh tế gia trại, trang trại phát triển bền vững, huyện tập trung công tác quy hoạch các vùng có tiềm năng về phát triển kinh tế trang trại, gia trại trên địa bàn để phát huy những tiềm năng lợi thế của địa phương.

Đồng thời, khuyến khích phát triển trang trại theo hướng chuyên canh, sử dụng giống cây, giống con có năng suất, chất lượng tốt, thích nghi với điều kiện, thổ nhưỡng và phát triển kinh tế trang trại gắn với tiêu thụ sản phẩm để khuyến khích các hoạt động thương mại, giải quyết đầu ra cho sản phẩm, tạo sự phát triển bền vững.

Xem thêm
Rau quả Việt Nam có cơ hội ở Thụy Điển nhờ khác biệt mùa vụ

Thụy Điển là thị trường có tiềm năng lớn với rau quả Việt Nam, do thị trường này nhập khẩu rau quả với khối lượng lớn và sự khác biệt về mùa vụ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Syngenta hỗ trợ xây trường học và nhà ở cho hộ nghèo

ĐẮK LẮK Syngenta Việt Nam hỗ trợ xây nhà ở cho 2 gia đình có hoàn cảnh khó khăn và 1 điểm trường tại xã Tân Tiến và Vụ Bổn (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk).