| Hotline: 0983.970.780

Phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi

Thứ Tư 01/12/2021 , 17:05 (GMT+7)

Mới đây, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình tổ chức diễn đàn khuyến nông về 'Giải pháp phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi'.

Hiểu đúng về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nông nghiệp tuần hoàn nói chung và chăn nuôi tuần hoàn nói riêng là hoạt động sản xuất không chất thải, không phế phẩm.

Ứng dụng kỹ thuật truyền thống và những tiến bộ khoa học để xử lý phụ phẩm, chất thải trong quá trình sản xuất thành giá trị hữu ích, tái sử dụng trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ và tái sinh môi trường là hướng đi bền vững trong định hướng phát triển ngành chăn nuôi.

Xây dựng hầm biogas trong xử lý chất thải chăn nuôi. Ảnh: TL.

Xây dựng hầm biogas trong xử lý chất thải chăn nuôi. Ảnh: TL.

Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Phát triển kinh tế tuần hoàn đã và đang là xu hướng của các quốc gia trên thế giới, nhất là trong bối cảnh nguồn tài nguyên đang ngày càng cạn kiệt. Kinh tế tuần hoàn không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán, tạo thành vòng tuần hoàn trong nền kinh tế.

Kinh tế tuần hoàn mang lại 4 lợi ích cụ thể giúp phát triển bền vững: Tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế và mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. Bên cạnh đó, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín, chất thải và phế phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý.

Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí thất thoát sau thu hoạch; giảm thiểu và đi đến triệt tiêu chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Cũng theo bà Hạnh, ở Việt Nam, hiện nay cách hiểu về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp chưa đầy đủ và đúng nghĩa. Song một số mô hình gắn với kinh tế tuần hoàn đã và đang xuất hiện, tạo cơ hội cho kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp phát triển như: Mô hình vườn ao chuồng (VAC), vườn ao chuồng bioga (VACB), vườn ao chuồng rừng (VACR) tại các tỉnh miền núi, vườn ao hồ (VAH) tại các tỉnh miền trung, lúa tôm, lúa cá...

Nông nghiệp tuần hoàn nói chung và chăn nuôi tuần hoàn nói riêng, là hướng đi bền vững trong định hướng phát triển ngành chăn nuôi. Ảnh: TL.

Nông nghiệp tuần hoàn nói chung và chăn nuôi tuần hoàn nói riêng, là hướng đi bền vững trong định hướng phát triển ngành chăn nuôi. Ảnh: TL.

Tuy nhiên, việc việc phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt nam đang gặp một số khó khăn: Những hướng dẫn về vai trò, lợi ích, bản chất, nội dung, tiêu chí của nông nghiệp tuần hoàn chưa rõ ràng, thậm chí chưa có. Điều này dẫn tới nhận thức của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân còn mơ hồ, chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tự nhiên, sử dụng thuốc BVTV, phân bón vô cơ nên chưa tạo được động lực áp dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

Năng lực tái chế, tái sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp còn rất hạn chế. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ xử lý, chất thải phế phụ phẩm trong nông nghiệp còn thiếu. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, nên việc thu gom, phân loại cũng như đầu tư cho công nghệ tái chế chưa được quan tâm.

Vì vậy, hiện nay mới có 10% phụ phẩm trồng trọt được sử dụng là chất đốt tại chỗ, 5% là nhiên liệu công nghiệp, 3% là thức ăn gia súc, còn 80% chưa được sử dụng và thải trực tiếp ra môi trường hoặc đốt bỏ...

Đề xuất nhiều giải pháp

Tại diễn đàn, tổ tư vấn gồm các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp... có kinh nghiệm trong lĩnh vực chăn nuôi đã giải đáp những thắc mắc, băn khoăn của của các hộ sản xuất về nông nghiệp tuần hoàn, kinh tế tuần hoàn, các quy định, chính sách hiện nay. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đã đóng góp những giải pháp để phát triển kinh tế tuần hoàn hiệu quả trên thực tế.

Tổ tư vấn diễn đàn trả lời, giải đáp những thắc mắc của người dân, doanh nghiệp về các quy định, chính sách xuay quanh kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp tuần hoàn. Ảnh: Trung Quân.

Tổ tư vấn diễn đàn trả lời, giải đáp những thắc mắc của người dân, doanh nghiệp về các quy định, chính sách xuay quanh kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp tuần hoàn. Ảnh: Trung Quân.

Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Công ty Cổ phần T&T 159 Hòa Bình chia sẻ: Nguyên tắc cơ bản trong nền kinh tế tuần hoàn bao gồm: Thiết kế tái sử dụng, khả năng linh động nhờ sự đa dạng, sử dụng năng lượng từ các nguồn vô tận, sử dụng năng lượng từ các nguồn vô tận, tư duy hệ thống và nền tảng sinh học.

Cũng theo ông Thắng, để triển khai được mô hình kinh tế tuần hoàn trong trong nông nghiệp, cần xây dựng một số mô hình thí điểm, với sự tham gia của kinh tế tập thể (hợp tác xã) gắn với kinh tế tư nhân (doanh nghiệp trong hợp tác xã). Từ đó, phát triển hệ sinh thái cho vùng sản xuất nông nghiệp. Trong hệ sinh thái này, doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt, rường cột, làm trung tâm vùng lõi, dẫn dắt thị trường cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, thực hiện dịch vụ kỹ thuật, hậu cần, chế biến...

Song song đó, cần mở rộng liên kết vùng sản xuất theo khu vực, ngành hàng để kết nối phát triển kinh tế tuần hoàn. Trong liên kết này, phế phụ phẩm của đơn vị này được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho đơn vị kia. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, nông dân nhận thức, hiểu biết các mô hình nông nghiệp tuần hoàn để sẵn sàng tham gia và cùng phát huy hiệu quả...

Đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Thọ góp ý: Cần khuyến khích bà con nông dân xử lý trả lại chất đất hữu cơ bằng cách để lại phần phụ cho đất (như thân lá sắn, ngô, cành lá chè sau đốn), tăng cường chế biến phụ phẩm như mùn cưa tạo thành phân bón hữu cơ sử dụng trong nông nghiệp.

Áp dụng các kỹ thuật mới sản xuất phân bón từ phân và chất thải chăn nuôi, khí đốt từ hầm Biogas, sử dụng làm nguyên vật liệu nuôi trồng đối tượng khác để khép kín tuần hoàn sản xuất… Có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư, khai thác, chế biến phế phụ phẩm trong nông nghiệp để tạo ra phân bón và giá thể hữu cơ; đẩy mạnh quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường; xây dựng và nhân rộng các mô hình sử dụng thức ăn chăn nuôi phối trộn, sử dụng phế phẩm sinh học thay thế kháng sinh trong chăn nuôi.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Chuyển đất lúa kém hiệu quả trồng tràm năm gân

NINH BÌNH Việc chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng tràm năm gân giúp người dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình gia tăng giá trị sản xuất và thu nhập.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.