| Hotline: 0983.970.780

Phát triển lâm nghiệp tương xứng với tiềm năng

Thứ Tư 29/12/2021 , 03:55 (GMT+7)

Tại hội nghị tổng kết ngành lâm nghiệp ngày 28/12, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng giá trị xuất khẩu 15,87 tỷ USD năm 2021 là 'siêu kỷ lục'.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết ngành lâm nghiệp. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết ngành lâm nghiệp. Ảnh: Bảo Thắng.

Tăng trưởng ngoạn mục

Ngày 28/12, Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo điều hành năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tới 6 vườn quốc gia thuộc Tổng cục, 4 chi cục kiểm lâm vùng. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp báo cáo một số kết quả mà ngành lâm nghiệp đạt được trong năm 2021. Cụ thể, 100% chỉ tiêu của ngành đều đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Nổi bật là: Giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 15,87 tỷ USD, vượt 20% kế hoạch đề ra, tăng 20% so với năm 2020; thu dịch vụ môi trường rừng đạt 3.115 tỷ đồng, đạt 111% kế hoạch thu năm 2021, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 42,02%, tăng 0,01% tương ứng khoảng 3.300 ha so với năm 2020, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Năm 2021, số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại cơ bản đều giảm so với năm 2020.

Về hợp tác quốc tế, Tổng cục Lâm nghiệp đã tăng cường hợp tác phát triển sản xuất và thúc đẩy thị trường xuất khẩu lâm sản. Hệ thống rừng đặc dụng và phòng hộ với diện tích, cơ cấu đáp ứng cơ bản yêu cầu về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; phát huy hiệu quả chức năng phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ ven biển, chống xói mòn đất đai, sa mạc hóa và giảm nhẹ thiên tai.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, kết quả xuất khẩu 15,87 tỷ USD của ngành lâm nghiệp trong năm 2021 là "siêu kỷ lục" và "không thể hình dung được con số này vào cuối năm 2020". Ông nhấn mạnh: "Lâm nghiệp góp một phần không nhỏ vào thành công chung của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong năm qua".

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đánh giá, rằng giá trị xuất khẩu của ngành lâm nghiệp phản ánh chính xác chất lượng rừng Việt Nam hiện nay. 

Với đặc trưng của ngành lâm nghiệp có nhiều hệ thống văn bản, nhưng năm qua, Tổng cục Lâm nghiệp đã tham mưu đúng tiến độ các văn bản quy phạm pháp luật và các chương trình, đề án để huy động các nguồn lực cho phát triển ngành lâm nghiệp. Trong đó, Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 đã thu hút sự quan tâm, vào cuộc của các bộ, ngành và địa phương. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng cục Lâm nghiệp cũng nhìn nhận những tồn tại hạn chế và nguyên nhân, đặc biệt là sự ảnh hưởng của đại dịch Cvovid-19 đến các hoạt động sản xuất lâm nghiệp.

Ngoài ra, một số điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ tại một số vùng trọng điểm như: Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ còn tồn tại. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân thiếu đất sản xuất, tình trạng di dân tự do, chuyển diện tích đất rừng sang trồng cây công nghiệp, nông nghiệp và khai thác rừng tự nhiên trái phép.

Hội nghị ngành lâm nghiệp ngày 28/12 đề ra nhiều phương hướng, nhiệm vụ cho năm mới 2022. Ảnh: Bảo Thắng.

Hội nghị ngành lâm nghiệp ngày 28/12 đề ra nhiều phương hướng, nhiệm vụ cho năm mới 2022. Ảnh: Bảo Thắng.

10 giải pháp hành động

Năm 2022, ngành lâm nghiệp đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm: Phấn đấu duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng 42%: nâng cao chất lượng rừng; trồng 230.000 ha rừng tập trung; trồng 122 triệu cây phân tán.; khai thác 31,5 triệu m3 gỗ; phấn đấu đạt giá trị xuất khẩu lâm sản 16 tỷ USD. Thu dịch vụ môi trường rừng khoảng 3.000 tỷ đồng.

Để thực hiện những mục tiêu trên, Tổng cục Lâm nghiệp đã đề ra 10 nhóm giải pháp, trong đó trọng tâm là bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức thực hiện hiệu quả chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án trọng điểm.

Ngành lâm nghiệp cam kết tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu.

Ngoài ra, công tác phối hợp trong việc ngăn chăn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ bất hợp pháp; tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng; thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng sẽ được duy trì.

GS.TS Võ Đại Hải, Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam vui mừng khi ngành lâm nghiệp đã phát triển được nguồn thu một cách đa dạng trong năm 2021, nhất là từ giá trị xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ.

Bên cạnh đó, ông Hải cho rằng, định hướng gắn du lịch với phát triển lâm nghiệp bền vững là một hướng đi đúng đắn. Ông Hải cũng gợi mở một số vấn đề về việc khai thác rừng tự nhiên, gắn phát triển rừng bền vững với quy hoạch lâm nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp tiếp thu chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh và hứa duy trì tốc độ xuất khẩu trong những năm tới. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp tiếp thu chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh và hứa duy trì tốc độ xuất khẩu trong những năm tới. Ảnh: Bảo Thắng.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá cao nỗ lực của ngành lâm nghiệp thời gian qua. Theo Thứ trưởng, lâm nghiệp hiện chiếm khoảng một phần ba tổng giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Với nhiều dư địa như hiện tại, ngành lâm nghiệp được dự báo là sẽ tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu trong thời gian tới.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý một số vấn đề ngành lâm nghiệp cần tập trung trong thời gian tới như: Phát triển dịch vụ môi trường rừng, kinh tế dưới tán rừng, bán chứng chỉ cacbon sao cho tương xứng với tiềm năng của Việt Nam.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhìn nhận việc bảo vệ rừng hiện thường hiện nay còn ở thế bị động. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phải được kiểm tra, rà soát chặt chẽ, không được phép sai sót.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh định hướng ngành lâm nghiệp tích cực tham gia chuyển đổi số, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, tăng kỹ năng quản trị hệ thống; đồng thời phát triển hơn nữa các kỹ thuật nhân giống, trồng và bảo vệ rừng bền vững.

  • Tags:
Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

C.P. Việt Nam bàn giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, ban giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.