Làm rừng gỗ lớn, khó khăn không nhỏ
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang, hiện nay toàn tỉnh đã có hơn 69.000ha rừng gỗ lớn, phân bổ trên địa bàn các huyện, thành phố. Diện tích rừng trồng gỗ lớn của tỉnh ở giai đoạn này chủ yếu được hình thành từ các Chương trình dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững chủ yếu được trồng bằng các loài cây bản địa như lát hoa, trám, sấu, mỡ, quế... và một phần do nhân dân tự đầu tư trồng.
Đến năm 2017, tỉnh Tuyên Quang ban hành chính sách hỗ trợ cây giống chất lượng cao để nhân dân trồng rừng gỗ lớn bằng các loài cây như keo lai mô, Keo tai tượng hạt ngoại, thì hoạt động phát triển rừng gỗ lớn được mở rộng và hưởng ứng tích cực hơn.
Ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang cho biết, đối với cánh rừng khi chuyển từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn thì chỉ tính riêng giá trị gia tăng về mặt kinh tế đã có nhiều ưu điểm. Ví như cánh rừng 7 năm được khai thác cho sản lượng gỗ trung bình đạt 100 m3/ha, nhưng khi giữ lại làm rừng gỗ lớn từ 10 đến 12 năm thì khối lượng gỗ có thể tăng lên 120 - 150 m3/ha. Bởi từ năm thứ 7 đến năm thứ 12 cây rừng ở trong giai đoạn phát triển nhanh nhất trong chu kỳ sinh trưởng.
Theo tính toán, nếu 100m3 nguyên liệu là rừng 7 năm thì chỉ có khoảng 30% là gỗ lớn, 70% còn lại là gỗ nguyên liệu. Trong khi đó, diện tích rừng gỗ lớn từ 10 đến 12 năm lại ngược lại, số gỗ lớn có khi chiếm đến 70%, còn lại là gỗ nguyên liệu. Hiện nay, giá trung bình gỗ nguyên liệu là 1,2 triệu/m3, trong khi đó gỗ lớn là 2,4 triệu/m3. Như vậy giá trị kinh tế sẽ tăng gấp đôi so với trồng rừng thông thường với chu kỳ 7 năm.
Cũng theo ông Khoa, bên cạnh ưu điểm về mặt kinh tế thì trồng rừng gỗ lớn còn có ưu điểm về mặt môi trường như trong thời gian giữ thêm từ 3 đến 5 năm, giá trị hấp thụ các bon từ môi trường vào diện tích rừng; toàn bộ cảnh quan của rừng gỗ lớn được bảo toàn thêm vài năm. Một ưu điểm nữa khi những cánh rừng được giữ lại thêm sẽ góp phần bảo vệ đất, giữ nước, đặc biệt với cây keo là cây họ đậu, bộ rễ cố định đạm tạo thành chất mùn để chu kỳ sau khi kinh doanh đất đai sẽ được tái tạo tốt hơn.
Có thể thấy, lợi nhuận kinh tế từ chương trình phát triển trồng rừng gỗ lớn đem lại là không nhỏ, tuy nhiên việc phát triển và mở rộng đầu tư trong dân cũng không hề đơn giản. Bởi theo những người trồng rừng ở Tuyên Quang thì diện tích rừng gỗ lớn thường kéo dài chu kỳ hơn 10 năm, trong khi đó trồng rừng thông thường chu kỳ chỉ 6 đến 8 năm đã được khai thác. Chu kỳ được thu hoạch càng ngắn, thì người nông dân nông thôn càng có tiền sớm để chi tiêu cho các hoạt động thiết yếu trong đời sống.
Nhiều hộ dân nếu không có thêm ruộng, nương, hoặc các nghề phụ khác mà chỉ trông vào rừng thì việc kéo dài chu kỳ quả là thách thức, trong khi đó phần lớn các hộ dân ở vùng nông thôn miền núi điều kiện kinh tế đều khó khăn.
Một thách thức nữa mà việc phát triển trồng rừng gỗ lớn đang gặp phải khi triển khai tại Tuyên Quang đó là chu kỳ khai thác kéo dài, sẽ kéo theo rủi ro về sâu bệnh hại cây rừng; giá cả thị trường gỗ biến động cũng là rào cản không nhỏ.
Ông Vũ Văn Hòe ở xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn cho biết, vẫn biết trồng rừng gỗ lớn hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn trồng rừng thông thường, thế nhưng mô hình này chỉ phù hợp với những gia đình có điều kiện hoặc có công việc khác có thể đảm bảo nguồn thu ổn định duy trì cuộc sống. Còn nếu là các hộ sống dựa vào nghề rừng thì gặp khó khăn. Do nhiều năm làm nghề rừng, lại tích được số vốn khá nên ông Hòe tích cực tham gia hưởng ứng chương trình trồng rừng gỗ lớn. Hiện gia đình ông có 21ha rừng trồng, ông quyết định chuyển 10ha sang rừng gỗ lớn.
Khuyến khích phát triển
Giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh Tuyên Quang đặt ra mục tiêu phát triển thêm 20.000ha rừng gỗ lớn, nâng tổng số diện tích rừng gỗ lớn trên địa bàn toàn tỉnh lên 89.000ha.
Để đạt được mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025, Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang khóa XIX đã ban hành Nghị Quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021, thực hiện chính sách hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay cho các tổ chức, cá nhân vay vốn để chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, tương đương mức hỗ trợ lãi suất khoảng 8,4 triệu đồng/ha; chính sách hỗ trợ cây giống chất lượng cao để các hộ gia đình trồng rừng, làm giàu rừng, với mức hỗ trợ từ 5 triệu đến 12 triệu đồng/ha (tùy loài cây). UBND tỉnh Tuyên Quang cũng phê duyệt Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2035.
Theo ông Triệu Đăng Khoa, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang thì các Nghị quyết, Đề án của tỉnh Tuyên Quang nhằm đồng hành cũng người làm nghề rừng hỗ trợ chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Trong đó tỉnh thực hiện hỗ trợ cây giống lâm nghiệp để trồng rừng bằng các loài cây: Keo lai được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô, cây keo tai tượng được gieo ươm từ hạt giống nhập ngoại, cây dổi ăn hạt, cây sấu, cây trám trắng; hỗ trợ phát triển cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ, bảo tồn, trồng mới các loại cây đặc sản, cây dược liệu có giá trị; xem xét hỗ trợ lãi suất vay các tổ chức tín dụng trung hạn, dài hạn đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng rừng sản xuất...
Một lợi thế nữa mà người làm nghề rừng ở Tuyên Quang có thể mong đợi từ chương trình phát triển rừng gỗ lớn đó là tỉnh Tuyên Quang đang triển khai Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các bon rừng nhằm giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng. Theo chương trình này, người có rừng sẽ có thêm nguồn thu nhập mà chưa cần khai thác rừng.
Đến tháng 10/2021 trên toàn tỉnh Tuyên Quang có 35.118ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Trong diện tích này thì chủ rừng là tổ chức chiếm hơn 15.600ha, chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân là hơn 19.450ha; chủ yếu tập trung ở các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa và Hàm Yên.
Giai đoạn 2021 - 2025, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang tiếp tục chỉ đạo, xây dựng mục tiêu phát triển rừng gỗ lớn của tỉnh đến năm 2025 đạt 89.000ha. Nhiệm vụ chủ yếu của giai đoạn này là trồng mới trên 20.000ha rừng gỗ lớn, đồng thời tiếp tục duy trì trên 69.000ha rừng gỗ lớn hiện có; mục tiêu là đảm bảo đủ nhu cầu nguyên liệu gỗ lớn phục vụ chế biến đồ gỗ xuất khẩu, các sản phẩm phụ được sử dụng làm viên gỗ nén, băm dăm.... nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống của người làm nghề rừng.