| Hotline: 0983.970.780

Phát triển làng nghề tương truyền thống Úc Kỳ

Thứ Năm 02/04/2020 , 11:14 (GMT+7)

Nhằm phát triển làng nghề truyền thống, nâng cao thu nhập cho người dân, Hội Nông dân huyện Phú Bình đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ việc làm tương ở Úc Kỳ.

Làng nghề sản xuất tương Úc Kỳ đã được công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2015. Trong năm 2020 Hội Nông dân huyện Phú Bình đã phối hợp với Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Thái Nguyên triển khai Dự án phát triển nghề làm tương truyền thống xã Úc Kỳ. 

Tham gia dự án gồm 14 hộ dân ở các xóm Múc, Trại, Ngoài, Nam Hương 1, các hộ được vay vốn với tổng số tiền 670 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tương Úc Kỳ. Những năm trước đây, Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh cũng đã giải ngân 300 triệu đồng cho các hộ dân làm tương trên địa bàn xã Úc Kỳ, trong đó mỗi hộ được vay 30 triệu đồng.

Ông Dương Văn Dương – Phó Chủ tịch UBND xã Úc Kỳ cho biết: Hiện tại toàn xã có khoảng hơn 200 hộ làm tương trong đó có khoảng 60 hộ sản xuất tương với số lượng lớn chủ yếu tập trung ở các xóm: Múc, Ngoài 1, Ngoài 2, Làng, Tân Lập... Trung bình mỗi năm toàn xã cung cấp cho thị trường hàng triệu lít tương, đem lại nguồn doanh thu hàng chục tỷ đồng.

Theo những hộ dân làm tương ở đây cho biết, hiện nay tương nếp Úc Kỳ không chỉ được xuất bán tại các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên mà còn xuất bán đi cả các tỉnh trong Nam.

Trung bình mỗi ngày, gia đình chị Hương sản xuất khoảng 100 lít tương với giá bán từ 20.000 – 25.000/lít. (Ảnh: Kiều Hải).

Trung bình mỗi ngày, gia đình chị Hương sản xuất khoảng 100 lít tương với giá bán từ 20.000 – 25.000/lít. (Ảnh: Kiều Hải).

Đến thăm cơ sở sản xuất tương truyền thống của gia đình chị Dương Thị Hương và anh Dương Văn Dân ở xóm Nam 1, xã Úc Kỳ, một trong những hộ sản xuất tương truyền thống với quy mô lớn của xã hiện nay. Chị Hương chia sẻ, gia đình chị bắt đầu làm tương từ năm 1988.

Ban đầu, chị chỉ đủ vốn để làm thử vài lít vừa phục vụ gia đình vừa bán cho người dân quanh xóm. Rồi nhiều khách hàng thấy ngon nên giới thiệu cho những người thân quen. Dần dần nhận thấy có thể phát triển mô hình này nên chị từng bước mở rộng quy mô sản xuất ngày càng lớn từ 5 chum tương lúc đầu nay đã lên tới 150 chum. Trung bình mỗi ngày, gia đình chị sản xuất 100 lít tương với giá bán từ 20.000 – 25.000/lít.

Hiện tại gia đình chị Hương đang sản xuất hai loại tương chính làm từ nếp cái hoa vàng và nếp con, trong đó tương làm từ nếp cái hoa vàng bán được giá cao hơn.  Theo chị Hương, điểm khác biệt với những loại tương ở các vùng miền khác là tương ở đây khi sử dụng cái tương không bị nát mà vẫn còn nguyên hạt. Hiện thị trường xuất bán tương của gia đình chị chủ yếu là trên địa bàn huyện Phú Bình, Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và một số tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Nghệ An… thậm chí là tận TPHCM.

Chị Hương phấn khởi tâm sự: “Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ làm nhỏ lẻ, nhưng không ngờ tương của gia đình lại được nhiều người ưa chuộng, làm ra đến đâu bán hết đến đó. Nhờ vậy, gia đình tôi dần dần đã vơi bớt khó khăn, xây dựng được nhà cửa khang trang, đủ điều kiện cho các con học hành đến nơi đến chốn”.

Để duy trì hiệu quả nghề làm tương này, các hộ dân ở đây đã liên kết thành lập Tổ hợp tác, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Năm 2012, Tổ hợp tác của làng nghề tương truyền thống Úc Kỳ được thành lập gồm 3 thành viên. Trung bình mỗi năm, Tổ hợp tác cung ứng khoảng từ 12-14 tấn nếp thầu dầu và thu mua khoảng 10.000 - 12.000 lít tương của các hộ trong làng nghề, tập trung ở các xóm: Múc, Ngoài 1, Ngoài 2, Làng, Tân Lập…

Bà Dương Thị Thành, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: Thu nhập của nghề làm tương tuy không cao nhưng cũng đủ sống. Tuy nhiên, nếu không tiêu thụ được sản phẩm thì người dân cũng không dám làm lớn. Do đó, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương nên Tổ hợp tác đã được thành lập. “Công việc của chúng tôi là lựa chọn nếp ngon để làm tương và thu gom, tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Trung bình mỗi năm, Tổ hợp tác sản xuất được từ 6 - 7 tạ giống, đồng thời, thu mua lại thóc rồi xát lấy gạo bán cho bà con với giá 25.000 đồng/kg”.

Anh Dương Văn Thường, một chủ hộ có kinh nghiệm làm tương lâu năm ở Úc Kỳ cho biết: Trước đây gia đình anh chỉ làm từ 1 - 2 chum tương, thỉnh thoảng bán được vài lít. Từ khi có Tổ hợp tác thu mua, gia đình anh luôn duy trì từ 100 - 120 chum mới đủ cung cấp cho thị trường. Với giá bán dao động 20.000 – 25.000/lít tùy loại, trung bình mỗi tháng gia đình anh bán được khoảng 4.000 lít tương, sau khi trừ chi phí gia đình anh thu về từ 10 - 12 triệu đồng/tháng.

Làng nghề làm tương ở Úc Kỳ đã được công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2015 (Ảnh: Kiều Hải).

Làng nghề làm tương ở Úc Kỳ đã được công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2015 (Ảnh: Kiều Hải).

Từ khi có Tổ hợp tác trong làng nghề thì sợi dây liên kết giữa các hộ được hình thành, đồng thời, làng nghề sẽ có một tổ chức đứng ra cung ứng đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra, từng bước hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất. Nhờ đó, nghề làm tương ở Úc Kỳ đã tạo việc làm ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhiều hộ dân trên địa bàn.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Gạo ST25 được phân hạng tiềm năng OCOP 5 sao

Sóc Trăng Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức chấm điểm, phân hạng OCOP 5 sao đối với sản phẩm Gạo thơm ST25 của huyện Trần Đề.