| Hotline: 0983.970.780

Trăm kiểu làm thêm thời Covid-19

Thứ Sáu 20/03/2020 , 09:54 (GMT+7)

Không ít giáo viên, nhân viên nhà hàng, khách sạn.. phải nghỉ việc cả tháng trời do dịch Covid-19.

Nhiều chị em thất nghiệp thời Covid-19 kiếm sống bằng bán thịt lợn.

Nhiều chị em thất nghiệp thời Covid-19 kiếm sống bằng bán thịt lợn.

Tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, nghỉ việc lâu dài không có thu nhập hoặc có rất ít, nên nhiều chị em đã quyết định đi bán hàng online để giết thời gian và có đồng ra đồng vào đỡ đần cho gia đình. 

Chị Lan, giáo viên dạy Toán một trường trung học cơ sở của thành phố Thái Nguyên (Thái Nguyên) rất sốt ruột do nghỉ dạy từ Tết Nguyên đán 2020 đến nay. Mới đây chị quyết định bán hàng trên Zalo và Facebook.

Chị bán các mặt hàng thịt tươi và chế biến sẵn cho khu dân cư và đồng nghiệp. Mới mẻ và lạ lẫm nên lúc đầu chỉ bán được vài kg, lâu dần có hôm được 50 kg, trừ chi phí đi lại, tiền lời cũng đủ cho gia đình chi tiêu hàng ngày.

Dịp này, chị Bùi Thị Lương ở một khu đô thị trên đường Nguyễn Xiển (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng chuyên tâm hơn cho việc bán gà ta thả vườn trên chợ online khu chung cư nhà mình.

Từng làm nhân viên thu ngân một nhà hàng nên khi có dịch, nhà hàng tạm đóng cửa, chị Lương tự dưng thất nghiệp. Trong khi đó, tiền nợ ngân hàng vay mua nhà vẫn phải trả đều đặn mỗi tháng.

Để cuộc sống không bị ảnh hưởng, chị đành xoay sang bán hàng online bù đắp vào khoản lương hàng tháng bị cắt. Thực ra, ban đầu cũng tính xin làm thêm công việc gì đó, nhưng mùa dịch này, người thất nghiệp nhiều, kiếm việc làm thêm không dễ.

Theo dõi thấy chợ online tấp nập khách mua bán, quê lại ở Lạc Thủy (Hòa Bình), nơi người dân nuôi gà thả vườn rất nhiều, giá mua gà tại chuồng cũng rẻ hơn nơi khác nên chị Lương quyết định đầu tư thời gian vào việc bán gà online.

Lúc đầu, chị chỉ gom đơn khách đặt mỗi tháng 2 lần vì tiện công bố mẹ chị gửi gà, trứng, rau nhà trồng được xuống cho nhà chị. Đợt này, nhu cầu mua gà của dân trong khu chung cư tăng mạnh, chị gom đơn 2 ngày trả một lần.

“Trong lúc thất nghiệp thì ở nhà cứ túc tắc bán online mỗi lần 30-50 con gà mổ sẵn. Tuần gom 3 lần như thế này tiền lời thu được cũng đủ trang trải cuộc sống”, chị nói và cho biết, dịch chưa biết khi nào mới hết dịch Covid- 19, tạm thời cứ buôn bán online như hiện nay, khi nào nhà hàng mở cửa trở lại thì chị sẽ quay về công việc thu ngân của mình.

Gần 5 giờ chiều, chị Đào Thị Giang ở bán đảo Linh Đàm (Hà Nội) lại chất đầy thịt lợn vào chiếc thùng xốp rồi đặt lên xe đẩy kéo đi khắp các tầng của tòa nhà trong khu chung cư mà gia đình chị đang sinh sống để giao thịt cho khách đã đặt trước đó. Do vậy, giờ chị gom đơn theo ngày thay vì theo tuần. Cuối ngày chị chốt đơn, điện báo về quê để bố mẹ tới trang trại bắt rồi tự giết mổ, sáng hôm sau là chị nhận được thịt.

Gà được chị Lương làm sạch trước khi giao cho khách.

Gà được chị Lương làm sạch trước khi giao cho khách.

“Tôi chỉ bán cho dân ở trong khu chung cư vì thuận tiện giao hàng, chứ bán ra ngoài phải thuê ship vất vả, mất thời gian”, chị chia sẻ. Dịp này, học sinh được nghỉ học tránh dịch Covid-19, giáo viên mầm non như chị cũng nghỉ theo nên chỉ được trả 1/2 lương. Thời gian rảnh khá nhiều, bán hàng trên mạng vừa là thú vui mà lại tăng thu nhập.

Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân hạn chế ra ngoài và tới những nơi đông người nên chợ online khu chung cư nhà chị cũng nhộn nhịp hơn.

Thịt lợn chị bán luôn được mọi người ủng hộ nhờ giá bán rẻ hơn ngoài chợ, chỉ khoảng 130.000-150.000 đồng/kg, do không phải qua nhiều khâu trung gian. Thế nên, mỗi ngày chị bán hết một con lợn móc hàm nặng khoảng 1 tạ.

Theo chị Giang, bán hết một con lợn không phải chuyện đơn giản, chị phải ngồi cắt, cân thịt, đóng túi theo đúng số lượng khách đặt... hết vài tiếng đồng hồ do không phải dân chuyên nghiệp. Chưa kể, việc kéo xe đẩy đi mấy chục tầng tòa nhà cũng mất công mất sức.

Song đổi lại, chị lãi khoảng 1 triệu đồng/ngày sau khi trừ đi chi phí. Số tiền kiếm được chị chia đôi, ông bà ngoại hưởng một nửa, một nửa của chị. Tính ra, từ sau Tết đến nay, trung bình mỗi tháng chị bỏ túi khoảng 12-15 triệu đồng, cao gấp đôi lương đi dạy mầm non.

Xem thêm
Việt Nam coi nông nghiệp Nhật Bản là hình mẫu về khoa học, cách thức và thái độ

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, Việt Nam luôn coi Nhật Bản là một mô hình mẫu mực để học tập về khoa học, về cách thức, và cả thái độ.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.