| Hotline: 0983.970.780

Nâng giá trị chè Sông Cầu

Thứ Hai 23/03/2020 , 13:10 (GMT+7)

Sau 3 năm thực hiện đổi mới phương thức canh tác, sản phẩm chè Sông Cầu (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) tìm được cho mình chỗ đứng bền vững trên thị trường.

Sản xuất theo VietGAP đã mang lại chất lượng, giá trị cao hơn cho người làm chè tại thị trấn Sông Cầu.

Sản xuất theo VietGAP đã mang lại chất lượng, giá trị cao hơn cho người làm chè tại thị trấn Sông Cầu.

Nâng cao nhận thức sản xuất

Dù có lợi thế về diện tích với 400 ha nhưng sản phẩm chè của thị trấn Sông Cầu qua nhiều năm vẫn chưa có được vị thế xứng đáng.

Xuất phát từ thực tế những đồi chè liền khoảnh từ thời nông trường, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên chọn Sông Cầu để thực hiện Dự án khuyến nông Trung ương về sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Dự án được thực hiện tại các xóm: 4, 7, 9, Tân Tiến, Liên Cơ và Tân Lập, thị trấn Sông Cầu với tổng diện tích 50ha, có 150 hộ dân tham gia. Người làm chè được tập huấn sản xuất theo quy trình VietGAP, được hỗ trợ một phần vật tư chăm sóc, chế biến chè.

Bà Hứa Thị Kiều (xóm Tân Tiến) cho biết, gia đình bà có 7.000 mét vuông chè được làm theo thói quen đã nhiều năm.

"Với kỹ thuật mới được tập huấn thì từ tháng 2, chúng tôi thực hiện bón 100% phân chuồng, phân lân, phân hữu cơ vi sinh và 30% phân đạm, 30% kali; Tháng 4, tháng 6 và tháng 8 thì bón 25% đạm và 25% kali; Phân sinh học được phun đều sau mỗi lứa hái. Các lần bón phân đều được cuốc hố hoặc rạch hàng bón sâu theo rìa tán phía trên hàng chè.

Việc bón vãi trước và sau khi mưa khiến phân bón bị rửa trôi theo mưa và một phần bốc hơi khi gặp nắng nóng làm cho đất ngày càng bạc mầu, chai cứng, hàm lượng mùn và tỷ lệ vi sinh vật hữu ích trong đất thấp, khả năng hút dinh dưỡng, quang hợp của cây chè giảm, sinh trưởng phát triển chậm hơn.

Bà Hoàng Thị Liên (xóm Liên Cơ) cho biết, trước đây, thuốc BVTV chủ yếu được phun định kỳ sau mỗi lứa hái 5-10 ngày, khi chè bắt đầu nứt nanh, ra lứa mới. Phun thuốc cũng không để ý và chưa quan tâm nhiều đến thời gian cách ly khi thu hoạch chè, chỉ cần chè sinh trưởng và phát triển tốt, chưa quan tâm nhiều đến chất lượng và sức khỏe con người, cộng đồng.

Hiện nay, việc sử dụng thuốc BVTV phải tuân thủ các nguyên tắc, chỉ dùng thuốc khi cần và thuốc phải trong danh mục được phép sử dụng. Ưu tiên nhóm thuốc sinh học và thảo mộc để phun trừ sâu bệnh khi đến ngưỡng phòng trừ và đảm bảo thời gian cách ly khi thu hoạch chè. Các hoạt hoạt động bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch... diễn ra trên nương chè đều được ghi chép lại trong sổ nhật ký.

Kết quả, sau 3 năm thực hiện dự án, bà con được hướng dẫn và đã chủ động sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo yêu cầu sản xuất chè an toàn.

Ngoài ra, bà con còn tăng cường sử dụng nguồn phân hữu cơ sẵn có ở địa phương, hạn chế việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ, góp phần nâng cao nhận thức người dân trong việc bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, năng suất chè bình quân của các hộ dân đã tăng từ 8,6 tấn/ha/năm lên 11,4 tấn/ha/năm.

Phát triển bền vững

Các đại biểu tham quan và đánh giá cao mô hình.

Các đại biểu tham quan và đánh giá cao mô hình.

Bà Nguyễn Kim Đương (cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên) cho biết, việc điều tra, quản lý và sử dụng thuốc BVTV phòng trừ sâu, bệnh gây hại khi thực hiện mô hình được quản lý theo nguyên tắc 4 đúng, nên các đối tượng sâu bệnh không có khả năng phát sinh gây hại thành dịch làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng chè.

Số lần phun thuốc trừ sâu, bệnh khi thực hiện mô hình chỉ bằng khoảng 1/2 số lần phun thuốc so với trước khi thực hiện mô hình. Chủ yếu là dùng nhóm thuốc sinh học, thảo mộc, nên đã giúp người dân từng bước nâng cao sức khoẻ; sản phẩm chè nguyên liệu, chế biến đảm bảo thời gian cách ly thuốc BVTV.

Mặt khác, do được đầu tư thâm canh, bón phân cân đối, chăm sóc, tưới nước theo quy trình VietGAP, nên tỷ lệ búp mù xòe thấp, ngoại hình búp có độ đồng đều cao và số lứa hái trong năm tăng hơn trước khi thực hiện mô hình.

Kết quả, về năng suất đã tăng 30,2% so với trước khi thực hiện mô hình và tăng 10-15% so với mục tiêu của dự án. Đặc biệt với giá bán cao hơn hẳn nên giá trị sản lượng đã tăng tới 74% so với trước khi làm mô hình.

Ông Lê Cẩm Long (Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên) nhận xét, thành công của mô hình đã tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ gia đình tham gia.

Hơn thế, dự án còn có ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi tập quán canh tác chè từ truyền thống sang thâm canh cây chè theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm mang lại năng suất, chất lượng, giá trị cao hơn. Kết quả của dự án sẽ mở ra triển vọng áp dụng nhân rộng, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, kỹ thuật làm chè của các vùng sản xuất chè trọng điểm.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.