| Hotline: 0983.970.780

Phát triển nông nghiệp nông thôn: Cần thay đổi từ tư duy đến hành động

Thứ Bảy 01/01/2022 , 09:23 (GMT+7)

Nông nghiệp đã thể hiện vai trò vô cùng to lớn đối với phát triển kinh tế và ổn định xã hội, đặc biệt trong các giai đoạn khó khăn của nền kinh tế.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam năm 2020 đạt kỷ lục 41,53 USD (Ảnh minh họa).

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam năm 2020 đạt kỷ lục 41,53 USD (Ảnh minh họa).

Trong những năm qua, mặc dù có nhiều khó khăn về hạn hán, thiên tai, dịch bênh, biến động về thị trường, ảnh hưởng to lớn của dịch bệnh Covid-19 nhưng khu vực nông nghiệp nông thôn Việt Nam đã thể hiện vai trò vô cùng to lớn đối với phát triển kinh tế và ổn định xã hội, đặc biệt trong các giai đoạn khó khăn của nền kinh tế.

Nông nghiệp luôn làm tốt là nòng cốt phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, giảm nghèo bền vững, cung cấp đầu vào và tài nguyên cho công nghiệp hóa. Tăng trưởng nông nghiệp đạt 2,6%/năm giai đoạn 2010 - 2020. Năm 2020, sản lượng lúa gạo bình quân đầu người đạt 438,2kg.

Hàng năm xuất khẩu trên 6 triệu tấn gạo, bằng khoảng 12% lượng gạo xuất khẩu thế giới. Xuất khẩu nông sản không ngừng tăng, đưa Việt Nam thành một trong những cường quốc nông sản. Kim ngạch xuất khẩu nông sản giai đoạn 2010 - 2020 tăng bình quân 8,7%/năm và thặng dư thương mại ngành nông nghiệp luôn dương, bình quân đạt 8,69 tỷ/năm.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2020 đạt kỷ lục 41,53 USD bất chấp đại dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới và dự kiến năm 2021 đạt trên 48 tỷ USD. Chúng ta đã có 10 nhóm hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 5 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu nông sản không ngừng được mở rộng, chất lượng hàng xuất khẩu tăng lên.

Nông thôn Việt Nam có nhiều khởi sắc, bộ mặt nông thôn thay đổi, cơ sở hạ tầng cải thiện, kinh tế phát triển, chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao. Kinh tế nông thôn phát triển, chuyển đổi nhanh: Cơ cấu lại hình thức tổ chức sản xuất theo hướng ưu tiên phát triển những hình thức và quy mô sản xuất có năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị hàng hóa cao; số doanh nghiệp và số hợp tác xã tăng nhanh.

Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn tăng nhanh hơn thu nhập của người dân đô thị, từ 12,8 triệu năm 2010 lên 43 triệu đồng/người năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm nhanh, bình quân giàm khoảng 1,5%/năm và đến hết năm 2020 còn 5,6%. Môi trường cảnh quan ngày càng cải thiện, xuất hiện ngày càng nhiều các làng xã xanh sạch đẹp.

Chương trình nông thôn mới đã đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng và huy động sự vào cuộc của toàn dân cùng chung tay xây dựng nông thôn phát triển bền vững hơn và ngày càng đi vào chiều sâu để cải thiện cuộc sống của người dân, xây dựng cộng đồng nông thôn vững mạnh.

Nông thôn Việt Nam có nhiều khởi sắc, bộ mặt nông thôn thay đổi (Ảnh minh họa).

Nông thôn Việt Nam có nhiều khởi sắc, bộ mặt nông thôn thay đổi (Ảnh minh họa).

Tuy vậy, khu vực nông nghiệp nông thôn còn bộc lộ còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tăng trưởng nông nghiệp chậm lại, chưa bền vững, chủ yếu dựa trên thâm dụng tài nguyên; nhiều đầu vào sản xuất phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu. Công tác bảo quản chế biến kém phát triển, tổn thất sau thu hoạch còn cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, thị trường bất ổn.

Kết quả xây dựng nông thôn mới của một số vùng còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước, vẫn còn khoảng cách chênh lệch về kết quả thực hiện giữa các vùng, miền. Thu nhập nông dân, người dân nông thôn còn thấp, chênh lệnh vùng miền, giữa nông thôn và đô thị, giữa nhóm dân tộc còn cao. Thu nhập người nông dân chưa tương xứng với sự tăng trưởng chung của ngành và tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Môi trường nông thôn còn ô nhiễm, văn hóa xã hội còn nhiều tồn tại, vai trò cộng đồng chưa phát huy tốt.

Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đã bộc lộ một số hạn chế và chưa thực sự quay lại hỗ trợ, bù đắp tốt cho khu vực nông nghiệp. Một số địa phương đua nhau phát triển công nghiệp để thúc đẩy kinh tế, bỏ qua nông nghiệp, kể cả những vùng có lợi thế về nông nghiệp.

Bước sang giai đoạn mới, tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa đang diễn tiến rất nhanh. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cách mạng khoa học 4.0 diễn ra mạnh mẽ. Thiên tai, dịch bệnh ngày càng phức tạp đặc biệt là biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh và tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên toàn cầu. Thị trường tiêu dùng trong nước và thế giới thay đổi mạnh với những yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao đồng thời có những yêu cầu mới về xã hội, trách nhiệm cộng đồng, môi trường, xu hướng nông nghiệp xanh, tiêu dùng xanh ngày càng phổ biến.

Đây là những thách thức lớn yêu cầu ngành nông nghiệp bắt buộc phải thay đổi nhưng cũng tạo ra cơ hội cho ngành nông nghiệp và khu vực nông thôn. Và cần có những quan điểm, định hướng mới và có những hành động cụ thể cho phát triển nông nghiệp nông thôn để khôi phục đà tăng trưởng của ngành nông nghiệp, khai thác tốt những cơ hội mới, hạn chế những thách thức đưa nông nghiệp nông thôn phát triển hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả, nông thôn hiện đại văn minh, nông dân có thu nhập ổn định và ngày càng cao hơn, được đào tạo tri thức mới.

Để đạt được điều đó, trong giai đoạn tới, cần phải có quan điểm rõ ràng và tiếp tục xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Nông nghiệp là lợi thế, là nền tảng bền vững của quốc gia. Nông thôn là địa bàn phát triển kinh tế quan trọng, là không gian chính gắn với tài nguyên thiên nhiên, là nền tảng văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước. Nông dân là lực lượng lao động và nguồn tài nguyên con người quan trọng trong giai đoạn tới.

Cần phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững về kinh tế - xã hội - môi trường. Phát huy lợi thế, hiệu quả các nguồn lực (tài nguyên đất, nước, không khí, con người, truyền thống lịch sử, văn hóa) và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị, tích hợp các giá trị văn hóa xã hội và môi trường vào sản phẩm.

Sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, phát thải các bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng nông thôn hiện đại với cơ sở hạ tầng và dịch vụ đời sống cơ bản có chất lượng tiến gần đô thị; bảo vệ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, xây dựng xã hội văn minh trật tự; phát triển môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Phát triển kinh tế nông thôn đa dạng, chủ động tạo sinh kế nông thôn từ hoạt động phi nông nghiệp, tạo việc làm chính thức, thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa nông thôn, thành thị và giảm di cư lao động ra thành thị. Xây dựng nông thôn mới phù hợp với vùng miền, phát huy lợi thế, tiềm năng, gắn kết chặt chẽ với phát triển đô thị, tập trung phát triển thôn bản, nâng cao đời sống người dân. Dân cư nông thôn là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển.

Đổi mới tổ chức, hỗ trợ đào tạo, trao quyền cho người dân để họ trở thành lực lượng chính trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, quản lý tài nguyên môi trường; phát huy nội lực, tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển và hưởng thụ phúc lợi xã hội.

Phát triển kinh tế hợp tác làm động lực gắn kết kinh tế hộ, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, xây dựng lực lượng lao động nông thôn có kiến thức, có tay nghề đáp yêu cầu phát triển mới. Phát triển cộng đồng làm nền tảng trong phát triển nông thôn, góp phần quản lý hiệu quả tài nguyên, môi trường, cơ sở hạ tầng; phát huy nếp sống mới, tinh thần đoàn kết, tự chủ, sáng tạo cho người dân nông thôn.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường huy động nguồn lực cho đầu tư, phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua hợp tác công tư, tạo điều kiện, hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Mục tiêu chung là phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

(Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp - Nông thôn)

  • Tags:
Xem thêm
80% sản lượng dừa sáp Trà Vinh bán dưới hình thức nguyên liệu thô

Doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng diện tích dừa hữu cơ gắn với mã số vùng trồng xuất khẩu tại Trà Vinh, cần liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Trung Quốc tiêu thụ 4 tỷ quả dừa mỗi năm và cơ hội cho dừa Việt

BẾN TRE Đại diện Vina T&T Group chia sẻ những thuận lợi, thách thức ngành hàng dừa Việt Nam đối mặt khi chinh phục thị trường tỷ dân Trung Quốc.

Tháp đôi Prime Thái Nguyên mừng tân gia, chào đón giáng sinh và năm mới 2025

Năm 2025 sắp gõ cửa, mang theo những hy vọng và ước mơ mới. Năm 2024, Tháp đôi Prime vui mừng chào đón những cư dân đầu tiên về sinh sống tại toà nhà.