Nghịch lý trong quá trình đô thị hóa ở Việt Nam
Có 3 nghịch lý trong quá trình đô thị hóa ở Việt Nam. Thứ nhất, đô thị hóa diễn ra trước công nghiệp hóa. Ở nước Anh, trước khi phát triển các thành phố hiện đại đầu tiên đã có 80 năm công nghiệp hóa, nước Mỹ là 50 năm và các “con rồng” châu Á là 30 năm.
Tuy không có những điểm khởi đầu rõ ràng nhưng chính cuộc cách mạng công nghiệp đã chuyển hóa phương thức sản xuất nông nghiệp của cư dân nông thôn sang lao động công nghiệp, dịch vụ theo cư dân thành thị.
Ở Việt Nam quá trình này lại ngược lại, sự gia tăng dân số đô thị chủ yếu là tăng cơ học. Làn sóng chuyển cư tới các đô thị ngày càng gia tăng dân số đô thị chủ yếu là tăng cơ học. Làn sóng chuyển cư tới các đô thị ngày càng gia tăng (mỗi năm khoảng 1 triệu người tính đến năm 2015; TP Hồ Chí Minh hiện nay, người nhập cư chiếm 2/3 dân số), sớm hơn tốc độ phát triển công nghiệp, dịch vụ.
Nhu cầu định cư tại đô thị vì thế tăng theo. Sự bùng nổ hệ thống đô thị mới đang diễn ra, một mặt vừa giảm áp lực nơi ở cho người dân, vừa đem lại lợi nhuận kếch xù cho giới kinh doanh bất động sản. Nhưng các khu đô thị mới chỉ phát triển nhà ở thương mại, còn gánh nặng nhà ở cho công nhân và lao động chưa qua đào tạo thì chủ yếu do các nhà trọ tồi tàn gánh, chưa nói bỏ ngỏ các công trình dân sinh, hạ tầng xã hội…
Vấn đề công nghiệp hóa đang lan tỏa ở các vùng nông nghiệp làm thay đổi lối sống và nhà ở của nông thôn và hiện tượng định cư nông thôn theo mô hình mới đặt ra ngày càng cấp thiết.
Thứ hai, hạ tầng kỹ thuật không đủ và đi sau đô thị hóa. Qua khảo sát, đất xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của nhiều đô thị ở Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 10 - 15% đất đô thị, trong khi yêu cầu tối thiểu cần từ 30 - 35%.
Thứ ba là hiện tượng thôn tính đất ngoại vi và vành đai nông nghiệp. Năm 1996, Chiến lược phát triển đô thị Việt Nam vạch kế hoạch tổng thể cho đất đô thị đến năm 2020 là 460.000ha thì đến năm 2006 đã thực hiện trên 477.000ha, vượt kế hoạch 13 năm. Đến nay thì không còn những hạn ngạch về đất nông nghiệp chuyển đổi sang đô thị nữa. Chính vì vậy hiện tượng đô thị kết nối nông thôn đang đặt ra bức thiết.
Cần tránh hiện tượng “làng ma”
Từ góc độ đô thị hóa, có thể tổng hợp những hiện tượng đang tác động không nhỏ đến tổ chức không gian đô thị và nông thôn.
Đô thị hóa mạnh mẽ ở các khu vực nông thôn cận kề bên cạnh sự suy tàn ở vùng nông thôn xa thành phố. Quá trình dịch cư từ nông thôn vào thành thị đã để lại phía sau những làng mạc hoang tàn với tình trạng mất cân bằng về dân số hoặc là không có dân cư. Người ở độ tuổi lao động rời bỏ quê hương tìm kiếm cơ hội. Một số ngôi làng châu Âu, Nhật Bản đã trở nên hoang vắng do không còn dân cư và được một số nhà nghiên cứu gọi chung là hiện tượng “làng ma”. Chúng ta nên tránh hiện tượng này bằng kết nối đô thị - nông thôn mạnh mẽ.
Hiện tượng phổ biến “người giàu và những ngôi làng ngủ”: Những ngôi nhà ở nông thôn, đặc biệt là các làng vùng ven đô thị, được mua lại nhằm mục đích đầu cơ hoặc sử dụng cho thuê. Người dân bản xứ bán đi một phần đất để nâng cao thu nhập khi giá đất tăng. Đây là con đường tất yếu để họ cải thiện thu nhập và đời sống. Sự chia nhỏ đất đai xuất hiện ở nông thôn và các thành phần dân cư giàu có không hoàn toàn có lợi trên cả khía cạnh xã hội, văn hóa và tổ chức không gian sống. Mâu thuẫn giữa dân làng và người mới chuyển đến nảy sinh do khác biệt cách sống và chênh lệch giàu nghèo.
Thay đổi hình thái kiến trúc nông thôn: Sự phân nhỏ các lô đất dẫn đến tính đa dạng trong kiến trúc làng xã. Mong muốn một hình thái kiến trúc thống nhất trong làng xã là không tưởng bởi tính đa dạng của nhu cầu do các đối tượng định cư quá khác nhau. Trong khi đó, phương thức tự xây vẫn tồn tại và việc kiểm soát trật tự xây dựng một cách nghiêm túc dường như bất khả thi.
Các mối quan hệ cộng cư đang dần thay đổi: Các quan hệ cộng cư truyền thống dựa vào sản xuất mang tính tự cấp, tự túc, cấu trúc mỗi đơn vị định cư thường khép kín hướng nội. Quá trình đô thị hóa kéo theo các quan hệ cộng cư mới. Đô thị hóa tạo ra khuynh hướng phân công lao động nhằm tăng hiệu quả sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Do đó, các mối quan hệ cộng cư trong thời kỳ này cũng phức tạp và đa dạng nhiều chiều hơn.
Cần kéo gần hai thái cực “công nghiệp hóa” và “nông thôn hóa”
Mọi hoạt động nông nghiệp và sản xuất bị thay bằng khu đô thị mới và chưa bao giờ thành phố lại lệ thuộc vào đất nông thôn đến vậy. Khu vực nông thôn trở thành nơi cung cấp lương thực cho cái đầu sáng tạo của khu vực là thành phố. Ngược lại, khu vực nông thôn lệ thuộc vào thành phố như là nơi cung cấp những tiện nghi và dịch vụ có giá cao hơn. Do đó thành phố sẽ ngừng hoạt động nếu bị tách rời khỏi mối quan hệ với khu vực nông thôn phụ cận và ngược lại, nông thôn sẽ yếu ớt nếu không dựa được vào trung tâm dịch vụ và sáng tạo như thành phố.
Nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều nước, trong tiến trình công nghiệp hóa đã xuất hiện từ quyền lợi của số đông dân cư nông thôn để liên kết chặt chẽ với điều kiện của địa phương nhằm hiện đại hóa nông thôn và nông nghiệp. Các mô hình doanh nghiệp nông thôn đã ra đời nhanh chóng bảo đảm phát triển tiến trình công nghiệp hóa đất nước trên mọi vùng lãnh thổ.
Như vậy, đòi hỏi không được tách rời công nghiệp hóa ra khỏi đô thị hóa ở vùng nông thôn và cần kéo lại gần nhau hai thái cực “công nghiệp hóa” và “nông thôn hóa” - mặc dù trong lịch sử kinh tế Tây Âu và sự phổ quát của nó ở quy mô toàn thế giới, hai thái cực nêu trên tới thời điểm này vẫn được coi là tương phản, không thể gắn kết, nhưng trong tương lai chỉ có thể thành công công nghiệp hóa nông thôn với khẩu hiệu “công nghiệp hóa nông thôn, bất ly hương”.
Cần giữ được sự định cư ổn định và khung cảnh sống của các thuộc tính nông thôn (có thể tăng hàm lượng kinh tế phi nông nghiệp) chứ không phải đô thị hóa nông thôn như chúng ta vẫn hiểu và đang áp dụng tại Việt Nam.Về thực chất, các mô hình cư trú truyền thống ở nông thôn liên kết chặt chẽ với khung cảnh sống dựa trên cơ bản là nông dân làm lụng trên những cánh đồng, trang trại, rừng,… Xu hướng chuyển đổi sang sản xuất công nghiệp và dịch vụ thời kỳ hiện đại hóa đã tách một phần lớn mô hình này ra khỏi chức năng kinh tế nông nghiệp mà nó vốn có để tạo ra tầng lớp dân cư nông thôn phi nông nghiệp. Đây là những cơ sở để nghiên cứu đề xuất những tiêu chuẩn sử dụng đất ở, đất sản xuất… cũng như các mô hình thích ứng với nông thôn mới.