| Hotline: 0983.970.780

Phát triển 'Tam nông' bằng tư duy mới: Cần cả trí tuệ và lương tâm!

Thứ Hai 17/01/2022 , 05:51 (GMT+7)

Phát triển 'tam nông' cần đến cả tư duy và đạo lý phát triển, cần cả trí tuệ và lương tâm từ phía người lãnh đạo, PGS.TS Đoàn Minh Huấn chia sẻ.

Trong một tham luận với chủ đề "Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn - nhìn bằng tư duy mới, cách tiếp cận mới", với lăng kính mới, PGS.TS Đoàn Minh Huấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, chia sẻ: Phát triển “tam nông” đòi hỏi phải có tư duy kinh tế thị trường hiện đại, “hành động địa phương, tầm nhìn toàn cầu”. Tư duy thị trường phải gắn với định hình tình cảm, trách nhiệm với nông dân; làm cho nông dân thực sự là chủ thể phát triển nông thôn.

PGS.TS Đoàn Minh Huấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

PGS.TS Đoàn Minh Huấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

Cần suất đầu tư lớn mà không thể tính bằng hiệu quả kinh tế

Có một thực tế là, đầu tư vào nông nghiệp đem lại “dân giàu”, nhưng nguồn thu cho địa phương không như đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ. Đầu tư vào nông nghiệp đòi hỏi tính căn cơ, không chỉ tính đến bài toán nâng cao thu nhập mà cả những vấn đề dịch chuyển cơ cấu lao động, bảo vệ môi trường sống, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc... Do đó, phát triển nông nghiệp dày công hơn rất nhiều, khó khăn bội phần, ở đây cần nhiều lời giải cùng lúc của bài toán “tam nông”...  Đó là một sự nghiệp giáo dục lại người nông dân đầy khó khăn, gian khổ.

Phát triển “Nông nghiệp sinh thái, Nông thôn hiện đại, Nông dân thông minh” cần đến rất nhiều nguồn lực đầu tư công với diện tích trải rộng khắp mọi vùng miền đất nước, nơi càng khó khăn, càng đặt ra những yêu cầu cao về bảo đảm an ninh, quốc phòng, bình đẳng giữa các dân tộc, càng cần suất đầu tư lớn mà không thể tính thuần tuý bằng hiệu quả kinh tế.

'Từ lãnh đạo đến người dân phải ý thức một cách sâu sắc trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái, vì một nền nông nghiệp xanh, bền vững, vì chất lượng sống của người dân nông thôn', PGS.TS Đoàn Minh Huấn.

"Từ lãnh đạo đến người dân phải ý thức một cách sâu sắc trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái, vì một nền nông nghiệp xanh, bền vững, vì chất lượng sống của người dân nông thôn", PGS.TS Đoàn Minh Huấn.

Nếu người lãnh đạo thiếu tình yêu thương, thiếu thấu hiểu và thấu cảm giai cấp nông dân đã từng đóng góp nhiều nhất cho kháng chiến, đã hy sinh rất nhiều cho công nghiệp hoá thì khó có thể hình thành được tư duy đổi mới, phát triển “tam nông”.

Bởi nguồn lực cho công nghiệp hoá, đô thị hoá gần như hút từ nông thôn (nhân lực, vật lực, tài lực, đất đai,...) rồi cả gây ô nhiễm môi trường, “đẩy” cho nông thôn gánh chịu (nơi xả nước thải, bãi thải rác công nghiệp, rác sinh hoạt cho đô thị, xây dựng nghĩa trang...).

Phải loại trừ những quan điểm phát triển thiếu lương tâm khi đánh đổi lợi ích của nông dân, nông thôn cho công nghiệp hoá, đô thị hoá mà đằng sau đó luôn có bóng dáng các “nhóm lợi ích”.

Biến đổi của nền kinh tế và xã hội nông thôn chứa đựng cả mặt thuận chiều và mặt nghịch chiều, tích cực và tiêu cực. Nhiều làng quê chỉ còn lại phần lớn là người già và trẻ em, thiếu lao động trẻ, có tay nghề, được đào tạo bài bản, thiếu năng lực chuyển đổi sang nền nông nghiệp hiện đại, phát triển kinh tế nông thôn bền vững. Văn hoá bản làng, gia đình, lối sống nông thôn thay đổi nhanh chóng, cả tích cực và tiêu cực đan xen, ảnh hưởng nhiều mặt đến bản sắc văn hoá.

Vì thế, phát triển “tam nông” cần đến cả tư duy và đạo lý phát triển, cần cả trí tuệ và lương tâm từ phía người lãnh đạo - những người luôn phải tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân, có lòng yêu thương nông dân.

Bảo vệ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc là vấn đề hạn chế thua thiệt trước cơ chế thị trường; là vấn đề lớn của xây dựng nông thôn mới, mà ở đó phải gắn kết chặt chẽ giữa giữ gìn các thiết chế văn hoá phong tục tập quán tốt đẹp với loại trừ hủ tục lạc hậu đang cản trở tiến bộ, văn minh.

Từ lãnh đạo đến người dân phải ý thức một cách sâu sắc trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái, vì một nền nông nghiệp xanh, bền vững, vì chất lượng sống của người dân nông thôn, tạo nên các vành đai xanh cho các đô thị đang đứng trước nhiều áp lực “bê tông hoá” và hiệu ứng nhà kính.

PGS.TS Đoàn Minh Huấn

Vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển “tam nông”

Bên cạnh tính phổ biến, cần chú ý tính địa phương , tính tộc người; cần kết hợp chặt chẽ giữa tri thức khoa học và tri thức địa phương. Các sản phẩm thuộc “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) có giá trị cao khi bán trên thị trường, sâu xa chính là sự kết tinh các giá trị tài nguyên bản địa và tri thức địa phương. Chính tri thức địa phương tạo nên những sản phẩm độc đáo phục vụ cho du lịch, tạo nên tính đa dạng của bản sắc văn hoá vùng miền, tộc người, địa phương, nó mang lại những giá trị vượt trội khi trao đổi trên thị trường.

'Cần thu hút những sinh viên được đào tạo bài bản, có tâm huyết với nghề nông trở về nông thôn khởi nghiệp bằng các cơ chế ưu đãi', PGS.TS Đoàn Minh Huấn.

"Cần thu hút những sinh viên được đào tạo bài bản, có tâm huyết với nghề nông trở về nông thôn khởi nghiệp bằng các cơ chế ưu đãi", PGS.TS Đoàn Minh Huấn.

Mặt khác, cần đảm bảo nguồn lực giải quyết những vấn đề cấp bách về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho khu vực nông thôn bảo đảm phát triển bền vững. Đồng thời phát huy vai trò của các ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân để bảo đảm nguồn vốn cho khu vực nông thôn, đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen”.

"Phát triển mô hình trung tâm đấu giá nông sản để bảo đảm giá cả nông sản ổn định, mang lại lợi ích cao nhất cho nông dân. Nghiên cứu các mô hình bảo hiểm nông nghiệp và bảo đảm lương hưu cho nông dân", PGS.TS Đoàn Minh Huấn.

Vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn chỉ được bảo đảm khi năng lực chủ thể được nâng lên tương ứng, bao gồm cả năng lực nhận thức và năng lực hành vi, năng lực cá nhân và năng lực trổ chức thông qua các pháp nhân, các hình thức liên hết, hợp tác, tạo nên sức mạnh cộng đồng mà nếu chỉ tồn tại hộ tiểu nông nhỏ lẻ, tách biệt sẽ gặp rất nhiều thua thiệt, khó đủ khả năng ứng phó với thách thức và tận dụng cơ hội phát triển trong nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế.

Xây dựng quan hệ giai cấp tại nông thôn hướng vào tạo nền tảng vững chắc cho củng cố hệ thống chính trị và dẫn dắt người dân làm kinh tế. Vừa chăm lo giảm nghèo bền vững, vừa đầu tư xứng đáng vào phát triển các nhân tố tiêu biểu, ưu trội có năng lực làm ăn kinh tế, có tinh thần cộng đồng, có tố chất dẫn dắt xã hội nông thôn, kể cả đào tạo, bồi dưỡng, cơ cấu làm bí thư cấp ủy cơ sở.

Đó là những nhà nông thế hệ mới hoặc những hộ kinh doanh kinh tế nông thôn tiêu biểu. Thu hút những sinh viên được đào tạo bài bản, có tâm huyết với nghề nông trở về nông thôn khởi nghiệp bằng các cơ chế ưu đãi vay vốn, tạo quỹ đất phát triển nông trại, ứng dụng khoa học - công nghệ kết hợp với phát huy giá trị tri thức địa phương.

Cần chuyển đổi các trường đào tạo kỹ sư nông nghiệp hướng mạnh vào đào tạo kỹ sư thực hành mà ở đó phải dành ít nhất 50% thời gian để đào tạo xây dựng đề án và thực hành đề án để trở thành những nhà nông chuyên nghiệp (đề án phải xác định được quỹ đất, cơ chế có được quỹ đất, mô hình tổ chức sản xuất, đầu vào, đầu ra sản phẩm, công nghệ ứng dụng, thị trường lựa chọn, địa chỉ cung cấp nguồn vốn, địa chỉ bảo lãnh... và thực nghiệm đề án đó).

Tóm lại, lăng kính mới, cách tiếp cận mới chính là phát triển nền nông nghiệp sinh thái, đa dạng giá trị, đặt trong quan hệ phát triển kinh tế nông thôn; phát triển nông thôn văn minh gắn kết chặt chẽ với đô thị hoá, kết nối không gian nông thôn – đô thị; xây dựng giai cấp nông dân văn minh thật sự là chủ thể cho cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, phát triển nông thôn mà tính chủ thể được hiện diện ở cả năng lực nhận thức và năng lực hành vi, năng lực cá nhân và năng lực tổ chức...

Những vấn đề mới nêu trên được đặt trong tổng thể phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ, hội nhập quốc tế; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu... mà ở đó nông nghiệp, nông thôn có tầm quan trọng đặc biệt, giai cấp nông dân có vị thế xứng đáng và có cuộc sống ngày càng khá giả, văn minh.

Minh Phúc (Ghi)

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.

Thái Bình phục hồi 'làng muối tâm linh’

Hạt muối sạch phơi cát Tam Đồng sẽ được phục hồi gắn với du lịch tâm linh, với di tích Đền Bà chúa Muối nức danh cả nước và sẽ là 'hạt muối di sản'.