Cho tới thời điểm hiện tại, tỷ lệ nhiễm và tử vong tương đối thấp ở Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan là minh chứng thành công trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng y tế công cộng, minh bạch và xã hội ưu tiên lợi ích cộng đồng.
Trở lại những năm 1980, "phép lạ châu Á" trở thành cách nói thời thượng khi đề cập tới Nhật Bản và bốn con hổ ở châu Á gồm Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan.
Những nền kinh tế này được cho là có sự kết hợp độc đáo giữa Nho giáo và bí quyết thị trường cho phép họ đạt được sự tăng trưởng kinh tế nhanh nhất mà thế giới từng thấy.
Ngân hàng Thế giới thậm chí đã thực hiện một nghiên cứu lớn tìm kiếm bí mật cho sự thành công của những con hổ, nghiên cứu "phép lạ của Đông Á".
Sau đó, bong bóng tài sản ở Nhật Bản xì hơi và cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 tấn công những con hổ này. Dân số ở những nước này già đi trong những năm sau chiến tranh. Tăng trưởng chậm lại và câu chuyện kinh tế châu Á trông có vẻ không còn kỳ diệu nữa.
Bây giờ, toàn cầu đang căng sức chống Covid-19, có thể nói, sự sống sót quan trọng hơn mức tăng trưởng 6-8%. Và dường như Nhật Bản và những con hổ châu Á, những quốc gia có vẻ hiệu quả trong kiểm soát dịch Covid-19, có điều gì đó đặc biệt để thế giới trông vào. Đây không phải là một trùng hợp ngẫu nhiên.
Những con số rất ấn tượng. Năm nền kinh tế này chỉ ghi nhận 384 trường hợp tử vong do Covid-19, tính đến ngày 14/4, mặc dù tổng số dân là 215 triệu người. Đó là một tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều - và tỷ lệ lây nhiễm thấp hơn - so với các quốc gia khác, ví dụ cụ thể là Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Dân số Hoa Kỳ khoảng 330 triệu người, nhưng đã ghi nhận hơn 22.000 người chết, cao gấp 70 lần. Trung Quốc, với dân số gấp 6 lần tổng dân số Nhật Bản và bốn con hổ châu Á, có số người thiệt mạng vì Covid-19 gấp khoảng 10 lần.
Tính đến 14/4, Nhật Bản và những con hổ châu Á đều có điểm chung về tỷ lệ nhiễm Covid-19 tương đối thấp và tỷ lệ tử vong thấp.
Hiệu quả đó có được là nhờ sự kết hợp của hệ thống y tế công cộng, chăm sóc sức khỏe tốt; xã hội cởi mở, khoan dung, nơi tin tức xấu có thể lan truyền trong chuỗi; và các xã hội gắn kết, trong đó mọi người có ý thức mạnh mẽ về một lợi ích xã hội lớn hơn, sẵn sàng hy sinh - bằng cách giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, tự nguyện cách ly. Phần còn lại của thế giới cần phải nghiêm túc xem xét phiên bản mới của "phép lạ châu Á" này.
Hệ thống y tế công cộng mạnh mẽ không phải là vấn đề của y học công nghệ cao vì rõ ràng đây là lĩnh vực mà Hoa Kỳ có thế mạnh vượt trội nhưng lại hoàn toàn không thể đối phó với sự tấn công của Covid-19.
Hoa Kỳ dành gần 18% tổng sản phẩm quốc nội cho chăm sóc sức khỏe, gấp đôi mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, nhưng gần như ngay lập tức cạn kiệt 75% khẩu trang cơ bản, chứ chưa nói đến máy thở đắt tiền.
Một phần của Nhật Bản và các con hổ đến nay tạm coi là thành công, và nên nhớ rằng nhiệm vụ đầu tiên của chính phủ là bảo vệ người dân của mình.
Năm nền kinh tế này trong 20 năm qua đã phải chịu đựng sự bùng phát của hội chứng hô hấp cấp tính nặng, cúm gia cầm, cúm lợn, virus Nipah và hội chứng hô hấp Trung Đông. Kiểm tra nhiệt độ trở thành thói quen thường xuyên.
Theo dõi tiếp xúc được tiến hành triệt để và có hệ thống hơn nhiều so với ở hầu hết các nơi trên thế giới. Cách này thường tạo ra phản ứng nhanh chóng giúp đối phó với dịch bệnh mới.
Hàn Quốc thành công trong việc tăng cường xét nghiệm được công nhận trên toàn cầu. Đài Loan cũng tích hợp cơ sở dữ liệu nhập cư với cơ sở dữ liệu bảo hiểm y tế. Dù vẫn còn những lỗ hổng song bức tranh tổng thể tạo ra ấn tượng rất mạnh.
Tuyên bố người dân ở Nhật Bản và bốn con hổ luôn sẵn sàng xem xét lợi ích nhóm hơn là lợi ích cá nhân hẹp hòi có vẻ hơi quá. Nhưng điều này tồn tại và phần lớn vẫn đúng. Nhìn chung, sự sẵn sàng đeo khẩu trang, giữ vệ sinh xã hội tốt và gãn cách nghiêm túc đã được chứng minh là có hiệu quả.
Cuối cùng, tất cả năm nền kinh tế đều có sự minh bạch trong hệ thống của họ. Các quan chức có trách nhiệm, các nhà báo và tổ chức phi chính phủ độc lập làm nhiệm vụ giám sát.
Đó sẽ là những bài học về công nghệ, cũng là bài học về hệ thống, sự tin tưởng và cởi mở để học hỏi từ những sai lầm.