| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 25/10/2023 , 18:11 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 18:11 - 25/10/2023

Phiếu tín nhiệm như thước đo ý thức cống hiến

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 15 vừa lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh cho Quốc hội bầu và phê chuẩn, như một động lực cho ý thức cống hiến.

Phiếu tín nhiệm do mỗi đại biểu Quốc hội đưa ra, cũng là thước đo của lòng dân. Phiếu tín nhiệm có ba mức độ “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp” cũng giúp xã hội hình dung tương đối rõ nét về uy tín và trách nhiệm của mỗi cá nhân đang đảm đương cương vị quan trọng ở từng lĩnh vực. Đối với những lãnh đạo được lấy phiếu tín nhiệm lần đầu, thì giá trị của sự tín nhiệm có thể xem như một lời động viên ân cần hoặc một lời nhắc nhở nghiêm khắc.

Với 481 đại biểu Quốc hội tham gia bỏ phiếu, thì những cá nhân được trên 400 phiếu “tín nhiệm cao”  như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân. Và ở chiều ngược lại, thật mừng là không có cá nhân nào được trên 100 phiếu “tín nhiệm thấp”. Nghĩa là, hầu hết đại biểu Quốc hội đều nhận thấy nỗ lực của từng chức danh trong bối cảnh kinh tế chung gặp nhiều thách thức cam go.

Theo Nghị quyết 96 của Quốc hội, từ kết quả lấy phiếu tín nhiệm, những ai có “tín nhiệm thấp” quá bán, có thể xin từ chức. Bởi lẽ, đây là đường lùi cần thiết cho người không đủ khả năng hoặc không phù hợp với chức vụ đang thực hiện. Trong thời đại văn minh, quan trường là nơi để cống hiến, chứ không phải nơi để tranh đoạt. Nếu đã đối diện “tín nhiệm thấp” thì phải tự trọng nhường cơ hội phụng sự cộng đồng cho người khác.

Từ kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội lần này, có thể thấy được những chức danh càng tiếp xúc trực tiếp với cơm áo nhân dân thì càng đón nhận sự đánh giá khắt khe hơn. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng cảnh tỉnh một số lĩnh vực đang có những biến động gây âu lo cho quần chúng như công thương, y tế, giáo dục, giao thông, văn hóa, du lịch, công nghệ, truyền thông... Nếu không có sự điều chỉnh cải thiện kịp thời thì đời sống bá tánh sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Quốc hội đã tổ chức nhiều đợt lấy phiếu tín nhiệm, và kết quả mỗi đợt lấy phiếu tín nhiệm đều có tác động mạnh mẽ đến tiến trình dân chủ của đất nước. Dù không có mức độ “không tín nhiệm” nhưng thước đo động lực phát triển vẫn đảm bảo. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm không chỉ có ý nghĩa với những chức danh được phê chuẩn, mà còn trở thành một kênh tham khảo hữu ích cho sự đánh giá bức tranh toàn cảnh của đất nước.  

Mặt khác, mỗi đại biểu Quốc hội chính là một “công dân lớn”. Sự tín nhiệm của đại biểu Quốc hội cũng thể hiện thái độ của quần chúng trong việc giám sát hành vi và đánh giá tầm vóc những cá nhân được giao trọng trách. Khoảng cách giữa “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm thấp” đủ sức phơi bày phẩm chất và đóng góp của từng chức danh.

Bình luận mới nhất