| Hotline: 0983.970.780

Phim "Sống cùng lịch sử" ế ẩm: Đạo diễn nói gì?

Thứ Hai 22/09/2014 , 09:21 (GMT+7)

Bộ phim “Sống cùng lịch sử” hiện đang gây bão trong giới truyền thông bởi số tiền làm phim lên đến 21 tỷ đồng nhưng không bán nổi dù chỉ... một tấm vé.

Âm thầm SX, âm thầm ra rạp

Mặc dù "Sống cùng lịch sử" luôn được chiếu trong khung giờ ưu tiên như: 10h, 19h30, 20h tại Trung tâm Chiếu bóng Quốc gia và giá vé chỉ 40.000 - 50.000 đồng nhưng rạp phải thường xuyên hủy chiếu vì không có khán giả.

Trước đây, phim “Lý Công Uẩn”  (đạo diễn Cận Đức Mậu) tiêu tốn cả trăm tỉ đồng, được đem qua Trung Quốc quay nhưng rồi vẫn bị xếp vào kho. Phim “Huyền sử thiên đô” (đạo diễn Phạm Thanh Phong, Đặng Tất Bình) tốn hết 60 tỉ đồng, hoàn thành chậm, không kịp chào mừng 1.000 năm Thăng Long.

Còn phim “Thái sư Trần Thủ Độ” (đạo diễn Ðào Duy Phúc) tốn 57 tỉ đồng nhưng chậm tiến độ đến hơn ba năm nên chỉ phát không cho các đài truyền hình.

Nguyên nhân thì có nhiều. Nhưng nguyên nhân dễ thấy nhất vẫn là khâu quảng bá quá kém. Một bộ phim dù là đặt hàng, được Nhà nước tài trợ nhưng không được quảng bá rộng rãi, ra rạp theo kiểu chiếu cho có, phim lỗ cũng "chẳng chết ai".

Chính vì tư duy kiểu bao cấp như vậy mà rất nhiều bộ phim dù được Nhà nước rót hàng tỉ, thậm chí vài chục tỉ đồng như “Sống cùng lịch sử” đều không đến được với khán giả.

Phim do Nhà nước đầu tư đã bỏ mất khía cạnh truyền thông trong kinh phí được duyệt nên âm thầm SX và âm thầm ra rạp cũng là điều hết sức dễ hiểu. Đạo diễn phim, NSND Nguyễn Thanh Vân nói thẳng do khâu quảng bá quá kém, như ông ví von: “Bỏ tiền may áo mà không dám bỏ tiền làm khuy nút”.

Quay lại với bộ phim “Sống cùng lịch sử”, có tổng đầu tư 21 tỉ đồng nhưng chỉ dành 50 triệu đồng cho các hoạt động quảng bá phim: treo banner, in poster, họp báo, quảng cáo trên các phương tiện truyền thông...

Hơn nữa lại không được những nhà phát hành mạnh đảm trách, trong bối cảnh phim ngoại nhập không những áp đảo về số lượng, chất lượng, mà còn áp đảo về khâu truyền thông, phát hành, suất chiếu... nên phim lịch sử Nhà nước càng lép vế là điều dễ hiểu.

Một đơn cử dễ thấy về sự yếu kém ở khâu quảng bá, ngoài “Sống cùng lịch sử” là phim lịch sử “Mỹ nhân” (đạo diễn Đinh Thái Thụy) do Nhà nước đầu tư sẽ bấm máy vào ngày 23/9/2014 tại Huế, thế nhưng đến nay trên mạng vẫn rất ít thấy hoặc không thấy thông tin.

“Mỹ nhân” vốn thuộc nhóm bốn phim đã được Bộ VHTTDL phê duyệt đầu tư cùng đợt với “Nhà tiên tri” (đạo diễn Vương Đức), “Sống cùng lịch sử” (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân), “Những đứa con của làng” (đạo diễn Nguyễn Đức Việt).

Với cả bốn phim này, các thông tin như ngày bấm máy, đóng máy, ra rạp... vẫn là một "bí ẩn”. Dù “Những đứa con của làng” được truyền thông quan tâm nhiều hơn chút đỉnh, chủ yếu do Trần Bảo Sơn đóng vai chính nên phim được “ăn theo” chiến lược truyền thông cá nhân của diễn viên này.

“Sống cùng lịch sử” cũng trong tình cảnh tương tự như những bộ phim lịch sử có cùng số phận. Toàn bộ quá trình SX phim hoàn toàn không có thông tin quảng bá, ngoại trừ việc báo chí tự tìm đến.

Sau khi xong phim, có đúng một buổi ra mắt tại phòng chiếu lớn nhất Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, sau đó chỉ là một suất chiếu nhỏ ra mắt báo chí.

Nỗi buồn của vị đạo diễn

Khi được hỏi về tương lai của bộ phim khi ra rạp, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho biết, lúc bắt tay vào làm phim ông cũng không ảo tưởng rằng phim của mình sẽ ăn khách bởi lẽ, khán giả ngày nay khá thờ ơ với các bộ phim lấy đề tài về lịch sử.

Tuy nhiên, "kết quả như hiện nay khiến tôi cảm thấy rất buồn vì tâm huyết và sự nỗ lực không chỉ của bản thân tôi mà còn của gần 300 người khác đã không được đáp lại", vị đạo diễn tâm sự.

Tuy nhiên, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho rằng, cách đưa tin của một số tờ báo về vấn đề bán vé của phim “Sống cùng lịch sử” là "thiếu thiện chí". Nhưng khi được hỏi con số vé cụ thể được bán ra tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia trong thời gian phim được công chiếu thì đạo diễn Nguyễn Thanh Vân từ chối trả lời.

Như vậy, không phải nhà SX của các bộ phim Nhà nước không biết truyền thông có hiệu quả thế nào cho bộ phim. Nhưng cơ chế quản lý, cách thức SX của dòng phim Nhà nước vẫn còn nhiều tồn tại từ thời điện ảnh bao cấp đến nay vẫn chưa chịu thay đổi triệt để.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho biết, phim Nhà nước vẫn được phát hành theo hệ thống cũ tới các rạp chiếu bóng địa phương, các đơn vị chiếu lưu động khắp 63 tỉnh, thành, nên không thể vội quy kết phim của ông không đến được với khán giả.

Bị trói bởi barem cũ

“Như tôi đã nói, mọi kinh phí của phim Nhà nước đều bị trói chặt bởi các barem cũ. Nhưng điều cơ bản hơn là chúng tôi, các nghệ sĩ chỉ quen làm phim mà không biết cách đi bán sản phẩm.

Chúng tôi chỉ có thể cố gắng thay đổi trong chừng mực nào đó tư duy làm phim của mình, chứ không thể thay đổi từ tư duy làm phim sang tư duy bán hàng.

Điều này vô cùng quan trọng, thậm chí là sống còn với điện ảnh. Cần có một hãng phát hành chuyên nghiệp, hoặc một bộ phận phát hành chuyên nghiệp trong hãng SX. Các hãng phim Nhà nước hiện chưa có.

Chúng ta không nhìn ra được mục tiêu này để đào tạo nhân lực trong một thời gian rất dài. Và bây giờ thì không có ai làm điều đó cả”, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân.

 

Xem thêm
Lật mặt 7 chạm mốc hơn 60 tỷ sau 2 ngày công chiếu

Sau hai ngày công chiếu, tính cả những suất chiếu sớm, phim 'Lật mặt 7: Một điều ước' đã thu về hơn 60 tỷ đồng, vượt xa phim Mai của Trấn Thành.

Nhận định Man United vs Burnley: Thắng để hy vọng

Trận đấu giữa Man United vs Burnley trong khuôn khổ vòng 35 Premier League sẽ diễn ra vào lúc 21h00 ngày 27/4/2024 trên sân vận động Old Trafford.

HLV Hoàng Anh Tuấn chia tay U23 Việt Nam để nhường ghế cho HLV ngoại

HLV Hoàng Anh Tuấn kết thúc nhiệm vụ dẫn dắt tạm quyền đội U23 Việt Nam sau vòng chung kết U23 châu Á tại Qatar.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm