Bộ phim “Đỉnh mù sương”, tác phẩm đầu tay của đạo diễn Phan Anh, vừa được công chiếu với sự góp mặt của nhiều võ sĩ tên tuổi như Peter Phạm, Trương Đình Hoàng, Simon Kook…
Khi quy tụ những tên tuổi của giới võ thuật đến phim trường, đạo diễn Phan Anh không giấu giếm tham vọng hiện thực hóa giấc mơ đưa võ thuật vào điện ảnh.
Thế nhưng, từ trường hợp “Đỉnh mù sương”, công chúng ít nhiều băn khoăn: dùng võ sĩ chuyên nghiệp như những diễn viên chuyên nghiệp, có phải là con đường của phim võ thuật Việt Nam không?
Trước đây, điện ảnh Việt có một võ sư đích thực tham gia đóng phim là Nghệ sĩ Nhân dân Lý Huỳnh. Đáng tiếc, tài năng quyền cước của Lý Huỳnh không được chú trọng phát huy trọn vẹn trên màn ảnh. Những đứa con nối nghiệp của Lý Huỳnh như Lý Hùng hoặc Lý Hương đều có sở trường võ thuật, nhưng cũng không tạo được hiệu ứng trên màn bạc.
Đó là một điều cần phải suy tư lại thật nghiêm túc. Bởi lẽ, nền điện ảnh Hồng Kong - Trung Quốc đã trưng dụng và hướng dẫn nhiều gương mặt võ thuật trở thành diễn viên phim hành động chuyên nghiệp.
Nếu không tính tượng đài Lý Tiểu Long, thì nhiều diễn viên giỏi võ khác của họ đã làm nên cả một dòng phim cực kỳ hấp dẫn như Thành Long, Hồng Kim Bảo, Lý Liên Kiệt, Thích Tiểu Long…
Phim võ thuật không phải câu chuyện riêng của võ học và cũng không phải câu chuyện riêng của điện ảnh. Kết hợp võ học và điện ảnh thực sự mang tính thách thức cho nghệ thuật làm phim.
Bởi lẽ, nếu chỉ đánh đấm loạn xạ mà thiếu vắng nét biểu cảm thì màn ảnh giống như đoạn phim tường thật những trận thượng đài đấu võ. Ngược lại, nếu múa may ưỡn ẹo thì tính chất hành động của phim võ thuật trở thành trò cười cho những người tinh mắt.
Diễn viên Lý Hùng cho rằng: “Điện ảnh là cách tốt nhất để quảng bá về võ thuật Việt Nam. Tôi có thể tự hào võ thuật Việt Nam không hề thua kém bất cứ nền võ công nào khác, nhưng chúng ta chưa có công nghệ làm phim võ thuật”.
Trong hai thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, điện ảnh Việt đã có hàng loạt bộ phim võ thuật được công chúng yêu mến. Thành quả ấy, có được là nhờ một số diễn viên Việt kiều từng đóng vai phụ cho các phim hành động ở Hollywood đã đem về những ham muốn làm phim võ thuật Việt.
Trừ bộ phim “Bụi đời Chợ Lớn” quá bạo lực bị cấm chiếu, thì có vài bộ phim Việt cũng đánh đấm ra trò, mà khởi đầu vang dội nhất là bộ phim “Dòng máu anh hùng” của đạo diễn Charlie Nguyễn vào năm 2007.
Tiếp theo là phim “Bẫy rồng” của đạo diễn Lê Thanh Sơn và bộ phim “Huyền thoại bất tử” của đạo diễn Lưu Huỳnh cùng bấm máy vào năm 2009.
Sau nữa là bộ phim “Lửa Phật” của đạo diễn Dustin Nguyễn vào năm 2013 và bộ phim “Kungfu Phở” của đạo diễn Nguyễn Quốc Duy vào năm 2015. Và mới nhất là bộ phim “Hai Phượng” của đạo diễn Lê Văn Kiệt.
Trong các bộ phim võ thuật kể trên, quẩn quanh chỉ có ba gương mặt Dustin Nguyễn, Johnny Trí Nguyễn và Ngô Thanh Vân. Nếu như Dustin Nguyễn và Johnny Trí Nguyễn đã luyện võ từ nhỏ, thì Ngô Thanh Vân chỉ được tập luyện khi nhận được kịch bản.
Do vậy, nỗ lực của Ngô Thanh Vân rất đáng khen ngợi. Dù không đạt tầm của các “đả nữ” châu Á như Dương Tử Quỳnh, Lý Trại Phương, Hồ Tuệ Trung, Đàm Lam… nhưng con đường từ sàn catwalk bước sang phim trường hành động của Ngô Thanh Vân khiến những chân dài khác phải kính nể.
“Đả nữ” Ngô Thanh Vân tâm sự với những cô gái muốn theo nghiệp như mình: “Ngày xưa lúc đóng “Dòng máu anh hùng” hay “Bẫy rồng”, tôi còn trẻ, còn máu lửa và sức khỏe. Giờ tôi tự cảm nhận sự hạn chế của cơ thể đối với việc quay phim hành động.
Mẹ tôi cũng khuyên tôi không nên đóng phim hành động nữa. Bà rất xót xa khi thấy con gái đóng cảnh đánh đấm dưới trời 39 độ và lo sợ tôi sẽ... chết khi xem cảnh quay tôi chìm dưới nước.
Một số bạn trẻ bày tỏ mong muốn được làm “đả nữ”, tôi nói vui là hãy xem phim “Hai Phượng” trước rồi suy nghĩ lại. Muốn trở thành đả nữ phải được đào tạo ít nhất một năm, hơn nữa cần có sự nam tính một chút như tôi.
Con gái mấy ai sẵn lòng bị bầm dập đầy mình. Một đả nữ phải có sự cân bằng giữa sức khỏe để đóng các cảnh hành động và có khả năng diễn xuất tốt”.
Bộ phim “Đỉnh mù sương” toàn võ sư thật, nhưng các chiêu thức trên phim vẫn chưa đủ thuyết phục như các bộ phim võ thuật quốc tế? Vì sao như vậy?
Võ sư Cung Lê, người từng đóng phim võ thuật chung với các tài tử Mỹ và Trung Quốc lừng lẫy nhất, nhận định: “Quan điểm của tôi là phim hành động phải là phim hành động thật sự, chứ không phải giả hành động. Diễn viên đóng phim hành động phải là những người dấn thân cho vai diễn chứ không phải là do kĩ xảo quay.
Tôi thấy những người làm phim hành động ở Việt Nam vẫn chưa có sáng tạo riêng, chưa học thêm cách làm thế nào để cho bộ phim hành động của mình khác với của Mỹ, của Malaysia hay Trung Quốc”.
Sự có mặt những võ sĩ tên tuổi trong bộ phim “Đỉnh mù sương”, tuy chưa thu được kết quả mỹ mãn về doanh thu, nhưng cũng là gợi ý cho nhiều nhà làm phim Việt Nam.
Thực tế, cũng có không ít diễn viên Việt Nam đã thi triển công phu trên màn ảnh quốc tế. Nếu như Cung Lê từng diễn cùng Dennis Quaid trong bộ phim “Fighting” và diễn cùng Chân Tử Đan trong bộ phim “Thập nguyệt vi thành”, thì diễn viên Dustin Nguyễn cũng xuất hiện trong gần chục bộ phim võ thuật được dàn dựng theo tiêu chuẩn Hollywood.
Bây giờ, ở tuổi 58, diễn viên Dustin Nguyễn chia sẻ: “Kinh phí với phim Việt nói chung là vấn đề còn khá nan giải, đặc biệt với các phim võ thuật, nhưng qua thực tế làm việc của “Dòng máu anh hùng” hoặc “Huyền thoại bất tử” thì rõ ràng chúng ta không nên quá bi quan.
Việt Nam có truyền thống về ứng dụng võ thuật vào đời sống - nhất là trong chiến tranh, các tỉnh có truyền thống võ như Bình Định là một ví dụ.
Theo tôi, phim võ thuật cũng là một ứng dụng võ hữu ích; nay chúng ta đã có được giải pháp sản xuất hợp lý, chúng ta có quyền nghĩ về phim võ thuật kiểu Việt Nam! Tôi có ước muốn mình sẽ làm một phim võ thuật kiểu Việt Nam hoàn toàn, với câu chuyện về những nhà sư xuống núi giúp quân khởi nghĩa chống ngoại xâm.
Tôi cũng đang nhờ các võ sư Việt tư vấn và tìm các binh khí, các chiêu thức đặc trưng của võ cổ truyền Việt Nam, để khi lên phim, người xem đỡ nhàm chán. Tôi cũng muốn đưa chất võ Bình Định và miền Trung vào phim.
Tuy nhiên, tôi không thích nói trước khi làm, nhưng giải pháp chính là phim nói tiếng Anh, hướng ra thị trường người xem ở bên ngoài, để vấn đề tìm kiếm kinh phí và thu hồi vốn cũng đỡ phải lo một phần”.
Một gương mặt từng làm mưa làm gió trên phim võ thuật là diễn viên Johnny Trí Nguyễn cũng có kế hoạch riêng khi mở võ đường Liên Phong tại quận 7 - TP.HCM: “Từ khi về Việt Nam làm phim đến giờ, gắn bó, ở lại và mở võ đường, tôi đã có ý muốn đào tạo ra những người có thể vừa tập võ để khỏe mạnh vừa để tạo ra nhiều người cung ứng cho phim hành động Việt”.
Chuẩn bị nhân lực cho phim võ thuật Việt, có lẽ là bước đi ban đầu cần thiết nhất để tương lai có được những tác phẩm điện ảnh về quyền cước thật ngoạn mục và hấp dẫn.