| Hotline: 0983.970.780

Tình yêu sử học Việt Nam của giáo sư Trần Kinh Hoà

Thứ Ba 03/12/2024 , 13:27 (GMT+7)

Nhiều lần sang Việt Nam để khảo sát các nguồn tư liệu lịch sử, GS Trần Kinh Hoà tích lũy được vốn tri thức khổng lồ trải rộng trên nhiều lĩnh vực.

Sách Trần Kinh Hoà (Chen Ching Ho): 'Sử Việt nhìn từ tài liệu nguồn'.

Sách Trần Kinh Hoà (Chen Ching Ho): “Sử Việt nhìn từ tài liệu nguồn”.

GS Trần Kinh Hòa (Chen Ching Ho: 1917-1995) là một học giả người Đài Loan (Trung Quốc) nổi tiếng dành nhiều cảm tình và tâm huyết để nghiên cứu về Việt Nam. Tác phẩm của ông được Nguyễn Mạnh Sơn tuyển dịch và biên soạn trong cuốn “Sử Việt nhìn từ tài liệu nguồn” (Nxb Đà Nẵng, 2023). Ấn phẩm này vừa được trao giải C - sách Quốc gia lần thứ VII (29/11/2024).

Sử tịch quan phương Việt Nam

Nhiều lần sang Việt Nam để khảo sát các nguồn tư liệu lịch sử khi ông được mời sang giảng dạy tại Đại học Huế, Đại học Sài Gòn (sau đó trở thành con rể Việt Nam), nhờ thế GS Trần Kinh Hòa tích lũy được vốn tri thức khổng lồ trải rộng trên nhiều lĩnh vực: thư chí, ngôn ngữ, lịch sử, Hoa kiều ở Việt Nam. Lĩnh vực nào các nghiên cứu của ông cũng thể hiện sự công phu, nghiêm cẩn trong khảo chứng, so sánh các nguồn tư liệu.

Giáo sư Trần Kinh Hoà.

Giáo sư Trần Kinh Hoà.

GS Trần Kinh Hòa có nhiều nghiên cứu đáng chú ý về sử tịch quan phương của Việt Nam. Đó là Đại Việt sử lược, tức là cuốn Việt sử lược hiện nay. Nhà thư tịch Trần Văn Giáp (1898 – 1973) cho rằng Đại Việt sử ký được Lê Văn Hưu biên soạn năm 1272 hoàn toàn chẳng liên quan gì đến Đại Việt sử lược do Trần Chu Phổ, sử gia triều Trần biên soạn. Trần Văn Giáp còn cho rằng Trần Chu Phổ sống sau Lê Văn Hưu cả thế kỷ.

Qua khảo chứng, đối chiếu so sánh sử liệu, GS Trần Kinh Hòa đã bác bỏ nhận định này. Theo ông, Trần Chu Phổ còn là bậc tiền bối của Lê Văn Hưu và soạn Đại Việt sử lược vào khoảng những năm 125x. Đến năm 1272 thì Lê Văn Hưu dựa vào bộ sử của Trần Chu Phổ mà soạn ra Đại Việt sử ký dâng lên triều đình. Đó là cuốn quốc sử đầu tiên của Việt Nam (về sau thất truyền, chỉ còn một số nội dung được sử gia Ngô Sỹ Liên chép lại trong Đại Việt sử ký toàn thư).

Tác giả Nguyễn Mạnh Sơn (thứ 2 từ trái qua phải) nhận Giải C – sách Quốc gia (29/11/2024).

Tác giả Nguyễn Mạnh Sơn (thứ 2 từ trái qua phải) nhận Giải C – sách Quốc gia (29/11/2024).

Cùng các đồng sự, GS Trần Kinh Hòa cũng dành nhiều tâm huyết và thời gian để hiệu hợp bản Đại Việt sử ký toàn thư. Theo tác giả Nguyễn Mạnh Sơn “Có lẽ đây là công trình công phu nhất từ trước đến nay nghiên cứu về vấn đề văn bản sách Đại Việt sử ký toàn thư”. Lý do được người tuyển dịch đưa ra là: GS Trần Kinh Hòa đã sưu tầm được hàng chục bản khắc của sách này, sau đó tiến hành đối chiếu, so sánh, phân tích để từ đó phác họa quá trình truyền bản của Đại Việt sử ký toàn thư.

Giáo sư GS Trần Kinh Hòa còn quan tâm đến bộ sử Đại Nam thực lục và nguồn tư liệu Châu bản triều Nguyễn. Công trình quan trọng trong cuộc đời ông phải kể tới là Mục lục Châu bản triều Nguyễn qua 2 đời vua Gia Long và Minh Mạng.

Các nguồn tài liệu tư sử

Bên cạnh chính sử, GS Trần Kinh Hòa cũng khảo sát cả các nguồn tài liệu tư sử. Đầu tiên phải kể đến Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực. Ông cho rằng đây là một bộ sử quan trọng bổ khuyết cho Đại Nam thực lục Đại Nam liệt truyện khi nghiên cứu về triều Nguyễn. Trần Kinh Hòa lưu tâm đến sách Vãng Tân nhật ký của Nguyễn Thuật - ghi chép chuyến đi sứ Thiên Tân năm 1881 - chuyến đi sứ Trung Quốc cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Những ghi chép trong Vãng Tân nhật ký của Nguyễn Thuật giúp hậu thế biết được bút ký là phương thức giao tiếp giữa sứ thần Việt Nam với các nhà duy tân của Trung Quốc và Nhật Bản.

Về ngôn ngữ học, về tiếng Việt, GS Trần Kinh Hòa cũng có những nghiên cứu đáng chú ý: hình thái và niên đại sáng chế của chữ Nôm; khảo cứu và phiên dịch bộ sách Tự Đức thánh chế tự học giải nghĩa ca - được xem là bộ tự điển chữ Nôm chính thống của triều Nguyễn. Tiêu biểu nhất là nghiên cứu về An Nam dịch ngữ. Đây là một nguồn từ liệu quan trọng để nghiên cứu thanh mẫu của tiếng Việt thời Trung đại. Ngoài ra ông khảo sát cả các vấn đề như truyền bản, nguồn gốc và niên đại biên soạn An Nam dịch ngữ.

Về lịch sử Việt Nam, GS Trần Kinh Hòa cũng có nhiều nghiên cứu nổi bật như: nguồn gốc An Dương Vương, Việt Nam trong thời Ngũ Đại (thế kỷ 10) từ họ Khúc, họ Ngô, đến thập nhị sứ quân... Ông còn nghiên cứu về thời kỳ Nam - Bắc phân tranh (chiến tranh Đàng Trong – Đàng Ngoài) thế kỷ 17-18, hay nghiên cứu về Hà Nội thế kỷ thứ 17, và nghiên cứu chí hướng hiện đại hóa Việt Nam thời Tự Đức qua mối quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Hương Cảng…

Pano giới thiệu sách 'Sử Việt nhìn từ tài liệu nguồn' – tác giả GS Trần Kinh Hoà và dịch giả Nguyễn Mạnh Sơn.

Pano giới thiệu sách “Sử Việt nhìn từ tài liệu nguồn” – tác giả GS Trần Kinh Hoà và dịch giả Nguyễn Mạnh Sơn.

Hoa kiều ở Việt Nam là mảng đề tài được GS Trần Kinh Hòa quan tâm nhất, nghiên cứu công phu nhất và số lượng nghiên cứu cũng nhiều nhất. Đó là cuốn sách biên khảo Sử liệu mới về Quảng Nam thế kỷ 17: Hải ngoại kỷ (Trung Hoa tùng thư, Đài Bắc, 1960). Toàn bộ phần khảo cứu của Trần Kinh Hòa về danh tăng cuối thời nhà Minh tên là Thích Đại Sán - tác giả của cuốn sách Hải ngoại kỷ sự, đã đến Đàng Trong (Việt Nam) thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Thích Đại Sán đã ghi chép lại những điều mắt thấy tai nghe trong hành trình thuyết giảng Phật pháp ở Việt Nam vào sách Hải Ngoại kỷ sự. Th.S Nguyễn Mạnh Sơn cho biết: Khảo cứu tiên phong của Trần Kinh Hòa về Thích Đại Sán cho đến hiện nay vẫn là nguồn tư liệu không thể nào thiếu đối với các nhà khoa học nghiên cứu về giai đoạn này.

Dòng họ Mạc ở Hà Tiên - nổi tiếng với nhân vật Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích - cũng là một chủ đề tốn rất nhiều công sức và giấy mực của GS Trần Kinh Hòa. Có công lao to lớn trong việc khai phá vùng đất Hà Tiên, biến nơi đây trở thành trù phú và phát triển, sau này Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích thần phục và trở thành đại thần của chúa Nguyễn.

Không chỉ dừng lại ở việc khảo cứu về nguồn gốc, về chính trị, kinh tế của họ Mạc ở Hà Tiên, thành tựu về văn học nghệ thuật của họ Mạc cũng rất được GS Trần Kinh Hòa lưu tâm và khảo cứu. Đó là công trình “Hoạt động văn học của họ Mạc ở Hà Tiên: Chủ yếu xoay quanh Hà Tiên thập vịnh” (1967) - tập thơ đầu tiên được Mạc Thiên Tứ cho khắc in năm 1737. Hà Tiên thập vịnh được sử gia Phan Huy Chú đánh giá là “êm ái, xinh đẹp, đáng học”.

“Trong khả năng hạn hẹp và kiến văn ít ỏi của bản thân, chúng tôi nhận thấy vai trò quan trọng của GS Trần Kinh Hoà trong bức tranh nghiên cứu về Việt học thế kỷ XX, rất nhiều nghiên cứu của GS Trần Kinh Hoà cho đến tận ngày nay vẫn còn rất giá trị, được xem như nguồn tư liệu tham khảo không thể thiếu đối với học giới hiện tại và sau này. Tiếc là các nghiên cứu của giáo sư mới chỉ được dịch hoặc viết sang tiếng Việt một phần nhỏ khiến học giới Việt Nam khó có cơ hội được tiếp cận tổng quan các nghiên cứu.

Nhận thấy sự thiếu hụt đó chúng tôi đã không quản ngại tâm sức và thời gian, tiến hành sưu tập tư liệu, tuyển dịch các nghiên cứu liên quan đến Việt học, lập đề cương biên soạn thành từng quyển sách nhỏ đặng giới thiệu thành quả học thuật của GS Trần Kinh Hoà đến với Việt Nam” (Nguyễn Mạnh Sơn - người tuyển dịch và biên soạn “Sử Việt nhìn từ tài liệu nguồn”).

Xem thêm
Man.City tìm lại cảm giác chiến thắng

Man 'xanh' bắt đầu lấy lại phong độ và quyết không bỏ cuộc khi giành thêm chiến thắng tại vòng 20 giải Ngoại hạng Anh 2024/2025.

Xuân Son lập cú đúp, Việt Nam hạ gục Thái Lan

Phú Thọ Hai bàn trong hiệp 2 của người dẫn đầu danh sách vua phá lưới ASEAN Cup 2024 giúp đội tuyển Việt Nam thắng 2-1 ở chung kết lượt đi tối 2/1.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.