| Hotline: 0983.970.780

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Người tạo đột phá phát triển nông thôn Hải Phòng

Thứ Bảy 26/08/2023 , 10:53 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Thành phố đầu tư nhiều cho đô thị, giao thông cũng tương đối rồi, giờ sẽ quan tâm cho khu vực nông thôn để người dân tiếp cận những giá trị văn minh đô thị.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khi còn là Bí thư Thành ủy Hải Phòng, dự hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Đàm Thanh.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khi còn là Bí thư Thành ủy Hải Phòng, dự hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Đàm Thanh.

Quyết sách về nông thôn chưa có tiền lệ

Sau khi Phó Thủ tướng Lê Văn Thành từ trần, cả TP Cảng Hải Phòng như cùng chung cảm xúc, đâu đâu người dân bày tỏ sự tiếc thương. Thương vì sự mến mộ, tiếc vì sự phát triển của Hải Phòng, của đất nước vẫn cần đến sự đóng góp của ông.

Nói về cố Phó Thủ tướng, đến nay nhiều người dân Hải Phòng vẫn quen gọi là Bí thư. Có lẽ dấu ấn mà ông để lại cho người dân Đất Cảng khi ông còn lãnh đạo địa phương quá ấn tượng và sâu đậm. Những năm qua, ông được người dân Hải Phòng đánh giá là người dám làm dám chịu, nghĩ lớn, làm lớn, quyết liệt, người tạo cảm hứng cho các dự án, người xây hàng chục cây cầu hay là người có khát vọng đưa TP Cảng vươn tầm khu vực.

Trong thời gian làm lãnh đạo tại TP Hải Phòng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã hình thành được bộ máy một chính quyền kiến tạo, phục vụ, liêm chính, hành động.

Ông nhiều lần khẳng định, trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố, không có chỗ cho sự trì trệ, vô cảm, nhũng nhiễu, phiền hà và tuyên bố sẽ kiên quyết loại trừ những cán bộ cố tình cản trở sự phát triển của thành phố ra khỏi bộ máy chính quyền các cấp.

Chỉ trong 1 nhiệm kỳ dưới thời Bí thư Lê Văn Thành, bức tranh kinh tế Hải Phòng thay đổi ngoạn mục với quy mô tăng gấp 2,1 lần năm 2015; tổng thu ngân sách nội địa trong 5 năm 2016-2020 đạt 120 nghìn tỷ đồng, gấp 2,65 lần giai đoạn trước đó chỉ ở con số 45 nghìn tỷ đồng. Hải Phòng cũng đã xây dựng tới 46 cây cầu, kết nối Hải Phòng với các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình, kết nối các đường cao tốc, biến Hải Phòng trở thành trung tâm kết nối với các vùng kinh tế quan trọng ở đồng bằng sông Hồng.

Hải Phòng bứt phá mạnh mẽ dưới thời ông Lê Văn Thành làm Bí thư. Ảnh: Đàm Thanh.

Hải Phòng bứt phá mạnh mẽ dưới thời ông Lê Văn Thành làm Bí thư. Ảnh: Đàm Thanh.

Có thể khẳng định, dưới thời Bí thư Lê Văn Thành, những thủ tục hành chính rườm rà không đáng có, cản trở sự phát triển chung đã dần được tháo gỡ, tiềm năng của thành phố cảng trực thuộc Trung ương được khơi dậy và TP Hải Phòng bước vào một giai đoạn lịch sử mới, phát triển mạnh mẽ, được Trung ương ghi nhận, các địa phương nể phục và người dân cảm thấy tự hào.

Về Hải Phòng hôm nay, diện mạo khu vực nông thôn đã thực sự lột xác, nhất là những xã đã hoàn thành NTM kiểu mẫu với những tuyến đường giao thông rộng thênh thang, tuyến trục xã lên huyện rộng đến 9m, có cả vỉa hè. Là làng quê nhưng đêm đêm điện chiếu sáng từ đầu làng đến cuối xóm, người dân đi lại tấp nập, trẻ em nô đùa rộn ràng, kéo theo đó dịch vụ bắt đầu phát triển, quán xá, cửa hàng,… đầy đủ, chẳng khác gì khu vực đô thị.

Có được thành quả này, không nhiều người biết rằng, đó là ý tưởng và sự quyết đoán trong thời khắc then chốt của cố Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khi ông còn là Bí thư Thành ủy Hải Phòng để sau đó cả hệ thống chính trị vào cuộc rồi có sự đầu tư nguồn lực lớn chưa từng có cho xây dựng NTM kiểu mẫu như ngày hôm nay.

Là Giám đốc Sở NN-PTNT khi cố Phó Thủ tướng còn làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, được tiếp cận những ý tưởng đầu tiên về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, ông Phạm Văn Thép, Bí thư Huyện ủy Thủy Nguyên đến nay vẫn còn nhớ như in những chỉ đạo trực tiếp, tận tâm của ông.

Ông Phạm Văn Thép - Bí thư Huyện ủy Thủy Nguyên chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam về những kỷ niệm với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Phạm Văn Thép - Bí thư Huyện ủy Thủy Nguyên chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam về những kỷ niệm với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Thép nhớ lại, năm 2019, sau khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành lúc đó là Bí thư Thành ủy Hải Phòng đã gọi lên để trao đổi trực tiếp về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Sau khi nắm bắt tình hình, ông Thành nói rằng “Đô thị trung tâm, các quận đã được đầu tư khá nhiều, những năm qua thành phố cũng đã đầu tư nhiều cho cầu, đường, bây giờ thành phố sẽ đầu tư về cho nông thôn, đây là khu vực ít được quan tâm. Đồng chí Giám đốc Sở NN-PTNT nghiên cứu phương án rồi báo cáo”.

Tiếp đó, ngày 19/10/2019, Trung ương tổ chức tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới tại Nam Định, dự hội nghị xong, ông Phạm Văn Thép cùng ông Nguyễn Văn Tùng (Chủ tịch UBND TP Hải Phòng) được Bí thư Lê Văn Thành gợi ý, trao đổi về xây dựng nông thôn mới ở Hải Phòng giai đoạn mới.

Lúc này do chưa có khái niệm về nông thôn mới kiểu mẫu hay nông thôn mới nâng cao, Trung ương cũng chưa ban hành chủ trương, kế hoạch cụ thể nên ông Lê Văn Thành chỉ tạm gọi là nông thôn mới giai đoạn tiếp theo, tuy nhiên ý tưởng chính là nông thôn mới kiểu mẫu như hiện nay.

Tại đây, Phó Thủ tướng đã trao đổi và yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hải Phòng và ông Phạm Văn Thép là trong giai đoạn tiếp theo cố gắng nghiên cứu, bố trí 1/3 ngân sách của TP Hải Phòng cho xây dựng nông thôn mới.

Diện mạo nông thôn Hải Phòng thay đổi mạnh mẽ. Ảnh: Đinh Mười.

Diện mạo nông thôn Hải Phòng thay đổi mạnh mẽ. Ảnh: Đinh Mười.

Theo ông Thép, ý tưởng của cố Phó Thủ tướng Lê Văn Thành lúc đó là sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho khu vực nông thôn, trong đó lấy giao thông làm điểm nhấn và mở rộng đường giao thông là điểm nhấn. Ngoài đáp ứng nhu cầu giao thông, cảnh quan khu vực nông thôn thì sẽ tạo ra không gian mới để phát triển vì “giao thông mở đến đâu kinh tế sẽ phát triển đến đó”.

“Lúc đó Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói với tôi là đợt này sẽ đầu tư nguồn lực đáng kể của thành phố cho khu vực nông thôn. Đồng chí giám đốc Sở NN-PTNT cùng một số sở, ngành nghiên cứu tham mưu cho Thành ủy để làm một mô hình thật sự hiệu quả, để người dân nông thôn được được tiếp cận văn minh và những nền tảng hiện đại mà người dân đô thị đang được hưởng”, ông Thép nhớ lại.

Theo chỉ đạo này, sau khi dự hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới về, ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã trực tiếp chỉ đạo và giao Sở NN-PTNT là cơ quan chủ trì cùng với một số sở, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất, tham mưu cho Thường trực Thành ủy mô hình nông thôn mới đáp ứng được các tiêu chí như Bí thư Thành ủy yêu cầu.

Sau khi nghiên cứu, Sở NN-PTNT đã đề xuất một số phương án về đường giao thông trục xóm, trục xã, liên xã, rồi trục từ xã lên huyện trên cơ sở đường cũ, nếu còn không gian thì làm thêm, còn đất làm đường còn đến đâu thì làm đến đó.

Nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Đồng Thái, huyện An Dương. Ảnh: Đinh Mười.

Nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Đồng Thái, huyện An Dương. Ảnh: Đinh Mười.

Sở dĩ đề xuất như vậy bởi qua rà soát tại các địa phương, đường trục từ huyện về xã, rộng nhất là 7m, đường liên thôn rộng khoảng 5m còn đường ngõ xóm thì rộng chưa được 3m. Các tuyến đường cũ, nhà dân đã xây sát lề đường, rất khó để giải phóng mặt bằng.

Mặt khác, quá trình triển khai, khi làm việc với các huyện, địa phương đều trăn trở, băn khoăn, có làm được không, đường trục có 5-6, giờ mở đến 9m, thêm vỉa hè nữa là 12m, lại giải phóng 0 đồng, tất cả đều phải vận động và ngườii dân tự nguyện bàn giao mặt bằng,… tất cả đều nghĩ là điều gần như không thể.

“Thời điểm này giá đất tăng cao, việc giải phóng mặt bằng nhiều dự án trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn nên chúng tôi chỉ tính phương án làm hết đất, nghĩa là đất còn đến đâu thì làm đường đến đó. Chúng tôi đề xuất đường trục xã thì làm 7m, đường trục thôn thì làm rộng 5m, còn đường ngõ xóm thì cố gắng mở được 3m nên chúng tôi đề xuất như vậy”, ông Thép bày tỏ.

Tưởng như đó là phương án tốt nhất rồi nhưng sau khi nghe báo cáo, Bí thư Thành ủy Hải Phòng lúc đó đã gạt phăng và cầu phải mở rộng đường giao thông, làm như khu vực đô thị, đường từ xã lên huyện sẽ rộng 9m, đường trục thôn sẽ rộng 7m, đường thôn là 5,5m, đường ngõ xóm là 3,5m. Đi đôi với mở rộng đường phải nghiên cứu làm vỉa vè 2 bên đường, trồng cây xanh, điện chiếu sáng và rãnh thoát nước.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chính là người có ý tưởng để Hải Phòng triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu như hôm nay. Ảnh: Tùng Đinh.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chính là người có ý tưởng để Hải Phòng triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu như hôm nay. Ảnh: Tùng Đinh.

Quan điểm của ông Thành lúc đó là với tốc độ phát triển của Hải Phòng nếu không mở rộng không gian, mở đường giao thông ngay từ thời điểm đó thì sau này sẽ không làm được bởi lẽ khi nhà nhà mọc lên san sát với hàng loạt nhà tầng kiên cố thì việc giải phóng mặt bằng 0 đồng, gần như không thể.

“Quyết sách này của cố Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vào thời điểm không ai dám nghĩ tới chính là chìa khóa để thay đổi diện mạo khu vực nông thôn Hải Phòng và tạo tiền đề cho sự phát triển, mở rộng thành phố cảng hôm nay cũng như mai sau”.

Quả ngọt cho mấy mươi năm sau

Sau khi quyết định phương án như đã lựa chọn, để chương trình được triển khai sớm, ông Lê Văn Thành tiếp tục yêu cầu UBND TP Hải Phòng chỉ đạo Sở NN-PTNT tiếp tục xin ý kiến các địa phương và đề xuất xây dựng đề án về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025 để Thường vụ Thành ủy ra nghị quyết riêng.

Theo đó, thành phố Hải Phòng sẽ đầu tư 100% bằng nguồn ngân sách, người dân sẽ đóng góp bằng việc hiến đất để mở đường. Sau khi thống nhất sẽ thí điểm 8 xã để xây dựng NTM kiểu mẫu để xem tình hình, từ đó mới tính tiếp là có làm hay không.

Thực hiện chỉ đạo này, năm 2020, thành phố Hải Phòng đã triển khai xây dựng thí điểm 8 xã nông thôn mới kiểu mẫu để làm cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm và triển khai trên địa bàn các xã trong giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí thực hiện hơn 1 nghìn tỷ đồng.

Mở màn cho xây dựng NTM kiểu mẫu là tuyến đường ở xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, sau khi hoàn thành, lắp điện chiếu sáng tối đến khi đèn điện được thắp sáng người dân khắp nơi đổ về để xem và từ đó làn sóng hiến đất, ủng hộ làm đường NTM kiểu mẫu lan tỏa khắp TP Hải Phòng.

Sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại 8 xã, thấy rõ hiệu quả, thành phố đã quyết định mở rộng ra thêm các xã, trung bình mỗi xã được đầu tư hơn 100 tỷ đồng, số tiền chưa địa phương nào trong cả nước thực hiện được.

Tuy là nông thôn nhưng đường rộng 9m, có vỉa hè, có điện chiếu sáng. Điều này, hiện tại chỉ ở Hải Phòng mới có. Ảnh: Đinh Mười.

Tuy là nông thôn nhưng đường rộng 9m, có vỉa hè, có điện chiếu sáng. Điều này, hiện tại chỉ ở Hải Phòng mới có. Ảnh: Đinh Mười.

“Lúc đầu chưa triển khai thì các cấp đều rất lo nhưng không ngờ khi quyết tâm làm, vào cuộc, khi họp dân để triển khai thì không ngờ người dân lại đồng thuận rất cao, người người, nhà nhà ủng hộ, chung tay đồng hành, nên tiến độ triển khai rất nhanh, vượt sự mong đợi”, ông Phạm Văn Thép ghi nhận.

Cũng theo ông Thép, việc Hải Phòng triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên cơ sở ý tưởng của cố Phó Thủ tướng Lê Văn Thành là một cuộc cách mạng, không chỉ nâng tầm đời sống khu vực nông thôn mà còn rất có lợi cho sự phát triển sau này của TP Cảng.

Trong tương lai, khi không gian đô thị mở ra các huyện, việc điều chỉnh các khu vực nông thôn phát triển lên đô thị sẽ rất thuận lợi vì các địa phương đã được đầu tư đồng bộ, khoa học, đẹp, hiện đại. Sau khi cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu thì các xã cơ bản đã đạt các tiêu chí lên phường, đô thị.

Riêng huyện Thủy Nguyên, đây là địa phương có kinh tế rất phát triển nhưng trước đây hạ tầng ở khu vực nông thôn còn hạn chế do địa bàn rộng, việc quan tâm đầu tư chưa được đồng đều. Sau khi thực hiện xây dựng nông thôn mới, tất cả các lĩnh vực: điện, đường, trường, trạm,… đều được đồng bộ hóa về hạ tầng, dáng dấp nông thôn hiện đại hình thành, kéo theo đó là kinh tế, dịch vụ đều phát triển theo.

Đặc biệt, sau này, khi Thủy Nguyên lên thành phố, từ 37 xã, thị trấn, sau này sẽ còn lại 21 đơn vị hành chính, trong đó có 17 phường và 4 xã. Nhờ xây dựng NTM kiểu mẫu mà tất cả các công trình nông thôn mới kiểu mẫu đều nằm trong tiêu chí để đưa xã lên phường.

“Đây là tầm nhìn xa trông rộng hiếm thấy của cố Phó Thủ tướng, tôi rất tâm huyết với nông nghiệp và gắn bó từ đó đến nay nhưng nhìn thành quả còn thấy bất ngờ. Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu bây giờ đúng là thực chất, người dân được hưởng lợi nhiều nhất và ngay lập tức, các địa phương nếu không có xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu thì chắc chắn cơ sở hạ tầng của Thủy Nguyên sẽ khó đáp ứng được yêu cầu để lên thành phố”, ông Thép khẳng định.

Ông Vũ Ngọc Ngưng - Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng chia sẻ, trước khi xây dựng NTM kiểu mẫu và sau khi hoàn thành, diện mạo nông thôn đã thay đổi rõ rệt, mang lại nhiều lợi ích cho người dân, nhấp là góp phần vào sản xuất nông nghiệp.

Trước đây, đường ra đồng rất nhỏ bé, vỡ lở,… việc đi lại, vận chuyển nông sản gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng từ khi được thành phố hỗ trợ xi măng để làm đường nội đồng các tuyến đường đó cơ bản được mở rộng, khang trang sạch sẽ, thuận tiện cho bà con vận chuyển rau màu, thuốc lào khi vào vụ. Thay vì phải gồng gánh cả quãng đường dài hàng kilomet thì nay xe cộ có thể đến tận đầu bờ, người nông dân rất được lợi.

“Chúng tôi đánh giá rất cao cố Thủ tướng Lê Văn Thành, đây là người lãnh đạo của nhân dân, có những quyết sách rất đúng đẵn, tôi làm lãnh đạo nhiều năm nhưng chưa bao giờ triển khai một chủ trương mà được người dân ủng hộ, đồng tình rồi phấn khởi như thế”, ông Ngưng cho hay.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.