| Hotline: 0983.970.780

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: 'Phát huy thời gian vàng kiểm soát dịch Covid-19'

Thứ Ba 24/08/2021 , 17:59 (GMT+7)

Long An 'Mặc dù Long An có nhiều ca F0, nhưng phải xem đây đang là thời gian vàng để kiểm soát dịch', Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo tại buổi làm việc với tỉnh.

Chiều 24/8, đoàn công tác đặc biệt của Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành dẫn đầu, cùng Tổ công tác 970 của các Bộ NN-PTNT, Công thương, Giao thông vận tải… đi khảo sát thực tế tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản, làm việc với UBND tỉnh Long An nhằm đánh giá công tác ứng phó với dịch Covid-19 của địa phương.

Đoàn công tác đặc biệt của Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành dẫn đầu thăm, làm việc tại các cơ sở sản xuất của tỉnh Long An. Ảnh: Minh Sáng.

Đoàn công tác đặc biệt của Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành dẫn đầu thăm, làm việc tại các cơ sở sản xuất của tỉnh Long An. Ảnh: Minh Sáng.

Căng mình thực hiện "mục tiêu kép"

Theo UBND tỉnh Long An, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù dưới sự tác động của dịch Covid-19, nhưng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được đều cao hơn so với cùng kỳ.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 đạt 6,06% (cùng kỳ tăng 4,34%); trong đó, khu vực  I tăng 3,11% (cùng kỳ tăng 2,52%); khu vực II tăng 6,44% (cùng kỳ tăng 6,04%); khu vực III tăng 7,24% (cùng kỳ tăng 2,05%).

Tuy nhiên từ đầu tháng 7 đến nay, khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, các ca nhiễm trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh liên tục tăng cao thì tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cũng bị ảnh hưởng nặng nề , địa phương đang căng mình thực hiện "mục tiêu kép".

Các HTX tại địa phương duy trì hoạt động sản xuất. Ảnh: Minh Sáng.

Các HTX tại địa phương duy trì hoạt động sản xuất. Ảnh: Minh Sáng.

Tính đến 6 giờ ngày 24/8/2021, tỉnh Long An ghi nhận 19.079 ca nhiễm Covid-19, trong đó số ca trong cộng đồng là 19.046 ca, đang điều trị 5.246 ca, đã điều trị khỏi: 12.313 ca, tử vong 231 ca.

Để phòng chống dịch, từ ngày 13/7 đến nay tỉnh đã cho dừng hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn, trừ các doanh nghiệp thiết yếu và doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”.

Hiện toàn tỉnh còn 767 doanh nghiệp hoạt động theo phương án 3 tại chỗ với tổng số 44.422 lao động (trong KCN 411 doanh nghiệp, 23.380 lao động; trong CCN 148 doanh nghiệp, 8.635 lao động; ngoài khu, cụm công nghiệp 208 doanh nghiệp, 12.407 lao động).   

Tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm sàng lọc, tổng số người được lấy mẫu đến ngày 23/8/2021 là 1.090.628 mẫu tại 5 địa phương thuộc vùng đỏ, đảm bảo thực hiện xét nghiệm hết người dân trên địa bàn và thực hiện hiện xét nghiệm ít nhất 2 lần nhằm phát hiện và bóc tách hết Fo, F1 ra khỏi cộng đồng ngay trong tháng 8/2021.

Địa phương cũng đã chuẩn bị các kịch bản đảm bảo công tác y tế cho các tình huống có 20.000, 25.000 và 30.000 ca bệnh trên địa bàn tỉnh để chủ động có biện pháp ứng phó, không để bị động bất ngờ.

Đồng thời tiếp tục tập trung công tác đầu tư, mua sắm, bổ sung trang thiết bị, vật tư y tế và huy động nguồn nhân lực đảm bảo thực hiện công tác cách ly, chăm sóc, điều trị các bệnh nhân Covid-19 theo tháp điều trị 3 tầng nhằm giảm tối đa tỷ lệ tử vong.

Tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu tại Long An vẫn tương đối ổn định.

Tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu tại Long An vẫn tương đối ổn định.

Về tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu, hiện tại, hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi vẫn đang hoạt động bình thường, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung giá hàng hoá tương đối ổn định so với lúc bình thường; sức mua ổn định, không có hiện tượng thu gom, tăng giá đột biến.

Hiện toàn tỉnh có 136 đơn vị cung ứng hàng hóa thiết yếu (4 siêu thị Coop mart; 15 cửa hàng San Hà, 88 Bách hóa xanh, 5 Vinmart, 3 Coop Food, 19 điểm bưu cục của bưu điện tỉnh; 2 DN phân phối).

Tính đến nay, Long An có trên 176 điểm bán hàng bình ổn cố định và lưu động trên địa bàn tỉnh (các đơn vị cung ứng, DN, HTX của tỉnh, với các mặt hàng như gạo, rau củ quả, hàng bách hóa…). Hệ thống cửa hàng tạp hóa và các điểm bán hàng do UBND địa phương tổ chức.

Cần phương án thu hoạch nông sản

Theo Sở NN-PTNT Long An, dự kiến thu hoạch trong 2 tuần tới (từ 24/8/2021-7/9/2021) là lúa Hè Thu và lúa Thu Đông của các huyện Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Tân Hưng sẽ thu hoạch với diện tích 81.400ha, sản lượng 410.800 tấn.

Việc thu mua lúa của tỉnh thì ngoài các thương lái, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thì có nhiều thương lái, doanh nghiệp của các tỉnh như Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang. Hiện vẫn có thương lái, doanh nghiệp thu mua nhưng số lượng giảm đáng kể hoặc thu mua với số lượng ít.

Nguyên nhân do: ngại di chuyển đi thu mua nông sản vì lo dịch bệnh; chi phí tăng khi phải xét nghiệm định kỳ; nhiều nhà máy chế biến lúa buộc phải đóng cửa hoặc giảm công suất, giảm công nhân để đủ điều kiện áp dụng “3 tại chỗ” do đó ảnh hưởng đến lượng thu mua...

Nhiều thương lái ngại di chuyển đi thu mua nông sản vì lo dịch bệnh, đe dọa việc thu mua lúa vụ Hè Thu và Thu Đông. Ảnh: Trần Trung.

Nhiều thương lái ngại di chuyển đi thu mua nông sản vì lo dịch bệnh, đe dọa việc thu mua lúa vụ Hè Thu và Thu Đông. Ảnh: Trần Trung.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác 970 chia sẻ: Thời gian qua, Tổ công tác 970 đã tích cực  phối hợp với các địa phương, bộ, ngành Trung ương và đơn vị, doanh nghiệp có liên quan để đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu, thúc đẩy tiêu thụ các loại nông sản; kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, tiêu thụ, lưu thông hàng hóa nông sản. Qua đó, việc tiêu thụ nông sản tại vùng ĐBSCL có những chuyển biến tích cực; giá lúa và một số loại nông sản khởi sắc hơn.

Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hiện còn 690.000 ha lúa Hè Thu, thu hoạch từ nay đến giữa tháng 9. Công tác thu hoạch lúa, nhất là đối với lúa Hè Thu của đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Long An nói riêng không thể để chậm trễ được vì đang mùa mưa, hạt thóc sẽ nảy mầm trên bông, hư hỏng, nên vấn đề vận chuyển và đưa nhân công, máy móc thu hoạch rất quan trọng.

Tương tự, sản phẩm thủy sản như tôm, cá tra cũng không để dưới ao lâu vì sẽ quá lứa. Do đó, các địa phương cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người sản xuất thu hoạch, thu mua, vận chuyển sản phẩm nhanh chóng.

Với tinh thần khó đến đâu tháo gỡ đến đó, các Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế từng địa phương phối hợp thực hiện, nếu còn vướng mắc thì đề xuất với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh tháo gỡ. Các vấn đề liên quan đến liên vùng cả nước thì kiến nghị tới các Tổ công tác của các Bộ để có giải pháp phù hợp.

Thay mặt tỉnh Long An, ông Nguyễn Văn Được - Bí thư tỉnh ủy Long An cũng kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành quan tâm hơn đến tình hình phòng chống dịch và sản xuất phát triển kinh tế của Long An.

Theo đó, tỉnh Long An đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính quan tâm, hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 cho tỉnh Long An giúp địa phương đảm bảo đủ nguồn kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2021;

Bộ Y tế quan tâm, hỗ trợ nhân sự có chuyên môn về y tế giúp tỉnh thực hiện tốt công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là những bệnh nhân nặng và chuyển nặng nhằm giảm thiểu tối đa tỷ lệ tử vong đồng thời hỗ trợ tỉnh Long An 2,1 triệu test xét nghiệm kháng nguyên vi rút SARS-COV-2 và 200.000 - 300.000 kit xét nghiệm PCR để phục vụ xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 diện rộng trên địa bàn tỉnh.

Phân bổ cho tỉnh Long An 82.320 liều vắc xin Moderna để trả mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 trong tháng 7/2021...

Phát huy "thời gian vàng"

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao về sự chỉ đạo của các cấp ngành tỉnh Long An. Đây là địa bàn có lợi thế tiềm năng, địa phương khai thác tốt, nhưng khi dịch bệnh xảy ra, khiến các chỉ tiêu về kinh tế bị sa sút.

Phó Thủ tướng cho rằng, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, không được chủ quan, vì chỉ cần 1 ổ dịch lớn là sẽ lan tỏa ra toàn tỉnh trong thời gian rất ngắn.

Đoàn công tác đặc biệt của Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành dẫn đầu làm việc với tỉnh Long An. Ảnh: Minh Sáng.

Đoàn công tác đặc biệt của Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành dẫn đầu làm việc với tỉnh Long An. Ảnh: Minh Sáng.

Mặc dù Long An có nhiều ca F0, nhưng chúng ta hãy phải xem đây đang là thời gian vàng để kiểm soát dịch. Nếu lơ là thì rất có thể sẽ không thể kiểm soát được nữa. Toàn hệ thống chính trị tỉnh Long An cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để phòng chống dịch hạn chế tối đa số ca tử vong...

Chúng ta cần phải quyết tâm ngăn chặn bằng được, đẩy lùi covid -19 ra khỏi địa bàn của mình trong tình hình khó khăn hiện nay để nhanh chóng phục hồi sản xuất.

Để thực hiện được, tỉnh cần tập trung thật cao, xét nghiệm toàn bộ dân số trong tỉnh, cần phải bóc được F0 ra để cách ly. Cố gắng đừng để đẩy cao F0 và phải quản lý được F1. Cần truy vết tốt những trường hợp tiếp xúc với F0. Có thể giao cho công an, quân đội sẽ làm tốt hơn....

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kết luận Hội nghị. Ảnh: Minh Sáng.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kết luận Hội nghị. Ảnh: Minh Sáng.

Đồng thời cần đầu tư xây dựng khu cách ly tốt để tránh lây lan dịch bệnh, không được chủ quan. Trong quá trình phong toả thì phải thực hiện chính sách hỗ trợ an sinh cho người dân.

Ngoài ra, thiết bị y tế, máy thở, ôxi cần phải được trang bị đủ cho người dân khi có bệnh nặng. "Chúng ta cần phải quyết tâm để vượt qua trong giai đoạn khó khăn này để sớm phục hội lại cuộc sống và sản xuất", Phó Thủ tướng nói.

"Long An đã làm tốt việc phòng dịch, nhưng nếu không biết duy trì và giữ tốt thì dịch bệnh sẽ lại bùng phát.

Đề nghị các Bộ ngành với chức năng và nhiệm vụ của mình hãy hỗ trợ cho Long An trong những lúc dịch bệnh căng thẳng này. Còn về sản xuất kinh doanh, tỉnh Long An cố gắng duy trì và phải thực hiện chặt chẽ việc phòng dịch cho người sản xuất", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.

Xem thêm
Nông nghiệp - PTNT năm 2024: Vượt gian khó lập kỳ tích

14h00 hôm nay (27/12), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai kế hoạch năm 2025 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Báo Nông nghiệp Việt Nam xin điểm lại một số dấu ấn nổi bật của ngành trong năm 2024.

Phú Yên mong được hỗ trợ trong các dự án phát triển thủy sản bền vững

Dự án Khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại thị xã Sông Cầu và nâng cấp cảng cá Đông Tác là bước tiến giúp Phú Yên phát triển thủy sản bền vững.

Công bố mức thưởng tết cao nhất tại Vĩnh Long và Trà Vinh

Theo thống kê của Sở LĐ- TB&XH Trà Vinh, mức thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ cao nhất là 280 triệu đồng, trong khi tại Vĩnh Long là 240 triệu đồng.