| Hotline: 0983.970.780

Phòng bệnh thường gặp trên bò, dê mùa nóng

Thứ Ba 16/05/2023 , 11:00 (GMT+7)

Ngành chăn nuôi, thú y Trà Vinh khuyến cáo, nông dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, tránh bệnh thường gặp trên đàn gia súc để giảm rủi ro vào mùa nóng.

Nông dân Trà Vinh thường xuyên theo dõi đàn bò, chủ động tiêm phòng theo hướng dẫn của cơ quan thú y địa phương. Ảnh: Hồ Thảo.

Nông dân Trà Vinh thường xuyên theo dõi đàn , chủ động tiêm phòng theo hướng dẫn của cơ quan thú y địa phương. Ảnh: Hồ Thảo.

Là nghề truyền thống của người dân nông thôn tỉnh Trà Vinh, chăn nuôi phát triển đều khắp địa bàn các huyện Trà Cú, Cầu Ngang, Châu Thành, Tiểu Cần, Duyên Hải, Càng Long và Cầu Kè.

Do có điều kiện thuận lợi, số lượng đàn vật nuôi của nông hộ phát triển mạnh qua các năm, nhất là bò và dê. Trà Vinh trở thành tỉnh có đàn bò đứng đầu ở khu vực ĐBSCL với trên 200.000 con, dự kiến đến năm 2030 là 300.000 con. 

Bên cạnh những thuận lợi, thời điểm nắng nóng oi bức như hiện nay là nguyên nhân làm giảm sức đề kháng của các loại vật nuôi, trong đó có bệnh thường gặp trên bò và dê như: Lở mồm long móng, tụ huyết trùng, sốc nhiệt, ecoli… dễ gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi nếu không chủ động phòng tránh. 

Nhận thấy điều đó, bà Thạch Thị Chariya, ở thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, đang nuôi 10 con bò cho biết: Đã thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho đàn bò theo hướng dẫn của cán bộ thú y.

Theo đó, bà Thạch Thị Chariya cho đàn bò uống nước cám một ngày ba lần, tới đợt bà tiêm ngừa đúng theo lịch của cán bộ thú y thông báo. Bên cạnh đó, thường xuyên quét dọn phân bò và giữ vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Do vậy, đàn bò nhà bà Chariya sức khỏe được đảm bảo và tăng trọng lượng qua hàng tháng.

Còn theo ông Nguyễn Hữu Ý ở xã Thạnh Mỹ, huyện Châu Thành, 10 năm qua, vào mùa nắng những bệnh thường gặp trên đàn dê là tụ huyết trùng, lở mồm long móng và bệnh phổi. Để bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi, ông Ý chủ động tiêm phòng, làm màn chắn côn trùng lây bệnh và giữ vệ sinh chuồng trại luôn thông thoáng nhất có thể. Nhờ đó, đàn dê của ông Ý phát triển ổn định đảm bảo lợi nhuận hàng năm.

 “Tôi dọn phân và dội rửa nền chuồng ba ngày một lần, một tháng tiêu độc, khử trùng một lần và tiêm phòng thường xuyên theo lịch của cơ quan thú y”, ông Ý nói.   

  

Cán bộ thú y tỉnh Trà Vinh đang tiêm vacxin phòng bệnh trên đàn bò trên toàn tỉnh. Ảnh: Hồ Thảo.

Cán bộ thú y tỉnh Trà Vinh đang tiêm vacxin phòng bệnh trên đàn bò trên toàn tỉnh. Ảnh: Hồ Thảo.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trà Vinh khuyến cáo, vào mùa nắng nóng bà con cần tăng cường cho bò, dê ăn nhiều cỏ tươi, thức ăn có vitamin C, chất điện giải để bổ sung chất dinh dưỡng cho vật nuôi. Bên cạnh đó, cần phun, xịt các loại côn trùng lây bệnh như ruồi, muỗi, ve, nhộng để phòng các bệnh truyền nhiễm theo theo hướng dẫn của cán bộ thú y địa phương.       

Ông Phạm Văn Bảo, cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh cho biết: Hiện nay do thời tiết ban ngày nắng nóng nhiệt độ lên cao, làm cho sức đề kháng của vật nuôi trong đó có dê, bò bị giảm, để khắc phục tình trạng bà con chăn nuôi cần là lưu ý. Thứ nhất, người nuôi nên cho bò, dê uống nhiều nước và hạn chế thả lang bởi khi vận động nhiều động vật dễ mất nước. Thứ hai, bà con cần bổ sung thêm vitamin C và các chất điện giải, để cân bằng điện giải trong cơ vật nuôi. 

Cũng theo ông Bảo, mùa nóng là điều kiện thuận lợi cho một số loại côn trùng lây bệnh truyền nhiễm như: Ruồi, muỗi, ve, nhộng phát triển, do đó bà con cần lưu ý làm màn để che chắn chuồng trại để bảo vệ vật nuôi. Ngoài những bệnh được khuyến cáo, nông dân cần chủ động tiêm phòng vacxin bệnh đậu cho bò, dê sớm nhất có thể. Bởi khi dê khi mắc bệnh đậu sẽ ảnh hưởng tới năng suất cũng như hiệu quả kinh tế của bà con rất lớn.

“Hiện nay, chúng tôi đã thành lập các tổ, đội tiêm phòng vacxin lở mồm long móng, viêm da nổi cục cho 28.834 con bò với khoảng 2.000 con dê trên địa bàn toàn huyện. Qua đó nhằm phòng chống bệnh lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bệnh gây trên vật nuôi, góp phần phát triển ổn định đời sống sản xuất của nông dân”, ông Bảo chia sẻ.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.